Đường sắt đô thị

Định danh các tuyến đường sắt đô thị và “Metro” thế nào cho đúng luật?

04/10/2020, 15:19

Theo chuyên gia, có các loại hình đường sắt đô thị khác nhau, việc định danh đúng loại hình đường sắt liên quan đến vốn đầu tư, quản lý dự án.

img
Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km, gồm 17,1km đi trên cao và 2,6km đi ngầm, được đơn vị quản lý dự án đặt tên tuyến Metro số 1

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, ngày 10/10, đoàn tàu đầu tiên của dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên sẽ được đưa về dự án để chuẩn bị cho việc đưa vào khai thác, vận hành vào cuối năm 2021. Tuyến này đang được xây dựng với chiều dài 19,7km, có cấu trúc kếp hợp đi trên cao (17,1km) và đi ngầm (2,6km). Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên được gọi là tuyến 1, còn Ban Quản lý dự án gọi là Tuyến Metro số 1. Các đoàn tàu cũng được gọi là đoàn tàu của tuyến Metro số 1.

Tại Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị số 3, tuyến Nhổn - ga Hà Nội, đang được xây dựng cũng có cấu trúc kết hợp đi trên cao (8,5km) và đi ngầm (4km). Đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt này cũng đang được vận chuyển từ Pháp, dự kiến cuối tháng 10/2020 về đến dự án. Đơn vị quản lý dự án cũng gọi tuyến đường sắt này tuyến Metro số 3.

Đề cập việc gọi tên các tuyến đường sắt trên là “Metro”, chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân cho rằng nên đặt tên như trên để cho thông dụng, dễ nhớ. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, do các tuyến chỉ phù hợp tiêu chuẩn của đường sắt đô thị chứ không phải tuyến tàu điện ngầm nên việc đặt tên “Metro” là gây nhầm lẫn. Bởi đoàn tàu của Metro ít nhất phải có 7 toa và đi ngầm là chủ yếu.

“Việc định danh các tuyến đường sắt đô thị không phải là Metro thành tuyến Metro không chỉ gây nhầm lẫn về hình thức mà còn liên quan đến vấn đề đầu tư. Trên thế giới, suất đầu tư của tuyến Metro thường ở mức 100-120 triệu USD/km, còn suất đầu tư của loại hình đường sắt đô thị khác rẻ hơn. Suất đầu tư khác nhau, chất lượng công trình sẽ khác nhau.

Việc định danh không rõ ràng, đúng loại hình đường sắt đô thị có thể gây ra nhầm lẫn trong việc tính toán suất đầu tư, thẩm định đầu tư, chi phí quản lý dự án. Chẳng hạn, dùng suất đầu tư của Metro để áp dụng cho loại hình đường sắt đô thị khác là không đúng thực tế”, GS. Từ Sỹ Sùa, Trường Đại học GTVT đặt vấn đề.

Liên quan xác định loại hình đường sắt đô thị, theo quy định tại Điều 71 của Luật Đường sắt năm 2017, đường sắt đô thị bao gồm: đường tàu điện ngầm, đường tàu điện đi trên mặt đất, đường tàu điện trên cao, đường sắt một ray tự động dẫn hướng và đường xe điện bánh sắt. Còn với tuyến “Metro” hay tuyến đường sắt có cấu trúc đi trên cao kết hợp đi ngầm, đi trên mặt đất kết hợp đi ngầm như các dự án đường sắt đang triển khai hoặc đề xuất triển khai (tuyến Văn Cao - Hòa Lạc) tại Hà Nội, TP.HCM hiện trong luật và văn bản hướng dẫn Luật Đường sắt chưa có quy định đề cập.

Cũng theo quy định của Luật Đường sắt, kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị phải bảo đảm ổn định, bền vững và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về an toàn, môi trường, phòng, chống cháy, nổ tương ứng với loại hình đường sắt đô thị được đầu tư. Thông tin, chỉ dẫn cần thiết phục vụ khách hàng phải rõ ràng, dễ hiểu bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.