Doanh nghiệp

"Đổ" 300 tỷ vào nông nghiệp, Hòa Phát chờ kiếm 1 triệu đầu lợn?

31/03/2015, 14:55

Tập đoàn Hòa Phát đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

hoa-phat-jpeg-5658-1427770638
Hòa Phát xác định để tiếp tục tăng trưởng cho 3-5 năm tới, tìm kiếm ngành hàng mới là yêu cầu tất yếu (ảnh: VNE)

Nói về việc đầu tư này, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết trong Đại hội đồng cổ đông để đánh giá về tình hình kinh doanh năm 2014 và kế hoạch năm 2015 của Tập đoàn Hòa Phát,  theo đó Tập đoàn này đã thành lập công ty chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, dự kiến cho ra thị trường lô hàng thương mại vào giữa năm 2015.

Theo đó, việc đầu tư vào sản xuất thức ăn gia súc của Hòa Phát đang ở trong quá trình nghiên cứu, phát triển thử nghiệm chứ chưa chắc bước vào làm ồ ạt. Và mặc dù Hòa Phát mới bước vào ngành nông nghiệp chưa đầy 2 tháng nhưng giới chăn nuôi bắt đầu ngại lo ngại Tập đoàn này.

Ông Long cho rằng, đây là bước đi đầu tiên vào mảng kinh doanh mới nhiều khó khăn nhưng có nhiều tiềm năng của Hòa Phát. Nếu cơ hội tốt thì tăng trưởng sẽ rất nhanh, thậm chí còn trở thành ngành hàng mũi nhọn với dự kiến năm 2020 sẽ có 1 triệu tấn thức ăn gia súc, 1 triệu đầu lợn.

"Có ý kiến cho rằng, Tập đoàn Hòa Phát đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là chạy theo mốt mà các tập đoàn lớn đang nhảy vào, nhưng tôi khẳng định không phải như vậy. Việc người khác làm tôi không quan tâm, còn Hòa Pháp đi đúng yêu cầu và đúng truyền thống của Hòa Phát...", ông Trần Đình Long nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm với ông Long, ông Trần Tuấn Dương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cũng cho rằng, điều ông sợ nhất chính là một số phương tiện truyền thông nói rằng Hòa Phát đầu tư vào nông nghiệp là chạy theo mốt.

"Tôi sợ nhất chính là một số phương tiện truyền thông nói rằng Hòa Phát đầu tư vào nông nghiệp là chạy theo mốt. Các cổ đông yên tâm, các lĩnh vực kinh doanh của Hòa Phát nếu làm thì sẽ làm máu lửa, làm kỹ", ông Dương nhận định.

Ông Dương cũng cho biết, hiện nay có nhiều nghi vấn cho rằng Tập đoàn Hòa Phát gặp khó khăn trong lĩnh vực sắt thép nên vào mới đầu tư vào nông nghiệp, tuy nhiên ông Dương khẳng định không phải như vậy. "Thực tế, sản lượng thép của Hòa Phát đã đạt 1 triệu tấn và Tập đoàn đang tiếp tục mở rộng, tăng trưởng mạnh mẽ ở các khối ngành cũ", ông Dương nói.

Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với doanh số 6 tỷ USD. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014, cả nước sản xuất được 14,7 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp và dự kiến tăng lên 15,6 triệu tấn trong năm nay. Tuy nhiên, con số này chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thị trường bởi chiến lược phát triển ngành chăn nuôi cho hay đến năm 2015, Việt Nam cần 18- 20 triệu tấn thức ăn công nghiệp và tăng lên 25-26 triệu tấn vào năm 2020. Để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, những năm qua Việt Nam đã phải chi hàng tỷ đôla Mỹ để nhập khẩu thức ăn gia súc, chẳng hạn năm 2014 lên tới 3,3 tỷ đôla.

Song, "miếng bánh ngon" này đến nay gần như vẫn do doanh nghiệp ngoại nắm giữ. Báo cáo từ Hiệp hội Chăn nuôi cho thấy, các doanh nghiệp liên doanh và 100% vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 60% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất ra, còn các doanh nghiệp trong nước dù đông quân số nhưng chỉ chiếm khoảng 40% thị phần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.