Kinh tế

Doanh nghiệp cần chủ động bứt phá khỏi cái bóng “bé quá” của chính mình

05/06/2020, 19:01

Để có thể hưởng lợi từ EVFTA, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần chủ động bứt khỏi cái bóng “bé quá” của chính họ...

img
Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA”.

Mức hưởng ưu đãi lớn nhất

Phát biểu tại Hội nghị “Hỗ trợ DNVVN tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” diễn ra hôm nay (5/6) tại Hà Nội cùng 62 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Đối với EVFTA, lần đầu tiên chúng ta đạt tới tỉ lệ ưu đãi cao nhất trong số các đối tác thương mại của Việt Nam bởi ngay trong vòng 7 năm đầu tiên khi thực thi Hiệp định, việc cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam sang EU lên tới 97%".

Qua đây, ông Tuấn Anh Bộ trưởng Công thương cho rằng, điều kiện cạnh tranh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong bối cảnh chung của thế giới mới vẫn đang tiếp tục toàn cầu hóa đồng thời đang phải đối mặt với rất nhiều biểu hiện của bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đơn phương trong các quan hệ thương mại và hệ thống chính trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, những thuận lợi về cải cách thể chế và cơ chế hợp tác song phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành và khẳng định vị thế trung tâm của khu vực trong việc thu hút đầu tư để tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ, trình độ nguồn nhân lực, năng suất lao động.

"Do đó, đây cũng là cơ hội tốt để chúng ta có kế hoạch hành động nhằm mang lại lợi ích cụ thể để cộng đồng DNVVN phải thực sự trở thành chủ thể, là những người được thụ hưởng FTA này bởi Việt Nam là nước đang phát triển, có tỷ lệ DNVVN chiếm 98% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, với số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ chiếm đến 70%, Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần chủ động bứt phá khỏi cái bóng "bé quá"

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Việt Nam cho biết, đứng trước những thách thức lớn, DNVVN Việt Nam thường lúng túng. Do đó, để trở thành chủ thể trong EVFTA phải có sự chủ động từ doanh nghiệp.

“Thời đại hội nhập mà không biết đi nghe, đi hiểu thì rất nguy hiểm bởi sân chơi lớn không những chúng ta cần năng lực mà còn phải nắm chắc về luật chơi”, ông Thân nói.

Vị này cũng cho biết, khó khăn lớn nhất của DNVVN là nguồn vốn hạn chế, trong khi EVFTA rất khắt khe về đầu vào như công nghệ kỹ thuật, số hóa, nguồn gốc xuất xứ, nguồn nhân lực, nguồn vốn… khiến doanh nghiệp lúng túng, hụt hơi, sức rướn thấp hay nói cách khác, doanh nghiệp đang cho mình dưới cái bóng "bé quá".

Trăn trở về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Hưng, Phó viện trưởng Viện khoa học quản trị DNVVN đề xuất: Ngân hàng nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn để DNVVN trong việc xuất khẩu để tạo động lực khuyến khích DN tham gia sân chơi nhiều hơn.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công thương xây dựng các hội chợ trên nền tảng số hóa để doanh nghiệp tiện trong việc nắm bắt thông tin và trao đổi dễ dàng lại đỡ tốn kém.

Bà Nguyễn Mỹ Phượng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Cần Thơ cũng nhận đinh, thời gian qua, các bộ ngành tuy có tổ chức nhiều hội thảo truyền thông về hiệp định EVFTA nhưng còn ở mức vĩ mô, chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng phổ biến những vấn đề, lợi ích và hướng dẫn cụ thể hơn từ hiệp định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.