Xã hội

Đồ dùng học tập Việt soán ngôi hàng Trung Quốc

21/08/2014, 12:23

Với chất lượng tốt, mẫu mã phong phú và giá cả phù hợp, các mặt hàng đồ dùng học tập Việt năm nay chiếm lĩnh thị phần thị trường phục vụ năm học mới.

TIN LIÊN QUAN

 

Do e ngại về an toàn sức khỏe, phụ huynh ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ đồ dùng học tập cho con em
Do e ngại về an toàn sức khỏe, phụ huynh ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ đồ dùng học tập cho con em


Hàng Việt lên ngôi 


Ngày 15/8, khảo sát một loạt cửa hàng, siêu thị, nhà sách… dễ dàng nhận thấy, đồ dùng học tập thương hiệu Việt chiếm ưu thế, được bày bán ở những vị trí bắt mắt và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Trong đó, nổi bật là các thương hiệu lớn như: Thiên Long, Vĩnh Tiến, Hồng Hà, Bến Nghé, Hami với mẫu mã, kiểu dáng rất đa dạng.

Chẳng hạn, dòng bút dạ quang, chì sáp, sáp màu... do Việt Nam sản xuất đã có tới gần 30 loại, từ những hộp sáp màu Thiên Long, Bến Nghé giá chỉ vài nghìn đồng đến những hộp bút sáp màu được thiết kế như cây bút bi, có vỏ nhựa bọc ngoài lõi sáp màu giá 60 - 70 nghìn đồng.
 

Năm nay, giá SGK không thay đổi so với năm học trước dù chịu áp lực tăng giá đầu vào như giá nguyên liệu, nhân công. Bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 5 có giá từ 104.700 - 168.800 đồng/bộ; Lớp 6 đến lớp 9 có giá 168.000 - 280.000 đồng/bộ và lớp 12 là 290.000 đồng/bộ…

Để thuận lợi cho người tiêu dùng, các nhà sách còn thiết kế các gói sản phẩm như góiSGK và STK cơ bản, gói STK nâng cao và niêm yết giá công khai giúp phụ huynh dễ dàng lựa chọn.

Hay như bút máy, cũng có tới 20 - 30 mẫu, với nhiều cải tiến đính hạt tạo trơn, chống mài mòn, không xước giấy, nét thanh nét đậm, giá dao động từ 17 - 60 nghìn đồng/chiếc. Cặp sách các loại từ 120 - 500 nghìn đồng/chiếc tùy chất liệu, thương hiệu.

Vở loại 60 trang có giá 3.500 - 5 nghìn đồng/cuốn; loại 80 trang được bán 8 nghìn - 11.500 đồng/cuốn; loại 120 trang là 15 nghìn - 18.500 đồng/cuốn. Sản phẩm vở viết của các doanh nghiệp trong nước có độ sáng, trắng cao, có tác dụng chống lóa, đỡ mỏi mắt, chất lượng giấy tốt, dòng kẻ rõ ràng, mẫu mã đẹp nên được khách hàng lựa chọn.

Theo chị Mai Hoa (nhân viên bán hàng tại cửa hàng sách Giáo dục (Lò Đúc - Hà Nội): “Những năm trước, đồ dùng học tập Trung Quốc chiếm tới 60-70% thị phần thì giờ ngược lại. Đồ dùng học tập trong nước được cải tiến mẫu mã, giá bán phù hợp, lại có uy tín về chất lượng, không lo ngại độc hại như hàng Trung Quốc nên ngày càng được nhiều bậc phụ huynh và học sinh tin tưởng lựa chọn”.

Ngoài ra, tại hầu hết các nhà sách, nhiều thương hiệu hàng Việt áp dụng chương trình giảm giá 10-30% nếu mua trọn một bộ sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo (STK); Hoặc liên kết với các siêu thị lớn như tại siêu thị Big C có chương trình “Vui mua sắm, đón tựu trường”, 500 mặt hàng đồ dùng học tập như tập vở, bút, thước, đồng phục học sinh, cặp, balô học sinh... giảm giá từ 5-50% kèm nhiều quà tặng thiết thực.

E ngại hàng Trung Quốc 


Trong lúc các sản phẩm đồ dùng học tập trong nước nhộn nhịp người mua, thì các sản phẩm đồ dùng học tập có nguồn gốc Trung Quốc tiêu thụ khá chậm, dù cũng rất đa dạng mặt hàng, từ hộp bút, bút viết, tẩy, cặp sách, bảng đến các bộ dụng cụ trọn gói cho học sinh tiểu học gồm: Hộp nhựa, kéo, thước kẻ, bút chì, cục tẩy hình thú vật...  

Một số mẫu mã mới lạ nhờ những phụ kiện đi kèm với đồ dùng học tập như hộp bút có kèm theo gương và lược nhỏ hoặc các hộp bút được cấu tạo theo mô hình một chiếc ô tô đồ chơi. Tuy nhiên, đa phần phụ huynh khá e dè trước các sản phẩm “made in China”.

Chị Kim Khánh (ở Ngọc Khánh, Hà Nội) cho biết, hàng Trung Quốc đẹp thật, rẻ thật, nhưng tôi thật sự lo ngại về chất lượng sản phẩm, bởi hiện có quá nhiều thông tin về chất lượng hàng Trung Quốc có chứa chất độc hại với sức khỏe của trẻ.


Còn chị Thu (ở Hoàng Cầu, Đống Đa) cũng thừa nhận dù bọn trẻ mê những đồ dùng học tập Trung Quốc hơn, nhưng năm nay, chị quyết không để ý nhiều đến kiểu dáng và giá cả nữa mà quan tâm đến nguồn gốc xuất  xứ. “Tôi chỉ chọn cho con những đồ dùng được sản xuất trong nước, có thể đắt hơn một chút nhưng an tâm. Đồ cho trẻ con dùng phải cẩn thận”.

Vũ Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.