Vận tải

Định giá cước, điều hành xe là kinh doanh vận tải

07/08/2018, 07:05

Theo dự thảo Nghị định 86 mới, các công ty ứng dụng công nghệ như Uber, Grab được coi là kinh doanh vận tải.

1

Theo dự thảo Nghị định 86 mới vừa trình Chính phủ, các công ty ứng dụng công nghệ như Uber, Grab được coi là doanh nghiệp kinh doanh vận tải (Chụp tại đường Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn

Định giá cước, điều hành xe là kinh doanh vận tải

Liên quan đến loại xe Limousine hoạt động trá hình, gây nên tình trạng xe dù bến cóc thời gian qua, dự thảo cuối trình Chính phủ cũng có quy định cụ thể: “Đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh và quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau”.

Nêu quan điểm về quy định này, Bộ GTVT cho rằng, đây là một trong những giải pháp nhằm kiểm soát và xử lý tình trạng xe dù, bến cóc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu quy định này bị dỡ bỏ, vô hình trung sẽ tạo thêm kẽ hở về pháp luật để xe dù, bến cóc và không có thêm giải pháp gì để kiểm soát và xử lý đối với đối tượng này. Quy định này là cơ sở để phục vụ công tác thanh, kiểm tra và hậu kiểm việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải của các cơ quan quản lý nhà nước.

Dự thảo lần cuối cũng bổ sung quy định thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo kéo rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc hoạt động kinh doanh vận tải, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên phải cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe. Việc lắp đặt và truyền tải dữ liệu hình ảnh về hoạt động của lái xe thực hiện theo lộ trình: Trước ngày 1/7/2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe du lịch từ 9 chỗ trở lên; với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe container, xe đầu kéo kéo rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc trước ngày 1/7/2023; đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên trước ngày 1/7/2024 và trước ngày 1/7/2025 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định 86 mới cũng sửa đổi, bổ sung định nghĩa kinh doanh vận tải để xác định các công ty công nghệ cung cấp ứng dụng gọi xe có phải là doanh nghiệp vận tải hay không. “Kinh doanh vận tải bằng ôtô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải, để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ, nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải”, dự thảo trình bày.

Với khái niệm trên, Ban soạn thảo cho rằng, các hãng xe công nghệ nếu sử dụng phần mềm để phục vụ chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải, điều hành các phương tiện kinh doanh để vận chuyển hành khách, quyết định giá cước thì phải là đơn vị kinh doanh vận tải.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng, với định nghĩa trên, các đơn vị như Uber, Grab nếu sử dụng phần mềm để phục vụ chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải, thực hiện điều hành các phương tiện kinh doanh vận tải để vận chuyển hành khách (quyết định phương tiện nào sẽ thực hiện đón khách), quyết định giá cước vận tải thì phải là đơn vị kinh doanh vận tải.

“Trong trường hợp Uber, Grab bán hoặc cung cấp dịch vụ ứng dụng phần mềm cho các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, điều hành phương tiện của mình để đón trả khách, quyết định giá cước thì khi đó các đơn vị phần mềm là các đơn vị cung ứng dịch vụ công nghệ. Quy định này sẽ loại bỏ những tranh cãi lâu nay về việc Grab, Uber là kinh doanh phần mềm, không phải vận tải, nên không bị điều tiết bởi điều kiện kinh doanh vận tải”, ông Thanh nói.

2

Chụp tại đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn

Xe ứng dụng công nghệ không phải gắn mào taxi

Một trong những điểm đáng lưu ý trong dự thảo Nghị định trình Chính phủ là những nội dung liên quan đến “xe hợp đồng điện tử”. Trong đó, dự thảo Nghị định không quy định loại xe này phải có phù hiệu “xe taxi” gắn trên kính xe, có hộp đèn với chữ “taxi điện tử” gắn cố định trên nóc xe” như dự thảo trước đó.

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất xếp xe ứng dụng phần mềm như Grabcar vào nhóm xe hợp đồng điện tử, không phải taxi. Cụ thể, Điều 7 của dự thảo quy định: Xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có phù hiệu “xe hợp đồng” phải niêm yết phù hiệu “xe hợp đồng” hoặc “xe hợp đồng điện tử” và niêm yết các thông tin trên xe theo quy định. Trong  trường hợp xe kinh doanh vận tải khách theo cả 2 hình thức hợp đồng bằng văn bản giấy và hợp đồng điện tử thì niêm yết “xe hợp đồng điện tử”.

Dự thảo cũng bổ sung quy định taxi có hộp đèn với chữ “taxi điện tử” phải gắn cố định trên nóc xe. Trên xe bắt buộc phải có thiết bị kết nối để giao dịch với hành khách với các thông tin về doanh nghiệp, thông tin về lái xe, thông tin về xe, điểm bắt đầu và kết thúc chuyến đi, cự ly chuyến đi, giá cước và số tiền hành khách phải trả. Theo Bộ GTVT, các xe đang là taxi có thể gắn mào theo logo của hãng hoặc gắn thêm bảng “taxi điện tử” theo quy định, để người dân có thể gọi xe theo cách truyền thống và dùng ứng dụng gọi xe.

Bày tỏ ủng hộ đề xuất của Bộ GTVT, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, dự thảo không thừa nhận xe ứng dụng phần mềm là taxi mà xếp vào loại xe hợp đồng là hợp lý. “Tôi cho rằng, những điều kiện kinh doanh nào ràng buộc taxi truyền thống, cần loại bỏ chứ không nên quản lý xe ứng dụng phần mềm mà tiêu biểu là Grab, Uber như taxi truyền thống, làm thui chột cái mới”.

Cũng theo ông Long, kinh tế chia sẻ và kinh tế nền tảng là khái niệm mới và Uber, Grab là biểu hiện rõ nét của hai khái niệm này. “Kinh tế nền tảng là sử dụng công nghệ để kết nối người với người, kết nối các ý tưởng, đó là ứng dụng nên không thể xếp vào taxi. Còn kinh tế chia sẻ có nghĩa là khi anh có tài sản nhưng không dùng hết thì cho thuê”, ông Long nói.

Để đảm bảo công bằng giữa xe hợp đồng điện tử và taxi, Bộ GTVT cũng đưa ra điều kiện kinh doanh đối với 2 nhóm này tương tự nhau. Như với taxi, phải có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm, không được sử dụng xe cải tạo từ xe lớn hơn 9 chỗ xuống dưới 9 chỗ để kinh doanh taxi. Tương tự, xe hợp đồng điện tử, dưới 9 chỗ ngồi cũng phải có niên hạn sử dụng không quá 12 năm, không dùng xe hoán cải từ nhiều chỗ xuống 9 chỗ để vận tải hành khách. Đồng thời, chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng mới được sử dụng xe ô tô dưới 9 chỗ để kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử.

“Điều kiện này nhằm đảm bảo công bằng xe hợp đồng xe taxi, do đối tượng này có tính chất, phạm vi hoạt động, sức chứa phương tiện giống xe taxi. Sau 2 năm thí điểm hoạt động của xe hợp đồng điện tử tuy đã đạt được kết quả nhất định nhưng cũng phát sinh vấn đề, điều kiện kinh doanh chưa tương đồng, dẫn tới đấu tranh, khiếu nại giữa các đơn vị. Do đó, dự thảo đưa điều kiện 2 loại hình tương đương nhau, để đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa hai đối tượng này”, Bộ GTVT nêu quan điểm.

Dự thảo cũng bổ sung quy định mới đối với việc quản lý, sử dụng hợp đồng vận tải điện tử; quy định về trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện ứng dụng hợp đồng vận tải điện tử; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa đổi mới công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí vận tải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.