Quản lý

Doanh nghiệp được chủ động trong đào tạo, sát hạch lái tàu

21/11/2019, 15:08

Cục Đường sắt VN cho biết, cần sửa đổi, bổ sung quy định về sát hạch, cấp giấy phép lái tàu đường sắt sử dụng công nghệ mới.

img
Dự thảo bổ sung quy định về chức danh nhận viên lái tàu hướng dẫn thực tập thực hành

100% nhân viên được đào tạo theo chuẩn mới

Luật Đường sắt quy định, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ (trưởng tàu, lái phụ lái tàu; ghép nối đầu máy, toa xe; điều độ chạy tàu, gác ghi, gác đường ngang, tuần đường...) phải đáp ứng tiêu chuẩn mới được thực hiện công việc được giao.

Để triển khi quy định của luật, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 33/2018 (có hiệu lực từ 1/7/2018) quy định cụ thể tiêu chuẩn và nội dung chương trình đào, sát hạch cấp giấy chứng nhận chức danh, giấy phép lái tàu đường sắt. Theo đó, Cục Đường sắt VN chủ trì, phối hợp các doannh nghiệp khai thác đường sắt (Tổng công ty Đường sắt VN, Công ty Apatit, Tổng công ty Thép, Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản) tổ chức triển khai thông tư, yêu cầu các doanh nghiệp lập kế hoạch đào tạo lại các nhân viên trước đây chưa được đào tạo hoặc do doanh nghiệp tự đào tạo. Hàng tháng, Phòng Thanh tra - ATGT tổ chức kiểm tra việc tổ chức triển khai thông tư tại các đơn vị, với trên 200 cuộc kiểm tra.

‘‘Sau hơn một năm triển khai thông tư, đến nay toàn bộ các nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu đường sắt đều đảm bảo tiêu chuẩn về chứng chỉ đào tạo và kiểm tra nghiệp vụ định kỳ đúng quy định”, Cục Đường sắt VN cho biết.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện thông tư, các chức danh nhân viên đã được bố trí trước khi thời điểm thông tư có hiệu lực vẫn ổn định, không gây xáo trộn hoặc ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng từ thực tế triển khai quy định mới, cơ quản lý và doanh nghiệp nhận thấy một số quy định chưa phù hợp với tình thực tế, như cần đơn giản hóa hơn thủ tục hành chính trong sát hạch, cấp giấy phép lái tàu, cho phép doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhận một phần thủ tục mà cơ quan quản lý không nhất thiết phải đảm nhận. Cùng đó, cần bổ sung quy định liên quan đến chức danh nhân viên trực tiếp chạy tàu đường sắt đô thị.

img
Hiện các nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu đều đáp ứng theo tiêu chuẩn đào tạo

Doanh nghiệp chủ động hơn trong đào tạo, sát hạch

Liên quan đến nhân lực làm công việc gác chắn, đại diện các Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình, Nghệ Tĩnh cho biết, hiện nay việc tuyển dụng nhân viên gác đường ngang, cầu chung rất khó khăn. Vì vậy, cần mở rộng đối tượng tuyển dụng là những người có bằng, chứng chỉ chuyên môn về vận tải đường sắt đảm nhận chức danh này. Nhằm giải quyết vấn đề trên, đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, trong nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 33/2018 đã bổ sung quy định: Trường hợp sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn về vận tải đường sắt để đảm nhận chức danh nhân viên gác đường ngang, gác cầu chung, phải được đào tạo đạt theo quy định tại thông tư.

Tương tự, người có bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành điều hành, vận tải hoặc khai thác đường sắt không phải là đường sắt đô thị để đảm nhận chức danh nhân viên điều độ chạy tàu, chức danh này phải được đào tạo để đạt tiêu chuẩn của nhân viên điều độ chạy tàu đường sắt đô thị trước khi đảm nhận chức danh này.

Trong lĩnh vực đào tạo lái tàu đường sắt đô thị, theo các đơn vị quản lý dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, hiện trong nước mới chỉ có các tuyến đường sắt đô thị (Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên) đang được xây dựng, chưa tuyến nào được đưa vào khai thác. Các lái tàu đường sắt đô thị đầu tiên đều được đào tạo theo hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài và theo tiêu chuẩn công nghệ của từng tuyến. Trong tương lai, sau khi đường sắt đô thị đi vào khai thác, vận hành, các lái tàu trong nước đủ năng lực sẽ tham gia đào tạo, hướng dẫn, giám sát thực hành lái tàu tập sự. Do đó, cần có quy định tiêu chuẩn của ‘‘thầy dạy lái tàu" để tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị tự tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực.

Cục Đường sắt VN cho biết, trong dự thảo bổ sung quy định, trường hợp dùng lái tàu để hướng dẫn, giám sát cho lái tàu tập sự phải đáp ứng các yêu cầu: có giấy phép lái tàu phù hợp với công nghệ của tuyến đường sắt sẽ hướng dẫn, giám sát; có đủ kinh nghiệm, chịu trách nhiệm chính về an toàn trong quá trình hướng dẫn...

“Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị có trách nhiệm quy định năng lực, kinh nghiệm của lái tàu, bố trí lái tàu tham gia hướng dẫn, giám sát lái tàu tập sự và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình lái tàu tập sự thực hành lái tàu.

Liên quan việc sát hạch lái tàu, dự thảo quy định, căn cứ vào quyết định tổ chức kỳ sát hạch của Cục Đường sắt VN, doanh nghiệp tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái tàu theo quy định tại thông tư. Còn cơ quan quản lý tổ chức thực hiện việc giám sát việc tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt theo các nội dung giám sát cụ thể.

Theo Cục Đường sắt VN, thực tế công tác tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái tàu, cả sát hạch lý thuyết và thực hành đều do nhân sự của doanh nghiệp thực hiện tại doanh nghiệp. Chỉ có doanh nghiệp sử dụng chức danh lái tàu mới có đủ các điều kiện (phương tiện, tuyến đường, nhân sự đủ năng lực) để thực hiện các nội dung này. Do đó, cơ quan cấp giấy phép lái tàu tổ chức và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy trình thực hiện sát hạch để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.