Pháp luật

Dỡ máy bay trên nóc nhà đại gia Hải Dương có phạm luật?

12/05/2015, 18:07

Nếu đại gia Hải Dương có giấy phép xây nhà có mô hình máy bay thì chính quyền không có quyền can thiệp.

maybay-nocnha

Yêu cầu dỡ máy bay mô hình trên nóc nhà đại gia Hải Dương liệu có phạm luật?

Hình ảnh chiếc trực thăng ngất ngưởng đậu trên nóc biệt thự của vị đại gia Hải Dương đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Khác với đồn đoán ban đầu của nhiều người, đây chỉ là chiếc máy bay mô hình kích thước thật nằm trên nóc căn biệt thự của một đại gia buôn gỗ tên Th. 

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Văn Thăng, Chủ tịch UBND phường Tân Bình cho biết, căn biệt thự này được xây dựng từ năm 2014 trên mảnh đất dịch vụ thuộc địa bàn phường nơi ông Thăng quản lý. Theo như mục đích xây dựng được trình báo ban đầu, sau khi hoàn thành căn biệt thự này sẽ trở thành một khi tổ hợp nhà hàng ăn uống quy mô lớn. 

Ông Thăng cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động chủ nhân của căn biệt thự cho tháo dỡ mô hình trực thăng nói trên khỏi nóc toà nhà vì lý do không phù hợp với cảnh quan, kiến trúc xung quanh, nhưng gia chủ vẫn bảo lưu ý kiến, không di dời.  

Theo luật sư Tuấn, câu chuyện này cần đặt ra hai trường hợp. Thứ nhất, nếu đất này là đất của ông Th. đứng tên quyền sở hữu, có giấy tờ mua bán, chuyển dịch hợp pháp, có giấy phép xây dựng đàng hoàng và chiếc máy bay trên nóc nhà chỉ là mô hình chứ không phải gắn một chiếc máy bay thật lên thì chính quyền địa phương không có quyền can thiệp. Khi chính quyền địa phương ra quyết định yêu cầu phá dỡ thì ông Th. có quyền đưa ra tòa án cấp thấm quyền khởi kiện. 

Còn nếu đất đó không thuộc quyền sở hữu của ông Th. mà chỉ là đất thuê và chưa xin cấp phép xây dựng, chưa xin phép chính quyền địa phương về việc xây dựng công trình như nói ở trên thì chính quyền địa phương có quyền can thiệp, yêu cầu đình chỉ thi công, xử phạt hành chính. 

“Trong trường hợp này phải xác định rõ tính pháp lý của công trình. Đã cấp phép chưa? Đã lập dự án chưa? Kể cả đất thuê nhưng có giấy phép xây dựng rồi thì được quyền xây dựng. 

Chính quyền địa phương quản lý về mặt hành chính. Khi có giấy phép xây dựng rồi thì chủ đầu tư chỉ cần nộp giấy phép xây dựng và thông báo với chính quyền địa phương là xây dựng công trình đó. Công trình xây dựng mà không có giấy phép thì chính quyền địa phương có quyền đình chỉ”, luật sư Tuấn nói thêm. 

Về việc, chính quyền địa phương yêu cầu chủ biệt thự tháo dỡ mô hình trực thăng đồ sộ khỏi nóc toà nhà vì lý do không phù hợp với cảnh quan, kiến trúc xung quanh, luật sư Tuấn cho rằng, nếu công trình đã có giấy phép xây dựng việc chính quyền địa phương đưa ra lý do như thế là không có cơ sở. 

“Trong một số trường hợp, từng địa bàn có quy định về mỹ quan, kiến trúc các công trình xây dựng. Nhưng trong trường hợp này, ông chủ tịch phường nói làm xấu cảnh quan môi trường thì không có cơ sở. Khi ông Th. được cấp phép xây dựng một mô hình như vậy (máy bay mô hình – PV) thì chính quyền địa phương không có quyền can thiệp dù nó có to đi chăng nữa”, luật sư Tuấn nói.

Tuy nhiên, trong trường hợp, khi đại gia Th, chủ căn biệt thự xin cấp phép xây dựng nhưng trong bản vẽ không có máy bay mô hình thì phạm luật. Trong trường hợp này, chính quyền địa phương có quyền lập văn bản vi phạm hành chính sau đó ra quyết định ngưng thi công. Nếu công trình tiếp tục thi công thì chính quyền địa phương sẽ ra quyết định xử phạt hành chính và tiếp đó là đưa lên cấp trên để yêu cầu kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Khu vườn ma quái

Tháng 10/2013, câu chuyện về khu vườn ma quái của ông Phạm Chứng (Tây Ninh) cũng gây tranh cãi trong dư luận với nhiều ý kiến trái chiều khi chính quyền địa phương định can thiệp. 

Khu vườn của ông Phạm Chứng (Tây Ninh) rộng khoảng 600 m2, trong đó có một số cây ăn trái. Trên lối đi được xếp những tượng sọ người chồng lên nhau. Cạnh đó là những tấm biển vẽ hình người bị rạch mặt vì… đánh ghen. Những bức tượng đầu người bị dao cắm vào mặt bôi đầy sơn đỏ như máu. Trên thềm là những xác ướp bằng xi măng, trên vách tường được trang trí nhiều bức tượng đầu người. 

Thời điểm này, các ban ngành chức năng địa phương và nhiều người dân ấp Long Hải, huyện Hòa Thành (Tây Ninh) cũng đã đến để thuyết phục ông Chứng đập bỏ các bức tượng rùng rợn, máu me. 

Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, việc xây dựng khu vườn kinh dị theo sở thích của chủ nhân, nếu không vi phạm pháp luậtthì tuyệt đối không được phép phá dỡ, có thể biến thành khu du lịch kinh dị rồi bán vé phục vụ người hiếu kỳ. 

Một luật sư cũng cho rằng: ông Chứng không tạo ra các sản phẩm để trưng bày nhằm mục đích kinh doanh, cũng không phải là không gian công cộng hay nơi sinh hoạt văn hóa của nhiều người nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 103 năm 2009 về quản lý trong kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Vì vậy, trong khuôn viên đất của mình thì ông Chứng muốn bày biện, sắp đặt gì thì làm, nhà nước không thể xử lý mà chỉ có thể vận động để ông Chứng tự tháo dỡ. Ngược lại, nếu chính quyền tự phá bỏ sẽ có dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản và nếu gây thiệt hại cho ông Chứng thì phải bồi thường thiệt hại cho người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.