Xem - ăn - chơi

Điều ít biết về vở diễn Tướng quân ăn mày

19/07/2017, 08:57

Vở diễn đề tài lịch sử Tướng quân ăn mày: Không diễn viên tên tuổi, không kể về nhân vật nổi tiếng lẫy lừng..

18

Một cảnh trong vở “Tướng quân ăn mày”

“Hồng Thất Công” của Việt Nam

Ai từng theo dõi những bộ kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung (Trung Quốc) đều ấn tượng với nhân vật Hồng Thất Công - nhân vật ăn mày nhưng luôn hành hiệp trượng nghĩa và có sức ảnh hưởng sâu rộng. Cũng từ hình ảnh của Hồng Thất Công, nhà văn Nguyễn Toàn Thắng đã nghĩ về những nhân vật lịch sử Việt Nam khi có các vị anh hùng lỗi lạc cũng là ăn mày, trong đó có Phạm Ngũ Thư - cháu ba đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão. Và chỉ trong một tuần, kịch bản Tướng quân ăn mày ra đời.

Nhân vật chính trong vở cải lương này là Phạm Ngũ Thư, vốn là một mệnh quan thời nhà Trần. Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, ông từ quan sống phiêu bạt. Sau khi nhà Hồ sụp đổ, quân Minh kéo vào xâm lược, trước cảnh đất nước lầm than, nhân dân đói khổ, Phạm Ngũ Thư quyết định tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi ở Lam Sơn. Ông đã nghĩ ra kế xây dựng một hệ thống tình báo ngụy trang ăn mày để thu thập tin tức của quân địch. Sau này, khi nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi, ông từ bỏ mọi hào quang, trở về đời thường dân một cách nhẹ nhõm.

Đạo diễn Triệu Trung Kiên chia sẻ, anh thích thú với vở diễn ngay khi đọc kịch bản, bởi dù Phạm Ngũ Thư không phải nhân vật được nhiều người biết đến nhưng ông cũng là một người có công với đất nước. Kịch bản khá mộc mạc về một người anh hùng với xuất thân không tầm thường nhưng do số phận đưa đẩy đã trở thành một người ăn mày. “Dù là ăn mày nhưng vẫn trở thành anh hùng, đó là một nét đẹp của người Việt Nam. Trong cái khốn cùng nhất, khi giặc đến, họ cũng đánh giặc và vẫn khiến giặc thảm bại bởi tài trí của mình. Do đó, áp lực lớn nhất của tôi chỉ là vở diễn có hay, có thuyết phục và đạt được chất lượng nghệ thuật hay không mà thôi”, anh tâm sự.

Vai diễn nặng ký Phạm Ngũ Thư được giao cho diễn viên trẻ Phạm Nhật Linh. Nhật Linh tâm sự, khi đọc kịch bản, anh đã sợ không đảm đương nổi. Bởi vai diễn này có nhiều cảm xúc đan xen. Anh phải nhờ đạo diễn, biên kịch phân tích chi tiết các phân đoạn để nắm được tâm lý nhân vật, đồng thời xem phim ảnh để hình dung về một thủ lĩnh của “Cái bang”. Nhật Linh tiết lộ, ngoài việc tập luyện ở nhà hát, về nhà đến trong giấc ngủ anh cũng nghĩ đến Phạm Ngũ Thư. “Trước khi có lịch tổng duyệt, tôi lo lắng tới mất ăn, mất ngủ vì không biết mình có làm nổi không, có truyền tải được hết ý nghĩa mà đạo diễn muốn gửi gắm”, Nhật Linh chia sẻ thật thà.

Đề tài lịch sử, ý nghĩa hiện đại

Tuy nhiên, Tướng quân ăn mày vẫn được dàn dựng với những yếu tố hiện đại và ước lệ đan xen. Sân khấu được thiết kế bục bệ linh hoạt, khi trở thành ngai vàng của vua, khi biến thành một góc chợ lụp xụp - nơi trú ẩn của những người ăn xin. NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội nhìn nhận, đề tài lịch sử hay các nhân vật lịch sử đã có nhiều loại hình nghệ thuật mô tả như: Phim ảnh, chèo, tuồng… nên làm sao để mang lại điều lạ và có góc nhìn khác biệt. Đó là cái nhìn sâu xa về chốn quan trường của cả ngày xưa và phần nào đó là ngày nay, khi có những kẻ bất tài, không có tâm vẫn có thể lên làm quan, làm lãnh đạo. Trong khi đó, những người thực sự có tài, có tâm lại phải rút lui để tìm chốn bình yên cho mình.

Đây cũng là vở diễn Nhà hát Cải lương Hà Nội đã mở rộng cửa kêu gọi các cộng tác viên tài năng tham gia dàn dựng với đạo diễn Triệu Trung Kiên (Nhà hát Cải lương Việt Nam), NSƯT Doãn Bằng (Nhà hát Kịch Việt Nam) thiết kế mỹ thuật. Nghệ sĩ Quang Hùng khẳng định, việc mời các nghệ sĩ ngoài nhà hát cộng tác thực hiện vở diễn giúp các diễn viên của nhà hát có cơ hội tiếp xúc với nhiều đạo diễn hơn. Từ đó, các diễn viên sẽ có sự so sánh về sức sáng tạo, có nhận biết về cách triển khai vở diễn cũng như tự thấy được năng lực của mỗi người. Nếu để cho một ê-kíp mãi thực hiện vở diễn thì sẽ dẫn tới tính chất cục bộ.

Được biết, mức kinh phí đầu tư vở diễn đều do nhà hát tự lo liệu, không có tài trợ. Hiện tại, vở diễn đang chờ thẩm định của hội đồng, cũng như trên đà hoàn thiện để ra mắt công chúng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.