Quản lý

Doanh nghiệp đóng tàu chuyển hướng vượt “bão” Covid-19

09/05/2020, 06:43

Để duy trì việc làm, giữ chân lao động, nhiều doanh nghiệp đóng tàu phải chuyển hướng nhận sửa chữa, kể cả tàu cá, sà lan...

img
Công nhân Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm thi công đóng mới bồn chứa xi măng 800m3

Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) đóng tàu bị mất đơn hàng, giãn thời gian bàn giao tàu. Để duy trì việc làm, giữ chân lao động, nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng nhận sửa chữa, kể cả tàu cá, sà lan...

Mất nhiều đơn hàng lớn, giãn bàn giao tàu do Covid-19

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm (Hải Phòng) những ngày sau giãn cách, không khí làm việc cơ bản trở lại bình thường. Cả trong các phân xưởng và ngoài hiện trường, từng tốp kĩ sư, công nhân cặm cụi làm việc, ai vào việc nấy, tập trung cho sản phẩm hoàn thành đúng tiến độ.

Trong phân xưởng Vỏ 1 ầm ầm bởi tiếng vận chuyển, cắt thép, tiếng hàn xì, Tổ trưởng tổ Lắp 3 Lê Văn Duy cho hay, mọi người đang khẩn trương hoàn thành 2 tổng đoạn để kịp tiến độ đấu tổng thành, bàn giao sà lan cẩu cho Công ty Xi măng Hoàng Sơn trong 2 tháng tới.

“Đây là sản phẩm mới của đơn vị. Chúng tôi vừa thực hiện tổng đoạn để lắp tàu cho tập đoàn Damen, vừa làm sản phẩm sà lan mới nên việc làm vẫn ổn định, có lúc phải tăng ca. Thu nhập từ đầu năm đến giờ vẫn giữ được mức từ 8,5 - 9 triệu đồng/tháng”, anh Duy cho hay.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Hải, Phó TGĐ Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm chia sẻ, nhìn công xưởng sôi động thế nhưng thực tế dịch Covid-19 cũng khiến đơn vị bị ảnh hưởng khá lớn, nhiều đơn hàng đóng mới bị hoãn.

“Đối tác chủ yếu của chúng tôi là Tập đoàn Damen - Hà Lan, do tình hình dịch bệnh tại châu Âu bùng phát nên các hợp đồng đóng mới tàu cho tập đoàn này bị đình, giãn. Các vật tư, thiết bị nhập khẩu không về Việt Nam được nên cũng không thể triển khai thi công”, ông Hải nói và cho biết, các phân xưởng đang hoạt động chủ yếu đóng sà lan cho DN xi măng.

Tương tự, hoạt động sản xuất tại Nhà máy Đóng tàu Hạ Long (Quảng Ninh) khá sôi động, dường như không bị ảnh hưởng gì bởi dịch Covid-19. Kỹ sư điện Nguyễn Thế Truyền chia sẻ, việc làm những tháng qua vẫn ổn định, không ai phải nghỉ việc hay giãn hợp đồng; Thu nhập duy trì khoảng trên 8 triệu/người/tháng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long cho hay, hiện công ty vẫn có đủ việc làm là do quý I/2020 thực hiện các sản phẩm gối đầu, các đơn hàng ký từ năm trước. “Còn thực tế, nhiều sản phẩm đóng mới trong năm nay bị đình, giãn tiến độ. Dòng sản phẩm nội địa như: Tàu du lịch, tàu nhà hàng nổi… bị giãn thực hiện hợp đồng.

Dòng sản phẩm đóng mới để xuất khẩu cho các khách hàng nước ngoài đều phải lùi tiến độ, như tàu của khách hàng Úc, kế hoạch tháng 8/2020 hạ thủy, nhưng khách hàng đã đề nghị lùi lại đến tháng 11. Chưa kể nhiều nguồn việc đứng trước nguy cơ bị mất”, ông Tuấn Anh thông tin.

Cũng theo ông Tuấn Anh, một số khách hàng đã có kế hoạch trong tháng 3, tháng 4 sẽ đặt hàng sản phẩm mới, nhưng do dịch Covid-19 họ không sang được.

“Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, không rõ họ có sang Việt Nam để triển khai tiếp hợp đồng đang đàm phán không”, ông Tuấn Anh bày tỏ và cho hay, nếu dịch kéo dài, sẽ khó khăn về việc làm cho DN, vì đặc thù của ngành đóng tàu là công việc gối nhau. Nếu giãn, đình hợp đồng sẽ ảnh hưởng đến việc làm, doanh thu những tháng cuối năm.

Với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC), ông Trần Tấn Châm, Phó TGĐ cho hay, DN này đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các đơn hàng đóng mới. Sản phẩm chủ lực của SSIC là đóng mới tàu khách, tàu du lịch, nhưng do ảnh hưởng dây chuyền từ ngành du lịch, không có khách, nên các công ty du lịch - khách hàng cũng không đóng mới nữa, xin giãn tiến độ thực hiện hợp đồng, giao hàng. “Theo kế hoạch tháng 6 sẽ bàn giao 3 tàu khách du lịch, nhưng khách hàng đề nghị giãn thời gian giao đến tháng 8/2020”, ông Châm nói.

Nhận sửa chữa cả sà lan, tàu cá

img
Công nhân Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm đóng xà lan cẩu 150T

Ông Lê Văn Hải cho biết, nỗi lo lớn nhất của Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm là lo đủ việc làm cho 900 CBCNV-LĐ, nhất là lao động khối trực tiếp. Lao động ngành đóng tàu như: Thợ hàn, thợ cơ khí, thợ ống, thợ sơn, thợ điện… phải mất nhiều thời gian đào tạo, phải có tay nghề cao mới đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nếu họ nghỉ việc tại nhà máy, ra ngoài làm, thu nhập cao hơn sẽ không muốn quay về nhà máy nữa.

“Khi Damen lùi tiến độ hợp đồng đóng mới, Sông Cấm phải chuyển hướng, tìm và nhận ngay các sản phẩm nội địa như: Tàu chở xi măng, bồn chứa xi măng bột, sà lan cẩu… để giữ lao động. Quý I/2020, ngoài 10 sản phẩm chuyển tiếp thi công dở dang từ năm 2019, công ty đã nhận thi công mới được 8 sản phẩm.

Vì vậy, trước mắt vẫn lo được việc làm, thu nhập tương đối cho người lao động, không ai bị nghỉ việc. Mục tiêu là giữ người lao động. Nếu để họ phải nghỉ việc thì khi có việc, sản xuất kinh doanh phục hồi sẽ không tuyển lại được nữa”, ông Hải cho hay.

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy cho biết, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chính trong quý I/2020 đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt chỉ tiêu giá trị doanh thu toàn Tổng công ty chỉ đạt dưới 20% so với kế hoạch năm 2020. Dự báo, các chỉ tiêu chính của kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty năm 2020 chỉ đạt khoảng 80% kế hoạch năm.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, thời kỳ “hậu Vinashin” (tiền thân của SBIC), các DN đóng tàu đã rất khó khăn, phải tự thân vận động, không tiếp cận được ngân hàng, không được vay vốn nên rất khó khăn tìm kiếm việc làm.

“Trước đây, quan niệm cứ nhà máy to thì phải thực hiện sản phẩm lớn, ít khi để ý đến các sản phẩm nhỏ. Giờ miễn có đơn đặt hàng để có việc làm, doanh thu thì đều nhận, kể cả sản phẩm lớn và nhỏ, tàu khách nghỉ qua đêm, tàu nhà hàng trên vịnh hay tàu cá”, ông Tuấn Anh nói.

Với SSIC, ông Trần Tấn Châm cũng cho biết, đang tìm mọi cách để có đơn hàng sửa chữa mới hoặc các sản phẩm gia công cơ khí. Cùng đó, công ty dồn lao động khối đóng mới sang khối sửa chữa, tăng cường nhân lực, rút ngắn thời gian sửa chữa tàu để nhận được nhiều tàu vào sửa chữa hơn.

“Chúng tôi cố gắng duy trì sản xuất để có việc làm, giữ chân người lao động, nhưng chắc chắn thu nhập người lao động sẽ giảm, khoảng 20 - 30% vì doanh thu sửa chữa tàu thấp, không như đóng mới”, ông Châm nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Cao Thành Đồng, quyền Tổng giám đốc SBIC cũng cho biết, trong khi các đơn hàng đóng mới bị hoãn, lùi tiến độ, các đơn hàng sửa chữa tàu thủy lại tăng hơn trước cả về số lượng và giá trị doanh thu. “Kết quả này là do các đơn vị đã chuyển hướng, tìm kiếm đơn hàng và dồn lực thực hiện hợp đồng sửa chữa để bù đắp cho thiếu hụt việc làm, doanh thu từ đơn hàng đóng mới”, ông Đồng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.