Giao thông

Điều kiện kinh doanh của Uber, Grab sẽ tương đương taxi?

19/12/2017, 21:55

Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ.

11111212121212121212121213

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì Hội nghị

Chiều nay (19/12), Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, đầu năm 2014, thị trường kinh doanh vận tải khách tại Việt Nam xuất hiện các ứng dụng phần mềm kết nối giữa hành khách với lái xe. Theo Thứ trưởng Thọ, Việt Nam có 5 loại hình vận tải đường bộ là vận tải khách tuyến cố định, vận tải khách hợp đồng, taxi, du lịch và xe buýt. Nghị định 86 và các Thông tư khác của Bộ GTVT quy định đây là các loại hình kinh doanh có điều kiện.

“Sự xuất hiện các phần mềm kết nối, tiêu biểu là Uber, Grab trong điều kiện hành lang pháp lý chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn quản lý nhà nước. Với những lý do đó, Bộ GTVT trình Chính phủ và đã tiến hàng thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử đối với loại hình xe hợp đồng trong 2 năm”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá, kết quả thí điểm đã đem lại lợi ích trực tiếp đi lại của người dân, giảm chi phí trong quá trình đi lại người dân và được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, khi cho thực hiện thí điểm, nhiều ý kiến nhìn nhận đánh giá loại hình kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử này tương tự như taxi. Đề án thí điểm tại 5 tỉnh, thành nhưng sau 2 năm thực hiện vẫn còn TP Đà Nẵng chưa thực hiện.

“Còn nhiều ý kiến cho rằng chưa phân biệt được giữa taxi truyền thống và xe hợp đồng điện tử; còn có có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa taxi và Uber, Grab. Bên cạnh đó, quản lý về thu thuế đối với các ứng dụng này còn nhiều ý kiến trái chiều”, Thứ trưởng đánh giá.

Trước thực tế này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đã nhìn nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp và đánh giá rõ các vấn đề còn tồn tại. Theo Thứ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu để sửa đổi Luật GTĐB trong năm 2018. Qua 10 năm thực hiện, luật này đã đi vào cuộc sống, phù hợp với sự phát triển của đất nước, nhưng cũng đến lúc cần sửa đổi phù hợp với xu thế nhất là trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng công nghệ trong quản lý vận tải khách là hết sức cần thiết. Trong lần sửa luật tới, phải mạnh dạn đi theo hướng này để phù hợp với thực tiễn phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý. Bộ GTVT sẽ đưa ra các định hướng quản lý đối với Uber, Grab vào quá trình sửa luật", Thứ trưởng khẳng định.

Trước đó, báo cáo kết quả 2 năm thực hiện thí điểm, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại có 4/5 địa phương chính thức tham gia thí điểm gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa và thành phố Hồ Chí Minh (Đà Nẵng chưa triển khai thí điểm); có 10 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện Hợp đồng vận tải điện tử. Tổng số hiện có trên 800 đơn vị vận tải với trên 36.000 phương tiện tham gia thí điểm.

"Việc triển khai thí điểm đã đảm bảo quản lý được các phương tiện để tham gia kinh doanh vận tải đúng quy định, quản lý được việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước và đáp ứng được xu thế tất yếu trong ứng dụng khoa học công nghệ đối với lĩnh vực vận tải. Việc thí điểm cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi lại như: lựa chọn phương tiện, biết được thông tin của lái xe, biết trước được giá cước, tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản, sử dụng dịch vụ tốt thông qua chất lượng của phương tiện, giám sát đánh giá thái độ phục vụ khách hàng của đơn vị với lái xe", ông Ngọc nói.

Kêt luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo, hướng sửa Nghị định 86 điều kiện kinh doanh giữa xe hợp đồng và xe taxi phải “gần” nhau. Khi sửa đổi Nghị định 86 lần này, cần mạnh dạn tính phương án đưa điều kiện kinh doanh xe hợp đồng và xe taxi ngang nhau sẽ giúp công tác quản lý chặt chẽ hơn, tạo sự công bằng trong kinh doanh vận tải. Nghị định cũng cần phải phân biệt rõ chủ thể kinh doanh vận tải và chủ thể cung cấp công nghệ...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.