Thời sự

Điều trị ung thư, mẹ vẫn động viên con trai CSB vững lòng chiến đấu

17/05/2014, 17:33

Mặc dù đang điều trị bệnh nặng nhưng mẹ của thượng úy Lê Trung Thành và trung úy Phạm Khả Đăng (tàu Cảnh sát biển 4033) vẫn động viên các anh vững lòng chiến đấu, giữ vững chủ quyền đất nước.

Bộ trưởng Y tế thăm mẹ Thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển 4033

Theo Thanh niên, sáng nay (17/5), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm hỏi tình hình sức khỏe của mẹ của thượng úy Lê Trung Thành, thuyền trưởng tàu cảnh sát biển 4033, đang công tác tại Hoàng Sa.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi tình hình sức khỏe bà Huỳnh Thị Như Đóa (Ảnh: Thanh Niên)
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi tình hình sức khỏe bà Huỳnh Thị Như Đóa (Ảnh: Thanh Niên)

Cách đây hơn một tháng, bà Huỳnh Thị Như Đóa (68 tuổi, ngụ Quảng Ngãi), nhập viện Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) để điều trị bệnh ung thư vòm hầu. Lúc này, con trai bà vẫn đang cùng các đồng đội kiên cường chống chọi với những đợt tấn công đâm thuyền, phun vòi rồng của tàu Trung Quốc, tại khu vực giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam.

Bà Đóa đã nhập viện hơn một tháng, xạ trị ung thư và mới chỉ nhận được một cuộc điện thoại của con trai gọi về hỏi thăm tình hình sức khỏe, động viên mẹ. Thế nhưng, người mẹ ấy vẫn vững vàng, chỉ duy nhất một lời nhắn gửi đến con trai: “Mẹ bị bệnh nhưng được các thầy thuốc và cộng đồng quan tâm, chia sẻ rất nhiều. Con cứ yên tâm, nắm chắc tay súng, bảo vệ biên cương chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của mình".

Tâm sự với phóng viên, bà nói đầy tự hào: “Mà bản thân cháu vẫn hay nói với mẹ: Mẹ ơi, với con tàu là nhà, biển đảo là quê hương. Cháu rất bản lĩnh”.

Bà Đóa kể lại: “Tui vào đây khám bệnh, thì nghe mấy đứa nhỏ ở nhà gọi điện báo là thấy trên mạng nói tàu của anh Thành bị đâm. Nói chứ là một người mẹ, khi nghe tin tàu của cháu bị đâm thì tui cũng rất lo lắng”.

“Nhưng sau đó, đọc báo thấy nói người trên tàu không sao và gia đình đã liên lạc được với cháu khi tàu cập cảng Tiên Sa để sửa chữa nên cũng yên tâm”, mẹ của thượng úy Thành tâm sự.

Khi tàu cập cảng sửa chữa, anh Thành vẫn chưa biết mẹ bị ung thư. Khi gọi điện về cho gia đình, hỏi mẹ đâu thì ở nhà mới nói cho anh biết mẹ đang ở TP.HCM điều trị bệnh.

Ngay ở thời điểm khó khăn nhất, chính người mẹ ấy cũng là người động viên con nhiều nhất. “Tui cũng nói với cháu bệnh của mẹ chỉ ở giai đoạn đầu. Mẹ cũng rất tin tưởng các bác sĩ ở đây nên con cứ yên tâm làm nhiệm vụ”.

Nhà chỉ có mỗi một người con trai nên khi anh ra khơi giữ biển, ông Lê Trung Việt, cha của thượng úy Thành, là người túc trực cả tháng nay để chăm sóc vợ.

Còn người vợ trẻ của anh Thành thì ở quê chăm lo cho nhà cửa và chăm sóc cho đứa con mới chỉ 20 tháng tuổi.

Bác sĩ Huỳnh Chí Long, Phó trưởng Khoa xạ 3, Bệnh viện Ung bướu, cho biết bệnh ung thư vòm hầu của bà Đóa đang ở giai đoạn 2. Dự tính bà sẽ phải trải qua 35 lần xạ trị. Tính đến nay, bệnh nhân đã xạ trị được 14 lần. Tình hình sức khỏe bệnh nhân đã khá hơn.

Thuyền phó tàu cảnh sát biển 4033 cắt phép vội trở lại biển Đông

Hoàn cảnh của trung úy Phạm Khả Đăng (xã Thạch Trị, Thạch Hà, Hà Tĩnh), thuyền phó tàu CSB 4033 cũng rất khó khăn. 

Theo VnExpress, hơn một tháng trước, sau chuyến làm nhiệm vụ từ biển trở về đất liền, trung úy Đăng nhận được tin mẹ (bà Nguyễn Thị Tĩnh) bị ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện trả về nhà. Bố bị xuất huyết não nằm liệt hơn một năm nay, sức khỏe yếu dần. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, người em ruột đi học xa nhà nên Đăng được cấp trên cho về phép chăm sóc bố mẹ.

Bà Tĩnh (mẹ của thuyền phó tàu CSB 4033) đang bị ung thư giai đoạn cuối (Ảnh: VnExpress)
Bà Tĩnh (mẹ của thuyền phó tàu CSB 4033) đang bị ung thư giai đoạn cuối (Ảnh: VnExpress)

Đầu tháng 5, đồng đội thông báo tình hình ở biển Đông đang diễn biến phức tạp, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tàu 4033 của anh Đăng và nhiều tàu khác tham gia tuyên truyền, yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan, nhưng chưa có kết quả.

Chưa hết phép, bệnh tình bố mẹ vẫn rất nặng, nhưng nửa tuần trước anh Đăng đã liên lạc với đơn vị để được trở lại cùng đồng đội ra biển làm nhiệm vụ. Bố mẹ và vợ đều ủng hộ lựa chọn của anh.

"Mình nghỉ phép mà đồng đội ngày đêm làm việc vất vả thì có nằm ngủ cũng không ngon. Tôi nóng lòng trở lại để cùng anh em ra biển làm nhiệm vụ. Dù thế nào cũng không để Trung Quốc đặt giàn khoan...", trung úy Đăng nói.

Chuẩn bị tiễn chồng lên đường trở vào đơn vị để ra biển làm nhiệm vụ, chị Nguyễn Thị Mận dặn dò anh hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.

"Chúng tôi không có nhiều thời gian ở bên nhau kể từ ngày cưới. Vì anh đang gấp rút hoàn thành nhiệm vụ nên vợ chồng vẫn chưa nghĩ tới chuyện sinh con mà tất cả tập trung tinh thần để anh yên tâm lên đường hoàn thành tốt nhiệm vụ", vợ của trung úy thuyền phó tàu 4033 tâm sự.

Nằm trên giường bệnh không thể tự ngồi dậy, bố của Đăng là ông Phạm Khả Thảo nắm chặt bàn tay con trai dặn dò: "Hãy hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao con nhé. Bố mẹ và người thân ở quê đang hướng về biển Đông".

Thuyền phó tàu 4033 cho biết, trở lại biển Đông lần này anh sẽ tiếp sức cùng đồng đội trên tàu quyết tâm bám thực địa để tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam. Anh em làm nhiệm vụ sẽ luôn thực thi đúng pháp luật, bình tĩnh, kiềm chế để không mắc mưu tàu Trung Quốc.

Ngày 3/5, tại tọa độ 15,31 độ vĩ Bắc–111,02 độ kinh Đông (cách giàn khoan trái phép HD-981 khoảng 10 hải lý), khi lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam ngăn chặn hành động xâm phạm trái phép của giàn khoan và lực lượng tàu bảo vệ của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam, tàu Cảnh sát biển 4033 của Việt Nam đã bị tàu hải cảnh số hiệu 44044 của Trung Quốc lao tới, chủ động đâm thẳng vào mạn phải tàu 4033 làm một số thủy thủ Việt Nam bị thương, mạn phải tàu bị bể, hỏng máy và các trang thiết bị khác.

 

Sau khi khắc phục hư hại do bị tàu Trung Quốc đâm trái phép, ngày 13/5, tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4033 đã quay trở lại khu vực Hoàng Sa để cùng các tàu khác của Việt Nam thực thi pháp luật, ngăn chặn Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép.

P. V (Tổng hợp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.