Xã hội

Đò chở quá tải, “giật” khách ở chùa Hương

23/02/2018, 07:05

Dù mới khai hội chùa Hương nhưng tình trạng đò hoạt động lộn xộn, mất ATGT, chèo kéo khách đã bắt đầu tái diễn...

1

Chỉ được phép chở tối đa 12 người nhưng chiếc đò này chở tới hơn 30 người và không ai sử dụng áo phao (Ảnh chụp chiều mùng 6 Tết) - Ảnh: Huy Lộc

Thi nhau chèo kéo, xem thường an toàn du khách

Mùng 6 Tết Mậu Tuất (21/2) chính thức khai hội chùa Hương. Trên hành trình dọc theo QL21B từ Ba La (quận Hà Đông) đến với khu thắng cảnh chùa Hương, PV Báo Giao thông ghi nhận đã xuất hiện nhiều toán người đi xe máy bám theo ôtô chở du khách để tiếp thị, mời chào phục vụ đưa đò, ăn nghỉ.

Càng đến gần bãi gửi xe, nơi mua vé, đội ngũ chào mời càng đông đảo, bám riết du khách để chào mời phục vụ “trọn gói”, đưa cho khách những chiếc vé tham quan, vé đò “mua hộ” có in rõ mức giá, khiến nhiều du khách hỗn loạn thông tin và khó bề từ chối.

“Các em chỉ có 3 người mà đến quầy mua vé thì phải chờ đò mấy tiếng mới có đò chở đi. Em thấy đấy, có đoàn khách hai, ba chục người đều xuống luôn một đò, có đò 1, 2 người cũng thuê một đò đi luôn. Vé tham quan đều 80 nghìn như nhau, còn vé đò 50 nghìn một người. Chị lấy trọn gói 250 nghìn một người rồi đi luôn”, chị Hoa, người chèo đò số hiệu HN-HS 122... bám riết, mời mọc chúng tôi ngay từ ngã tư đường chính dẫn vào suối Yến.

Theo lãnh đạo xã Hương Sơn, với giá vé đò 50.000 đồng, chủ đò được hưởng khoảng 47.000 đồng, không phải chỉ 10.000 đồng như một số người chèo đò thông tin.

Đi dọc bờ suối nơi các con đò neo đậu, thấy chúng tôi vẫn lưỡng lự, chị Hoa tiếp tục: “Chị chở đi, chở về mất 2 tiếng, lại phải chờ đợi nữa. Giá vé tham quan 80 nghìn bọn chị có được đồng nào đâu, còn giá vé đò 50 nghìn cũng chỉ được 10 nghìn một khách. Nếu các em đi đông hơn thì chị bớt nhiều, nhưng đi 3 người nên chị lấy 200 nghìn đồng một người nhé. Không ai chở rẻ hơn đâu”, chị lái đò hạ giá và nhanh nhẹn dẫn chúng tôi xuống đò.

Trong lúc đi qua hàng chục chiếc đò đang neo đậu tại bến Yến để lên đò của chị Hoa, PV nhận rõ sự “bập bùng” của một vài chiếc đò có đáy làm bằng tấm tôn mỏng, phương tiện được giằng với nhau bằng vài thanh sắt ngang và cũng là chỗ ngồi cho du khách. Tất cả các đò chở khách đều làm bằng tôn, to nhỏ khác nhau, hầu hết dùng thanh giằng ngang làm chỗ ngồi, nhưng cũng có đò gắn ghế ngồi lên các thanh giằng, trông khá chông chênh. Dù các đò đều được gắn số đăng ký, nhưng mạn đò không có vạch dấu mớn nước an toàn, ghi số người được phép chở như Điều 24, Luật Giao thông ĐTNĐ quy định. Các đò đều cũng có dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân, nhưng đò to hay nhỏ nhiều nhất cũng chỉ có 3 chiếc phao loại này.

Đi đò dọc 3km suối Yến, PV còn nhận thấy trên những chiếc phao báo hiệu đường thủy được đặt trên suối không còn kèm theo những chiếc phao tròn cứu sinh như mùa lễ hội năm trước, thậm chí có chiếc bị gãy, hỏng cả đèn tín hiệu ban đêm được gắn trên đỉnh phao.

Điều khiến PV Báo Giao thông nghi ngại hơn cả là tình trạng “đò đầy” rất phổ biến, trong khi các đoạn suối có độ sâu 1,5-1,9m và trên nhiều chuyến đò có đông đảo người già, trẻ em. Theo chính quyền xã Hương Sơn, đò ở đây gồm 2 loại, chở tối đa 6 và 12 người, nhưng PV dễ dàng đếm được hàng trăm chuyến đò chở từ 20 người trở lên.

“Vài năm trước cũng có xảy ra vài trường hợp đò bị chìm, nhưng không xảy ra thiệt hại về người. Trên suối có lực lượng cứu hộ túc trực, với lại đò đi lại đông nên dễ cứu nhau”, một lãnh đạo xã Hương Sơn (đề nghị không nêu tên) nói, nhưng cho rằng do du khách quá đông nên khó tổ chức kiểm soát chở quá tải.

2

Đò hoạt động lộn xộn, chở quá tải đang làm mất đi nét đẹp của lễ hội chùa Hương - Ảnh: Tạ Tôn

Bỏ lửng quản lý vận tải khách

Tình trạng đò hoạt động lộn xộn, chở quá tải gây mất an toàn cho du khách phần nào phai nhạt nét đẹp văn hóa của lễ hội chùa Hương có nguyên nhân sâu xa từ việc buông lỏng quản lý hoạt động vận tải khách của Ban tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương. Theo những người lái đò, giá vé đò được quy định chung, nhưng việc quản lý hầu như chỉ thông qua đầu vé (thanh toán tiền công bằng cuống vé đò) mà không ai đứng ra kiểm soát việc xếp thứ tự đò đi hay chở vơi, chở đầy. Điều này dẫn đến chuyện “người người, nhà nhà” cạnh tranh nhau tự đi tiếp thị, bắt khách trên các tuyến đường bộ, chèo kéo du khách.

“Cuối năm, các nhà hàng, nhà nghỉ ở đây tấp nập mua lợn, lễ lạt đến biếu lái xe ở nơi khác để họ đưa khách đến. Phục vụ ăn, nghỉ thì không sao, nhưng các nhà đều bao trọn gói cả chở đò nên dẫn đến chuyện tranh giành từ trên bờ. Đấy cũng là lý do vì sao nhiều đò chở quá tải như các anh hỏi, hay chuyện giá vé đò quy định một kiểu nhưng thực tế lại là “vô giá”, rồi cãi chửi nhau chuyện giá đắt, giá rẻ”, chị Thanh, người lái đò chở chúng tôi chiều về kể (chị chở đò lúc đi lấy lý do bận đón khách khác nên “gửi” chúng tôi chiều đò về).

Chị Thanh cho biết thêm, nơi đây xuất hiện nhiều chủ đò có hàng chục đò và thuê những người chèo đò ở địa phương khác. “Chúng em chỉ muốn xếp hàng, đến thứ tự ai thì chở, chở đúng số người và đúng mức giá thôi cho đỡ mệt, nhưng muốn xếp hàng để được công bằng cũng đâu có được, đành phải “chiến đấu” thôi anh ạ”, chị Thanh nói và tâm sự, sau mỗi mùa lễ hội, có chủ đò thu lời hàng trăm triệu đồng, còn những người chèo thuê chỉ được vài triệu.

Theo Ban Quản lý di tích và thắng cảnh Hương Sơn, việc sắp xếp hoạt động đò chở khách do UBND xã Hương Sơn thực hiện. Đề cập vấn đề trên, một lãnh đạo của xã Hương Sơn cho biết, mong muốn của người dân về việc sắp xếp thứ tự phục vụ đò là chính đáng, song vẫn chưa thực hiện được do “hạ tầng bất cập” và có những ngày khách quá đông.

“Việc để mọi người tự đón khách đi đò như hiện nay cũng là theo cơ chế thị trường. Còn chuyện thu giá vé đò cao hơn quy định là có sự thỏa thuận giữa hai bên, là tình cảm. Không có chuyện ép buộc được, vì nếu không đồng ý khách có thể đi thuyền khác”, lãnh đạo xã Hương Sơn phân trần.

Vẫn còn nhiều hình ảnh phản cảm

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng BTC lễ hội chùa Hương, BTC đã lập các tổ tuần tra liên ngành về an ninh, vệ sinh môi trường… liên tục tuần tra, không để xảy ra tình trạng chặt chém, ép giá, chen lấn, nhũng nhiễu khách hành hương. Những hành vi vi phạm quy định của lễ hội như đổi tiền lẻ, ép giá khách, kinh doanh dịch vụ mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm. Tại khu vực bến Yến đã có hệ thống thu gom và chuyển nước thải sinh hoạt của người dân địa phương về địa điểm tập kết để đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực này.

Theo ghi nhận của PV, lễ hội năm nay đã có những chuyển biến tích cực. Sau khi làm lễ, các sư thầy không phát lộc như mọi năm nên không còn tình trạng khách chen lấn, xô đẩy để cướp lộc như năm ngoái. Các sư thầy trong chùa Thiên Trù liên tục hướng dẫn và nhắc nhở khách về vấn đề làm lễ cúng bái, hóa vàng đúng nơi quy định và kiên quyết từ chối những mâm lễ mặn, tiền vàng mã. Dù vậy, tại đền Trình, vẫn có tình trạng mâm lễ của khách thập phương ngập đồ mặn, vàng mã. Anh Nguyễn Hải Long (39 tuổi, Hải Dương), một trong những người dâng cúng đồ mặn cười: “Muốn cầu sức khỏe, may mắn và công việc thăng tiến nên muốn dâng lễ mâm cao cỗ đầy”.

Tuy nhiên, dù dọc đường từ bến Trò lên chùa Thiên Trù vẫn còn cảnh các nhà hàng bán thịt thú rừng trên bàn và trong tủ kính. Đặc biệt, để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, nhiều thùng rác được BTC bố trí dọc lối đi từ bến Trò lên các khu hành lễ. Tuy nhiên, vẫn có không ít người thiếu ý thức và bỏ rác theo kiểu “tiện tay” khiến lực lượng công nhân vệ sinh phải hoạt động liên tục để mỹ quan chùa sạch sẽ hơn. Một số công nhân làm vệ sinh tại đây cho hay, lực lượng dọn vệ sinh phải làm việc luôn tay vì lượng rác du khách thải ra quá lớn. Ước tính, số rác thải ra một ngày trong khu vực chùa khoảng hàng chục tấn.

Hồ An

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.