Vận tải

Doanh nghiệp 7 tỉnh “kêu” khó cho tàu chở gỗ dăm

13/06/2016, 16:06

Vài năm gần đây có tình trạng phương tiện thủy dùng cọc gỗ, sắt để cơi chiều cao xếp gỗ dăm...

10

Tàu gỗ dăm chất hàng tại bến thủy nội địa không phép trên sông Công, Thái Nguyên

Mới đây, 79 DN sản xuất, kinh doanh chế biến, bán, xuất nhập khẩu, vận tải dăm gỗ tại các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang đồng ký đơn đề nghị Thủ tướng chỉ đạo ngành chức năng điều chỉnh quy định phương tiện thủy chở gỗ dăm (về cảng Cái Lân, Quảng Ninh và Hải Phòng) “đóng nắp hầm hàng cứng” thay vào đó là “phủ bạt che kín và chằng buộc an toàn”. Các DN cho biết, không phương tiện chở gỗ dăm nào có thể thỏa mãn quy chuẩn về nắp hầm hàng, kể cả phương tiện thiết kế mới.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, vài năm gần đây có tình trạng phương tiện thủy (và cả tàu biển) dùng cọc gỗ, sắt để cơi chiều cao để xếp gỗ dăm vượt cao hơn nắp hầm hàng vài mét. Trong đó, chủ yếu các tàu này xuất phát từ cảng, bến thủy không phép và được dư luận báo chí phản ánh. Năm 2015, khi Cục Đường thủy nội địa VN và cơ quan chức năng khác siết chặt kiểm tra, xử lý, một số DN kiến nghị vì đây là loại hàng nhẹ nên cần cho phép tàu được cơi nới để chở hàng trên mặt boong.

Tháng 8/2015, Cục Đăng kiểm VN có văn bản hướng dẫn trường hợp tàu chở trên mặt boong, phải có bản tính nghiệm (tính toán, thử nghiệm) liên quan đến sự ổn định tàu khi vận hành, đồng thời các khoang hàng phải có nắp hầm đảm bảo kín, chịu được tải trọng xếp trên nóc. Bên cạnh đó, cần có sơ đồ sắp xếp, chằng buộc hàng, trong đó đảm bảo yêu cầu tầm nhìn của người lái tàu.

Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm VN, đến nay, mới có 12 phương tiện thực hiện theo hướng dẫn và được cấp chứng nhận kiểm định, với chiều cao hàng trên mặt boong hơn 3m. Trong khi đó, theo đại diện các đơn vị Cảng vụ Đường thủy nội địa tại Thái Nguyên, Phú Thọ…, hầu hết các tàu chở gỗ dăm vẫn lấy hàng từ cảng, bến không phép. Các tàu dùng cọc gỗ, sắt cao vây xung quanh hầm hàng để chở thông từ dưới hầm cao vượt hầm hàng vài mét.

Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, nắp hầm nhằm đảm bảo an toàn trước các yếu tố như nước mưa, sóng tràn qua boong làm mất ổn định của phương tiện trên hành trình. Bởi dăm gỗ khi gặp nước, thời tiết ẩm sẽ tích tụ lại, làm tăng trọng tải và dẫn đến nguy cơ tai nạn.

Trước câu hỏi liệu có thể thay thế quy chuẩn về nắp hầm hàng của tàu chở gỗ dăm bằng che bạt, ông Học cho biết: “Quy chuẩn an toàn trên cũng là thông lệ quốc tế mà một số nước như: Nga, Trung Quốc đang áp dụng. Có thể bỏ bớt quy chuẩn để giảm chi phí vận tải, nhưng về nguyên tắc an toàn kỹ thuật, không nên, vì  đổi lại thuyền viên, phương tiện phải chấp nhận hệ số rủi ro cao hơn”.

Lãnh đạo một đơn vị quản lý đường thủy phía Bắc (đề nghị không nêu tên) cho rằng: “Tàu phải có nắp hầm hàng để đề phòng tai nạn do mưa gió và cũng phải nêu rõ được chở đến chiều cao bao nhiêu để cơ quan chức năng có căn cứ kiểm tra, đối chiếu. Nếu không có nắp rất nguy hiểm”, vị này nêu quan điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.