Giao thông

Định mức lãi suất vốn vay làm khó cao tốc Bắc - Nam

22/08/2018, 06:11

Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, quy định về cách xác định mức lãi suất vốn vay tại các dự án...

1

Những bất cập liên quan đến lãi suất vốn vay đang là rào cản lớn để thu hút các nhà đầu tư tham gia dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam (Trong ảnh: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) - Ảnh: Tạ Tôn

Chênh lệch lớn giữa lãi suất thực tế với quy định

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) cho biết, hiện các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam triển khai theo hình thức PPP đang trong quá trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, những bất cập liên quan đến lãi suất vốn vay đang là rào cản lớn để thu hút các nhà đầu tư tham gia dự án này.

Thực tế, trong báo cáo nghiên cứu khả thi phải quy định mức lãi suất vốn vay cho các dự án để đưa ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo Thông tư 75/2017 của Bộ Tài chính, mức lãi suất vốn vay trong báo cáo nghiên cứu khả thi được xác định không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện của hợp đồng dự án PPP.

Kết quả đấu thầu Trái phiếu Chính phủ 10 phiên gần nhất trong vòng 6 tháng năm 2018, kỳ hạn 15 năm cho thấy, mức lãi suất Trái phiếu Chính phủ trúng thầu là 4,6%/năm, nên mức lãi suất vốn vay tính theo Thông tư 75 cho nhà đầu tư không vượt quá 6,9%/năm (1,5 x 4,6%/năm).

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn trong huy động vốn tín dụng khi triển khai các dự án đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong văn bản, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 63/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để thay thế Thông tư 55/2016 về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư theo hướng: Mức lãi suất vốn vay không vượt lãi suất huy động kỳ hạn trên 36 tháng + biên độ 4,5% của 4 ngân hàng thương mại lớn tại cùng thời điểm xác định là căn cứ để tính toán lãi suất vốn vay trong bước phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ mời thầu; Trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư: Mức lãi suất xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn.

“Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay dài hạn của các ngân hàng thương mại theo giá thị trường đang dao động ở mức trên 10%/năm. Sự chênh lệch giữa mức lãi suất vay vốn thực tế và mức quy định của Bộ Tài chính sẽ là rào cản lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư tham gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam. Bởi, việc phải bù lỗ lãi suất liên tục trong nhiều năm suốt vòng đời dự án sẽ là gánh nặng lớn đối với nhà đầu tư và công tác huy động tài chính cho các dự án cũng rất khó khả thi”, ông Tuấn Anh nói và đánh giá, đây là sự bất cập về chính sách, cần phải sớm nghiên cứu sửa đổi.

Dẫn chứng tại dự án BOT đang triển khai là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, ngày 15/6/2018, doanh nghiệp dự án đã ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng Vietinbank, BIDV, VPbank và Agribank, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải ngân nguồn vốn tín dụng do vướng mắc về mức lãi suất vốn vay.

“Theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 75, mức lãi suất vốn vay áp dụng cho dự án không được vượt quá 6,77%/năm. Trong khi mức lãi suất cho vay trung bình của các ngân hàng theo hợp đồng tín dụng là 10,83%/năm. Sự chênh lệch lãi suất này làm cho dự án không thể hoàn đủ được vốn vay và nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và chi phí sử dụng vốn với tổng giá trị khoảng 3.639 tỷ đồng”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, để tháo gỡ khó khăn cho dự án, tạo điều kiện giải ngân vốn vay từ các ngân hàng, doanh nghiệp dự án đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép dự án áp dụng mức lãi suất vốn vay trung bình của các ngân hàng lớn vào hợp đồng dự án.

2
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã ký hợp đồng tín dụng từ tháng 6/2018 nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được do vướng mắc về mức lãi suất vốn vay (Trong ảnh: Thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) - Ảnh: Phan Tư

Chính sách bất cập cần sớm sửa đổi

Từng có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực đầu tư tài chính, ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, năm 2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 166 quy định rõ hai hình thức xác định mức lãi suất vốn vay đối với các dự án BOT và BT. Thứ nhất, mức lãi suất cho vay của các dự án BOT, BT được xác định bằng mức lãi suất cho vay trung hạn cùng kỳ hạn bình quân của ít nhất 3 tổ chức tín dụng độc lập không liên quan đến nhà đầu tư trên địa bàn. Thứ hai, mức lãi vay BOT, BT xác định bằng mức lãi vay tối đa không quá 1,3 lần mức lãi suất Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài nhất tại thời điểm gần nhất với thời điểm đàm phán hợp đồng.

“Việc cho phép tính lãi suất vốn vay của các dự án BOT, BT bằng mức bình quân của 3 ngân hàng lớn trong nước là chủ trương đúng và tiến bộ nhất, bởi nó phản ánh đúng nhất về giá vốn, tức là phản ánh đúng lãi suất của thị trường và tài chính Việt Nam”, ông Thế nói và cho biết, sau khi tiến hành sửa đổi, bổ sung bằng các Thông tư 55/2016 và Thông tư 75/2017, Bộ Tài chính đã bỏ đi quy định cho phép xác định mức lãi suất vốn vay bằng mức bình quân của các ngân hàng lớn, thay vào đó là quy định xác định bằng mức không vượt quá 1,3 lần lãi suất Trái phiếu Chính phủ (Thông tư 55/2016) và không vượt quá 1,5 lần mức lãi suất Trái phiếu Chính phủ (Thông tư 75/2017).

“Khi áp dụng lãi suất Trái phiếu Chính phủ để tính toán, mức lãi suất vốn vay cho các dự án luôn thấp hơn mức cho vay của thị trường khoảng 3 - 4%/năm, chưa kể các nhà đầu tư phải đi vay vốn tại các ngân hàng thương mại 100% vốn tư nhân, mức chênh lệch giữa lãi vay thực tế so với lãi vay quy định của Bộ Tài chính lại càng cao hơn. Đều này sẽ khiến các nhà đầu tư không thể vay được vốn tín dụng từ các ngân hàng để tham gia vào các dự án PPP giao thông, đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc - Nam sắp tới. Đây rõ ràng là sự thụt lùi, bất cập của chính sách và cần sớm phải sửa đổi, bổ sung”, ông Thế chia sẻ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Triệu Thọ Hân, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, quy định tính mức lãi suất vốn vay không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu Trái phiếu Chính phủ trong Thông tư 75 chỉ áp dụng đối với những dự án PPP chỉ định thầu.

Mới đây, theo chỉ đạo của Chính phủ, tất cả các dự án cao tốc Bắc - Nam triển khai theo hình thức PPP đều áp dụng hình thức đấu thầu, nên khi xây dựng hồ sơ mời thầu phải căn cứ vào lãi suất thị trường tạm tính để xác định mức lãi suất đưa vào bài thầu, còn mức lãi suất cuối cùng sẽ là kết quả trong hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn.

“Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/2018 về đầu tư theo hình thức PPP. Hiện, Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để sửa đổi thông tư quy định về mức lãi suất vốn vay trong các dự án PPP theo hướng: Mức lãi suất sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, lãi suất thị trường, thậm chí cả mức lãi suất Trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, các yếu tố đó cũng chỉ dùng để các cơ quan tham khảo nhằm lựa chọn lãi suất xây dựng hồ sơ mời thầu. Còn mức lãi suất trong hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư trúng thầu mới là kết quả cuối cùng để tính lãi suất”, ông Hân nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.