Hàng hải

Doanh nghiệp đóng tàu “thoi thóp” trong vòng xoáy nợ nần

07/01/2021, 06:39

Các doanh nghiệp đóng tàu phải tự xoay xở kiếm việc làm để tồn tại, trong khi đó, phương án tái cơ cấu chưa biết bao giờ thành hiện thực.

img

Tàu đợi vào sửa chữa tại Nhà máy Đóng tàu Phà Rừng

Tự xoay xở để tồn tại

Những ngày cuối năm, không như các đơn vị công nghiệp khác hối hả sản xuất để kịp bàn giao sản phẩm mới cho khách, không khí tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn (SSIC) khá trầm lắng. Chỉ một số ít bộ phận như sửa chữa, gia công cơ khí còn duy trì đều việc.

Tạm nghỉ sau khi mất khá nhiều thời gian hàn các chi tiết trên tàu sửa chữa, anh Trần Đình, thợ hàn bậc 4/5 chia sẻ, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không có tàu đóng mới, lương bình quân trong tổ chỉ khoảng 7 - 8,5 triệu đồng/người/tháng. 10 năm tôi làm ở nhà máy, chưa lúc nào khó khăn như bây giờ.

Ông Trần Tấn Châm, Tổng giám đốc SSIC cho biết, anh Đình giữ được mức lương đó là do công ty phải điều sang khối sửa chữa mới có việc làm.

Thực tế, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều chủ tàu xin đình, hoãn thực hiện hợp đồng đóng mới nên công ty thiếu việc làm. Dự kiến năm 2020 chỉ thực hiện được từ 70 - 72% kế hoạch năm, một số bộ phận ít việc, người lao động phải nghỉ việc luân phiên.

“Không phải đến thời ảnh hưởng bởi Covid-19 mà hậu đổ vỡ Vinashin, SSIC cũng như các cơ sở đóng tàu khác thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) đều phải tự xoay xở, duy trì sản xuất vì không nhận được sự hỗ trợ về vốn hay các chính sách khác.

Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải trả nợ, trả lãi vay từ thời Vinashin. Nói chung, chủ yếu là cầm cự, ăn đong thôi. Lâu dài cần có phương án tái cơ cấu tài chính rõ ràng”, ông Châm nói và cho biết, dòng tiền vào của SSIC là từ tiền ứng trước của khách hàng đóng sản phẩm mới để xoay dòng nguồn vốn, tái đầu tư, sản xuất.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long cho biết, cũng gặp khó khăn tương tự SSIC. Các khoản nợ từ thời Vinashin đã được khoanh lại nhưng hàng tháng công ty vẫn phải trả nợ khoảng 3 - 4 tỷ đồng.

“Trả nợ cao như vậy nên công ty rất khó khăn trong cân bằng thu chi. Làm được bao nhiêu lại tích cóp trả nợ. Thực ra trả được lãi thôi cũng đã khó lắm rồi”, ông Tuấn Anh nói.

Cũng theo ông Tuấn Anh, tài chính khó khăn, không có ngân hàng “đứng sau” để đồng hành cùng công ty trong triển khai các hợp đồng mua bán vật tư thiết bị nên 3 - 4 năm nay, công ty đã chuyển hướng thị trường, thiên về hình thức gia công.

“Mặc dù giá trị sản phẩm không cao, nhưng đó là “tiền tươi thóc thật”, là tiền của DN, đỡ được nhiều rủi ro khi mua, nhập khẩu vật tư, thiết bị, đồng thời giảm được áp lực về tài chính”, ông Tuấn Anh cho hay.

Đề án tái cơ cấu 10 năm chưa xong

img

Các sản phẩm tàu đóng mới, gia công cho chủ tàu Anh tại Nhà máy Đóng tàu Hạ Long

Ông Trần Hữu Chiến, Phó TGĐ Công ty Đóng tàu Phà Rừng cho biết, thế mạnh của nhà máy là sửa chữa nên dù năm nay ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hợp đồng sản phẩm đóng mới bị đình, hoãn nhưng lượng tàu vào sửa chữa nhiều, bù đắp được doanh thu.

Dự kiến, sản lượng chung của công ty vượt 10%/năm. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua công ty rất khó khăn khi tìm kiếm sản phẩm đóng mới do những tồn tại về tài chính hậu đổ vỡ Vinashin.

“Nợ cũ còn tồn tại, vốn không có, khả năng đi vay vốn để đóng tàu cũng không khả thi. Chính vì thế, đi đấu thầu đóng mới tàu ở nước ngoài sẽ không cạnh tranh nổi. Khi đi chào hàng, tham gia đấu thầu phải có hồ sơ, không có vốn thì phải vay vốn nhưng lãi vốn vay thương mại rất cao, trong khi lợi nhuận lại thấp. Mà vay cũng rất khó vì sau thời Vinashin, công ty là DN có nợ xấu”, ông Chiến nói.

Cũng theo ông Chiến, năm nào công ty cũng báo lỗ mấy trăm tỷ đồng do nợ tồn. Nợ gốc khoảng 400 tỷ đồng nhưng do lũy kế lãi tăng lên nên giờ cả gốc và lãi khoảng 1.200 tỷ đồng. Vì thế, không biết đến bao giờ mới giảm được lỗ, nếu không có phương án tài chính để xử lý thì về lâu dài DN sẽ khó tồn tại.

“Chỉ có xóa nợ mới quay về hoạt động có tính ổn định, lâu dài. Vì làm có lãi còn có định hướng đầu tư, phát triển, chứ giờ làm ra lại đi trả nợ thì chỉ làm sao để duy trì nhà máy thôi. Việc làm chỉ để trả nợ sẽ khác với làm để tích lũy, đầu tư, phát triển”, ông Chiến nói.

Ông Cao Tấn Dũng, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp Hàng hải Sài Gòn (Saigon Shipmarin) cho biết, năm 2013, khi Chính phủ cho tái cơ cấu thì chỉ những nguồn vay thương mại mới được tái cơ cấu, trong khi đó công ty nợ chủ yếu từ nguồn nội bộ Vinashin.

Đối với các khoản vay thương mại thì có ngân hàng cho xóa, có ngân hàng chỉ lấy nợ gốc, hoặc giảm 70% nợ… Do đó, công ty chỉ được giảm 2% tổng nợ trong quá trình tái cơ cấu, hiện nợ đọng còn nhiều.

Thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại của các DN đóng tàu thuộc SBIC, ông Trần Tiến Đạt, Phó TGĐ SBIC cho biết, theo đề án tái cơ cấu SBIC, sẽ chỉ có 8 doanh nghiệp được giữ lại trong mô hình Tổng công ty.

Các DN còn lại sẽ được tái cơ cấu theo nhiều hình thức như bán, chuyển nhượng, sáp nhập, giải thể, phá sản... Tuy nhiên, phương án tái cơ cấu SBIC, trong đó có 8 DN được giữ lại này chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt hay đưa ra phương án khác.

“Đề án tái cơ cấu đã xây dựng cả 10 năm nay, định kỳ phải báo cáo đã làm những gì và tiếp theo sẽ làm như thế nào. Bản thân SBIC kỳ vọng tái cơ cấu sớm nhằm tinh gọn lại bộ máy; bán hay giải thể, phá sản, bán cổ phần hay sắp xếp các DN, đều cần phải có quyết định cụ thể”, ông Đạt nói.

Khó nhất là xử lý các khoản nợ cũ

Ông Trần Tiến Đạt, Phó TGĐ SBIC cho biết, do chưa có phương án nên các DN hiện nay chỉ tính ngắn hạn và trung hạn, còn dài hạn như mở rộng đầu tư, phát triển công nghệ… thì không tính đến. “Khó khăn nhất là xử lý các khoản nợ cũ, vốn “kìm chân” DN đầu tư, vấn đề nguồn tiền ở đâu để bù vào.

SBIC mong muốn mọi việc được xử lý nhanh chóng để nếu có phá sản nhà máy thì cơ sở vật chất vẫn còn tồn tại. Vấn đề là thay đổi hình thức sở hữu, với người lao động việc chuyển đổi này là tốt hơn nếu công ty mới hoạt động hiệu quả, đem lại nhiều việc làm hơn cho họ”, ông Đạt chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.