Quản lý

Định hướng chiến lược phát triển TEDI sau cổ phần hóa

27/12/2016, 07:28

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, ngày 3/6/2014, TEDI đã hoàn thành công tác cổ phần hóa...

14

Cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới do TEDI đảm nhiệm tư vấn thiết kế

Tiếp đó, ngày 18/5/2016, TEDI đã tiến hành thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước, trở thành công ty cổ phần 100% vốn ngoài quốc doanh. Đây là một bước ngoặt lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển của TEDI.

Để tiếp tục phát triển và giữ vững được thương hiệu trong thị trường tư vấn trong nước cũng như quốc tế, việc làm cấp thiết đầu tiên và quan trọng nhất, đó là TEDI phải xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện tình hình mới, đáp ứng nhu cầu của các cổ đông về việc hiểu rõ định hướng phát triển, xác định giá trị cốt lõi doanh nghiệp làm nền tảng phát triển bền vững.

Đối với mục tiêu phát triển, xây dựng chiến lược để trong 10-20 năm, Tổng công ty trở thành một hãng tư vấn xây dựng kết cấu hạ tầng hàng đầu Việt Nam, có tính chuyên nghiệp cao; quản lý và hoạt động tiếp cận thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam; trở thành công ty đại chúng, có cơ cấu cổ đông hợp lý, niêm yết trên thị trường chứng khoán, có thương hiệu uy tín, hệ thống quản trị tiên tiến, có cổ phiếu giá trị và cổ tức cao.

Nâng cao trình độ chuyên nghiệp quản lý tài chính, quản lý kinh doanh và chất lượng phục vụ thông qua xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; vững mạnh về tổ chức, phát huy cao độ mọi nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; thỏa mãn nhu cầu cung cấp dịch vụ tư vấn xây dựng kết cấu hạ tầng trong nước, đủ khả năng tham gia hội nhập, cạnh tranh trên thị trường trong khu vực và quốc tế.

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trên, về định hướng phát triển, xây dựng Tổng công ty phát triển toàn diện các ngành nghề tư vấn GTVT; xây dựng định hướng, kế hoạch mở rộng sang một số lĩnh vực tư vấn thích hợp khác; tăng tối đa thị phần các ngành nghề chính của Tổng công ty, trong đó lấy việc gia tăng giá trị, hiệu quả thu được từ việc nâng tầm chất lượng tư vấn trong mỗi sản phẩm, dịch vụ là cốt lõi. Đồng thời, duy trì khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống trong nước và từng bước mở rộng thị trường ngoài nước, trong khu vực trên cơ sở hợp tác với các tổ chức tư vấn quốc tế có uy tín.

Về tài chính, gia tăng giá trị cổ phần, tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn - tài sản hiện có và nghiên cứu định hướng lĩnh vực đầu tư, kinh doanh. Đối với mô hình tổ chức, duy trì mô hình công ty mẹ - công ty con gắn liền với việc tái cơ cấu tổ chức đảm bảo tinh giản, gọn nhẹ, phát huy cao nhất hiệu quả của từng đơn vị trong nhóm công ty TEDI; tăng hiệu quả đầu tư vào công ty con trên cơ sở tăng cường quản trị doanh nghiệp, kiểm soát hệ thống; tăng năng lực cạnh tranh của nhóm công ty TEDI trên thị trường.

Liên quan đến công tác cán bộ, nguồn nhân lực, Tổng công ty chú trọng đào tạo và phát triển năng lực cá nhân để trở thành chuyên gia giỏi theo mỗi lĩnh vực; xây dựng đội ngũ chuyên gia, kỹ sư chuyên ngành đạt trình độ quốc tế cả về trình độ chuyên môn, quản lý dự án và ngoại ngữ. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, TEDI sẽ đi đầu trong việc ứng dụng các khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới; hiện đại hóa công tác khảo sát thiết kế thông qua việc tăng năng lực máy móc thiết bị và trang bị phần mềm ứng dụng tiên tiến. Ngoài ra, TEDI sẽ chuyên nghiệp hóa công tác truyền thông, duy trì và phát triển thương hiệu TEDI trong nước, khu vực và quốc tế.

Trên cơ sở các định hướng phát triển nêu trên, nhiệm vụ đặt ra đối với TEDI là phải xây dựng được chiến lược phát triển phù hợp với với thực trạng của doanh nghiệp, bối cảnh chung của ngành, đất nước, khu vực và quốc tế; xác định được thứ tự ưu tiên các ngành nghề phát triển trong tương lai; xây dựng được các giải pháp phù hợp và kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể nhằm hoàn thành mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.