Kinh tế

DNNN đầu tư 7 tỷ USD ra nước ngoài, 1/4 dự án báo lỗ

28/05/2018, 11:41

Doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD; 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế.

giam-sat-quoc-hoi

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát.

Hiệu quả chưa tương xứng với nguồn lực

Tiếp tục kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, sáng 28/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016).

Về việc sử dụng vốn nhà nước, báo cáo thẳng thắn nhận định: Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp NSNN có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. 

Đáng chú ý, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DNNN hiệu quả chưa cao. Cụ thể, tính đến 31/12/2016, DNNN đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế.

Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD - tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện.

Đáng chú ý, nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án...

ĐB Hoàng Văn Cường

ĐB Hoàng Văn Cường.

Trước tình trạng trên, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đặt vấn đề: DNNN làm ăn thua lỗ nhưng chưa ai mất chức. 

"Làm ăn thua lỗ nhưng các lãnh đạo quản lý DN vẫn được hưởng mức lương cao. Nguyên nhân bởi cơ chế trả lương cho lãnh đạo DN được xác định mức lương theo mức lãi, nhưng khi lỗ thì không được tăng lương nhưng cũng không bị giảm xuống", ông Cường nói và dẫn ra thực tế: Không có DNNN nào báo cáo đầy đủ lúc nào lỗ, lúc nào lãi.

Thậm chí "có DN khi cần báo cáo để thăng chức, để tăng quỹ lương hoặc xin vốn thì lập tức có báo cáo lãi, nhưng khi báo cáo cơ quan tài chính thì lại báo cáo lỗ. Người ta nói báo cáo tài chính của các DN giống như ông thần có phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi”.

Liên quan tới tình trạng thất thoát vốn, tài sản DNNN do "mua đắt bán rẻ", ông Cường nhận định: "Tệ hại hơn, khi DN thua lỗ phải bán đấu giá tài sản, máy móc thiết bị thì đây lại là cơ hội làm ăn béo bở cho một số người mà người ta dùng hình ảnh là “kền kền ăn xác chết”. Cần có thanh tra, kiểm tra các vụ bán tài sản nhà nước và kiểm tra liên quan đến cả tổ chức thực hiện chức năng định giá, thẩm định giá, đấu giá và quy trách nhiệm cho các đơn vị này đã tiếp tay cho việc làm thất thoát tài sản nhà nước".

Định giá sai giá trị DN để chiếm dụng cổ phần vốn

Về tiến trình cổ phần hóa, theo kết quả giám sát, đã có 571 doanh nghiệp cổ phần hoá trong 6 năm qua, các chỉ số kinh doanh tại hầu hết doanh nghiệp Nhà nước đều tăng sau bán vốn Nhà nước, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu 29%, thu nhập bình quân của người lao động 33%... Đến cuối 2015, các tập đoàn tổng công ty Nhà nước đã thoái vốn được gần 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tới nay, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao. Lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, có nhiều tổng công ty tỷ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ (chỉ khoảng 1% -2% vốn điều lệ), dẫn đến chưa đạt mục tiêu của cổ phần hóa là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài.

Dẫn lại báo cáo Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nhận định hầu hết các tổng công ty, tập đoàn khi cổ phần hóa 2011-2015 đều không tính được giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp.

"Một số doanh nghiệp có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không tính giá trị quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá, thì giá trúng trong phiên đấu giá cao hơn nhiều so với giá khởi điểm. Ví dụ, công ty khách sạn Kim Liên giá khởi điểm hơn 30.000 đồng, giá trúng là gần 300.000 đồng, Công ty Ong Trung ương giá khởi điểm 15.000 đồng, giá trúng hơn 160.000 đồng…", ông Sơn nêu ví dụ

Theo ông Vũ Hồng Thanh, sai phạm chủ yếu của DNNN trong CPH là định giá sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá nhằm chiếm dụng vốn. Có trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp vượt quá 18 tháng nhưng không thực hiện các thủ tục xác định lại giá trị doanh nghiệp.

“Khi xác định giá trị doanh nghiệp để CPH, còn có trường hợp doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Sau CPH, doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng mà tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn chiếm... “, ông Thanh nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.