Đời sống

Điều ít biết về rằm tháng Giêng Tân Sửu 2021

25/02/2021, 09:34

Những điều ít biết về nguồn gốc, phong tục cúng rằm tháng Giêng - Tết Thượng Nguyên của người Việt Nam.

Rằm tháng Giêng

Điều ít biết về nguồn gốc, mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng Tân Sửu 2021?

Nguồn gốc rằm tháng Giêng

Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng) là một trong những ngày rất quan trọng theo lịch âm của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. Lễ hội trăng rằm được bắt đầu từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng rằm) trọn ngày 15 (ngày rằm) cho đến nửa đêm 15 (đêm trăng rằm) của tháng giêng Âm lịch.

Tương truyền, nguồn gốc ngày rằm tháng Giêng liên quan đến vua Hán Văn của Trung Hoa.

Theo đó, nhà vua lên ngôi vào đúng ngày rằm tháng Giêng nên hằng năm cứ đến ngày này, vua lại ra ngoài chung vui với dân. Chữ đêm (dạ) trong cổ ngữ Trung Hoa được đọc là “tiêu”, đây còn là đêm rằm đầu tiên của năm nên vua Hán Văn gọi ngày này là ngày tết Nguyên Tiêu.

Sau nhiều thời gian, tết này được bổ sung thêm các yếu tố văn hóa Đông Á nên nguồn gốc có thể được lý giải theo nhiều cách khác nhau.

Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng?

Theo triết lý nhà Phật, ngày rằm tháng Giêng còn gọi là lễ Thượng Nguyên. Đây là thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm.

Ngày này, mọi người thường đi chùa để cúng dường, làm nhiều việc thiện, cầu bình an đến với mình và gia đạo.

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là tết Thượng Nguyên nằm trong cùng hệ thống với các tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy, địa quan xá tội) và tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười, thủy quan giải ách).

Từ quan điểm nhà Phật, mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng cũng có những đặc điểm khác biết so với các ngày lễ khác. Cụ thể: Mâm lễ cúng rằm tháng Giêng gồm ba bàn thượng - trung - hạ. Bàn thượng thỉnh Phật và chư vị Bồ Tát; Bàn trung cúng chư vị thần linh như: Thổ thần và các vị thần tinh tú; Bàn thứ ba là bàn bố thí chư vị âm linh cô hồn. Đặc biệt ngày rằm tháng Giêng thường đốt 49 cây đèn/nến để cầu nguyện. Cúng đồ chay hay đồ mặn là tùy mỗi gia đình và địa phương.

Dù cúng chay hay mặn thì phải có đầy đủ trái cây, chè xôi, đèn ở bàn Phật và Bồ Tát. Bàn thứ hai cúng thần thì ngoài đầy đủ như bàn Phật còn có thêm cau trầu, rượu mâm cơm. Bàn thứ 3 cúng âm linh cô hồn nên bắt buộc có giấy tiền vàng bạc, muối, gạo, bánh trái, xôi, chè, cơm, canh... càng nhiều thứ càng tốt, đặc biệt là phải có cúng cháo trắng loãng.

Về đĩa trái cây, người dân thường cúng 3 loại hoặc 5 loại vì số lẻ biểu trưng cho dương và theo quan niệm thích số. Ba bàn cúng được sắp xếp thượng - trung - hạ cũng tượng trưng cho ba ruộng phước gồm: ân điền, kỉnh điền và bi điền. Giờ cúng được nhiều người chọn nhất đó là vào giờ Ngọ ngày rằm tháng Giêng, tức từ 11 giờ đến 13 giờ.

Ngoài ra, theo phong tục người Việt thường chọn giờ cúng rằm tháng Giêng vào buổi trưa, từ 10 giờ trở đi là được. Nhưng ngày nay, công việc bận rộn nên nhiều gia đình dời xuống cúng buổi tối. Và dù có cúng buổi nào, hay mâm cúng ra sao thì quan trọng nhất chỉ cần cúng thành tâm thì mọi điều cầu nguyện sẽ được chứng giám.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.