Thị trường

Doanh nghiệp dệt may có thể bị phạt hàng trăm tỷ đồng nếu chậm giao hàng

08/09/2021, 11:06

Nếu đơn hàng bị chậm, ngoài việc tăng chi phí vận chuyển bằng máy bay, doanh nghiệp còn có thể bị phạt lên đến cả trăm tỷ đồng.

Bị phạt hàng trăm tỷ, mất luôn đơn hàng mùa tiếp theo

Đó là chia sẻ của nhiều doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ không phát triển được đơn hàng cho mùa tiếp theo.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một doanh nghiệp dệt may lớn với quy mô gần 5.000 lao động cho hay, công ty đã phải nghỉ sản xuất trong vòng 1 tháng nay. Nếu tiếp tục nghỉ, DN sẽ khó gắng gượng dậy với khoản chi phí đội lên khổng lồ.

img

Kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt và may mặc giảm 9,2%, giày dép các loại giảm 38,5%...Ảnh: TTXVN.

Theo đơn vị này, dù phải đóng cửa nhưng họ vẫn phải mất gần 20 tỷ đồng/tháng cho những chi phí cố định, chưa kể chi phí hỗ trợ lương cho người lao động.

Trong đó, chi phí khấu hao khoảng 6 tỷ đồng/tháng; Chi phí bảo hiểm vẫn phải đóng cho người lao động khoảng 4 tỷ đồng/tháng; Chi phí lãi vay ngân hàng ngưỡng 1,5 tỷ đồng/tháng; Cộng thêm chi phí xét nghiệm test Covid-19 cho người lao động 2 tỷ đồng/tháng; Chi phí vận chuyển bằng máy bay cho những đơn hàng gấp 4 tỷ đồng/tháng...

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nếu dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

"Các doanh nghiệp không còn khả năng để duy trì và ổn định sản xuất, khó giữ chân khách hàng tại Việt Nam.

Nhiều nhãn hàng nhìn nhận sự bất ổn của thị trường Việt Nam và họ có thể rời đi. Đây là thách thức rất lớn cho ngành dệt may, da giày...", ông Giang nói.

Cũng theo ông Giang, người lao động tại các doanh nghiệp cũng ồ ạt rời bỏ các trung tâm sản xuất lớn ở phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... để tránh dịch khiến doanh nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng, và khó ổn định lại trong thời gian ngắn sau dịch.

Khó dự báo về tương lai?

Theo Báo cáo mới đây từ Bộ Công thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt và may mặc giảm 9,2%, giày dép các loại giảm 38,5%...

Bộ Công thương nhìn nhận, trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, có phạm vi trải rộng trên toàn quốc, tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, động lực tăng trưởng của cả nước.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu có thể vẫn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp TP.HCM và các tỉnh phía Nam buộc phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội khiến cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, hậu cần và logistics bị gián đoạn.

Trước thực tế trên, giải pháp Bộ Công thương đưa ra là tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm giữ được chân khách hàng, chuỗi cung ứng.

Trước mắt là hoàn thành các đơn hàng đã ký kết và tranh thủ những đơn đặt hàng phục vụ dịp mua sắm cuối năm ở các thị trường khu vực châu Âu, Mỹ để gia tăng sản lượng.

Đồng thời, tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng ta có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản…

Tuy nhiên, nhận định về việc giữ đơn hàng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho rằng, dù các DN cần xoay xở, tìm giải pháp duy trì, cố gắng đảm bảo đúng tiến độ đơn hàng. Nhưng rất khó dự báo về tương lai và triển vọng của ngành dệt may, da dày trong thời gian ngắn và trung hạn, khi dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý người lao động.

Theo bà Xuân, Hiệp hội cũng đã đề xuất phương án mở cửa dần dần với 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1, doanh nghiệp đưa khoảng 30% công suất trong 2 tuần đầu. Từ đó có đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai tăng dần lên 50-70% công suất sản xuất.

"Triển vọng năm nay và có thể sang cả năm 2022 không mấy khả quan. Hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn không thể tiếp tục sản xuất. Sản lượng sản xuất không đạt như mục tiêu đề ra", bà Xuân khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.