Xã hội

Doanh nghiệp, chuyên gia hiến kế xã hội hoá đầu tư cảng hàng không

05/11/2022, 08:14

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp... đều cho rằng, để phát triển cảng hàng không hiện nay, cần xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư.

Bên lề tọa đàm với chủ đề "Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không và những bài học kinh nghiệm" Bộ GTVT tổ chức chiều 4/11, một số chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã chia sẻ, đề xuất các giải pháp xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư cảng hàng không hiệu quả.

Ông Lê Văn Nhị, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Rạng Đông: Một mình doanh nghiệp không thể tháo gỡ mọi khó khăn

img

Ông Lê Văn Nhị, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Rạng Đông – Bình Thuận

Dự án Cảng hàng không Phan Thiết được phê duyệt là sân bay cấp 3C, công suất 1 triệu lượt hành khách/năm với nhà đầu tư được lựa chọn là Tập đoàn Rạng Đông. Tập đoàn chúng tôi đã ký hợp đồng triển khai dự án tại tỉnh Bình Thuận từ năm 2016. Đến nay, thời gian thực hiện đã khá dài. Khó khăn là có thời điểm tỉnh xem xét lại năng lực tài chính của nhà đầu tư.

Do đó, hiện nay, Tập đoàn đang phối hợp với tỉnh Bình Thuận để nghiên cứu điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, lập hồ sơ trình các bộ, ngành trung ương thông qua để triển khai.

Từ thực tiễn thời gian qua, một mình doanh nghiệp không thể tháo gỡ mọi khó khăn. Tập đoàn rất mong muốn các bộ, ngành Trung ương và địa phương nhanh chóng xem xét, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để việc triển khai dự án được thuận lợi.

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai: Cần có cơ chế thích hợp thu hút nhà đầu tư

img

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai

Sau một thời gian khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ, sân bay Sa Pa, tỉnh Lào Cai được cấp có thẩm quyền ký quyết định về chủ trương đầu tư tháng 10/2021.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt quy hoạch tháng 5/2022 đồng thời tổ chức mời thầu và dự kiến sẽ mở thầu vào 30/11 này để khởi công vào đầu tháng 12 tới đây.

Cho đến thời điểm này, địa phương đã tiến hành giải phóng mặt bằng được 70-80%. Thực tế thì quá trình chuẩn bị đến nay đối với dự án sân bay Sa Pa chưa phát sinh khó khăn gì lớn. Tuy nhiên, theo chúng tôi, thì vấn đề đầu tư sân bay có suất đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm, nên chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư.

Do đó, theo chúng tôi, để thu hút được nhà đầu tư có năng lực vào lĩnh vực này cần phải có cơ chế thích hợp, nhất là có phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp như nghiên cứu mô hình nhượng quyền khai thác, đầu tư từng phần.

Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn: Hành lang pháp lý phải rõ ràng

img

Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn

Nhìn từ thực tiễn Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn thì có thể thấy được tính hiệu quả của việc đầu tư dự án sân bay trên địa bàn. Nếu như hơn chục năm trước, thu ngân sách của huyện đảo Vân Đồn chỉ đạt khoảng trên 130 tỷ đồng/năm, thì đến thời điểm hiện nay, thu ngân sách của địa phương này đã tăng hơn 10 lần.

Điều đó chứng minh được rằng, cùng với các dự án khác thì việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã tạo ra động lực lớn để thúc đẩy kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh tại địa phương. Cùng với đó, việc đưa sân bay vào hoạt động tại huyện đảo Vân Đồn đã góp phần phát triển hàng loạt các dịch vụ vệ tinh khác…

Đặc biệt, tại thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn đã thực hiện tốt việc đón các chuyến bay giải cứu kiều bào từ vùng dịch ở nước ngoài về Việt Nam.

Qua thực tiễn thấy rằng, để triển khai có hiệu quả các dự án PPP thì cần có sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành Trung ương và chính quyền cơ sở trong việc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó tạo ra hành lang pháp lý để nhà đầu tư thuận lợi triển khai dự án.

Cụ thể là, cần làm thế nào tạo được hành lang pháp lý, chính sách rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm. Có một số quy định dù nhỏ thôi nhưng cũng có thể tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư. Tất cả đều nên đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật như trong luật, thông tư, nghị định để khi triển khai tất cả đã có sẵn, chúng ta cứ thế là làm.

Hiện tại, các văn bản quy phạm pháp luật chưa có gì liên quan đến mảng đầu tư tư nhân trong hoạt động hàng không.

Đối với các địa phương có nhu cầu đầu tư, đặc biệt những nơi đã có các nhà đầu tư mong muốn tham gia thì không có lý do gì để không đưa vào hệ thống đầu tư. Việc đầu tư cảng hàng không sẽ đem lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương rất nhiều. Khi có nhà đầu tư là quá tốt.

Cùng với đó, khi triển khai cảng hàng không mới, có rất nhiều vướng mắc. Để tháo gỡ cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương. Ví dụ như với Cảng hàng không Vân Đồn, việc bàn giao tháp không lưu năm xưa, đã mất đến hơn 3 năm chưa đến điểm chốt được.

Đặc biệt là cần có những chính sách khuyến khích để các nhà đầu tư có những hợp đồng trọn gói, tạo sự đồng bộ, dễ đầu tư hơn, tránh việc xé lẻ, đồng thời, những thông tin về dự án đầu tư cần được cung cấp rộng rãi tới nhà đầu tư để họ dễ nghiên cứu...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.