Xã hội

Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ về Gia Lai thanh tra những gì?

24/10/2021, 12:44

Thanh tra Chính phủ thanh tra trách nhiệm UBND tỉnh Gia Lai trong việc quản lý, sử dụng đất đai nông lâm trường và đầu tư xây dựng.

Ngày 24/10, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, ông Trần Văn Minh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cùng đoàn công tác đã công bố quyết định của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc thanh tra trách nhiệm UBND tỉnh Gia Lai trong quản lý, sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh này.

img

Khai thác cát ở lòng sông Ayun đoạn qua xã Ayun (Chư Sê). Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Theo TTCP, Đoàn gồm 10 thành viên do ông Lê Quốc Khanh, Phó Cục trưởng Cục II (Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2) làm Trưởng đoàn. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2020. Thời hạn thanh tra 60 ngày kể từ ngày công bố quyết định.

Trước đó, cơ quan TTCP cũng đã yêu cầu tỉnh này cung cấp các tài liệu liên quan để phục vụ cho việc thanh tra. Những dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai của tỉnh Gia Lai bị Thanh tra như: Sử dụng đất sai mục đích, tự ý hiến đất mở đường rồi phân lô, bán nền; lấn chiếm đất công, chuyển mục đích đất sai quy hoạch; chuyển nhượng đất trái phép; có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… cũng sẽ được làm rõ.

Liên quan đến vụ việc trên, một cán bộ có trách nhiệm của TP. Pleiku cho biết đoàn công tác của TTCP đã đến làm việc với địa phương yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến vụ phân lô, tách thửa trái pháp luật xảy ra ở thành phố này.

img

Vụ phân lô tách thửa trái phép ở TP. Pleiku với diện tích lớn

Trước đó, tỉnh Gia Lai ban hành Kết luận thanh tra về việc san lấp, phân lô, tách thửa, bán nền, xây dựng công trình, nhà ở không đúng quy định và làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn TP.Pleiku.

Theo đó, từ năm 2011 đến tháng 10/2018, trên địa bàn TP.Pleiku đã có 21 vị trí (gồm 10 phường, xã) để xảy ra tình trạng san lấp mặt bằng, phân lô, tách thửa, bán nền, xây dựng công trình nhà ở không đúng quy định với diện tích 331.447,6m2. Trong đó, phân lô, tách thửa là 321.023,6m2 và san lấp mặt bằng 11.454m2.

Theo kết luận, mặc dù UBND tỉnh chưa có quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp nhưng Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh TP.Pleiku và Văn phòng Đăng ký đất đai Sở Tài nguyên - Môi trường đã đo vẽ địa chính, thẩm định, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tách thửa gồm 18 vị trí với 1.523 thửa đất.

Trong số này có 351 trường hợp đã chuyển mục đích sang đất ở chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng của TP.Pleiku.

Vụ việc được tỉnh Gia Lai giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai điều tra trách nhiệm các cá nhân, tổ chức trong việc để xảy ra việc phân lô bán nền tách thửa không đúng quy định tại TP.Pleiku vào năm 2020.

img

Phá rừng giáp ranh giữa Gia Lai và Đắk Lắk.

Một vấn đề khác liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng tại các nông lâm trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Cụ thể, tháng 5/2021, Thanh tra tỉnh Gia Lai có báo cáo kết quả thanh tra công tác quản lý bảo vệ rừng và sử dụng kinh phí tại 25 đơn vị quản lý bảo vệ rừng trên toàn tỉnh (giai đoạn 2016-2020).

Tại báo cáo này, Thanh tra tỉnh Gia Lai cho biết, qua thanh tra 21 ban quản lý rừng phòng hộ, 3 công ty lâm nghiệp và 1 khu bảo tồn, Thanh tra tỉnh Gia Lai "phát hiện" hơn 9.600ha rừng được Nhà nước giao các chủ rừng trên đã... bị mất. Đa phần diện tích rừng bị mất là do buông lỏng quản lý để người dân lấn chiếm sử dụng. Trong đó có cả việc cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ biến đất lâm nghiệp của nhà nước thành đất cá nhân.

Thanh tra tỉnh Gia Lai đã kiến nghị chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 9 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Qua thanh tra, đã kỷ luật cảnh cáo 10 cá nhân, khiển trách 14 cá nhân, kiểm điểm rút kinh nghiệm 20 tập thể và 135 cá nhân.

Tổng số tiền sai phạm bị phát hiện trong quá trình thanh tra công tác quản lý bảo vệ rừng là hơn 27,3 tỉ đồng. Thanh tra tỉnh Gia Lai đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách trên 12,3 tỉ đồng.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2016 - 2020, tại tỉnh Gia Lai đã tiến hành Cổ phần hóa 03 công ty nông nghiệp có vốn nhà nước gồm: Công ty TNHH MTV Chè Bàu Cạn trong năm 2017; Công ty TNHH MTV Chè Biển Hồ và Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai.

Tỉnh này cũng thường xuyên các cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng khai thác trái phép khoáng sản cát, đá, sỏi trên địa bàn tỉnh. Cùng với nạn khai thác khoáng sản trái phép là hoạt động vận tải của xe quá khổ, quá tải hoành hành trên các tuyến giao thông gây ảnh hưởng đến chất lượng hạ tầng giao thông và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Đáng lưu ý hơn, Tỉnh ủy Gia Lai mới đây đã lập đoàn công tác kiểm tra công tác triển khai 3 dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh là Dự án thủy lợi Plei Keo (huyện Chư Sê), Dự án Suối hội Phú (thành phố Pleiku), Dự án Thủy lợi Ia Rtô (thị xã Ayun Pa). Đây là 3 dự án trọng điểm của tỉnh trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nhưng trong quá trình thực hiện đã xảy ra nhiều vướng mắc, gây bức xúc trong dư luận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.