Doanh nghiệp

Doanh nghiệp giảm gánh nặng nợ nần, chi phí?

20/07/2017, 11:45

Mặt bằng lãi suất cho vay vốn của hệ thống ngân hàng đã và đang giảm, góp phần giảm chi phí đầu vào...

16

Các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn mở rộng hoạt động sản xuất khi hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay - Ảnh: Khánh Linh

Lãi suất vay vốn thấp nhất còn 5%/năm

Ngay sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định giảm 1% một loạt lãi suất chủ chốt (lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, thanh toán liên ngân hàng...), các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đồng loạt giảm lãi suất cho vay vốn.

Cụ thể, NH BIDV cho biết, giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với VND từ ngày 10/7. Theo đó, đối tượng, lĩnh vực ưu tiên (theo quy định của NHNN), đồng thời thỏa mãn các điều kiện cho vay của BIDV (như nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ cao, môi trường, có quan hệ tín dụng thường xuyên 3 năm trở lên...), lãi suất cho vay tối đa còn 6,0%/năm. Riêng các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung, lãi suất cho vay tối đa chỉ 5,5%/năm.

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán NH Đầu tư Phát triển (BSC), quyết định giảm một loạt lãi suất chủ chốt của NHNN giúp hệ thống NH tiết kiệm khoảng 354 tỷ đồng. Tính toán này của BSC dựa trên con số tổng dư nợ của 23 NHTM tại NHNN khoảng 142 nghìn tỷ đồng tính đến cuối quý I/2017.

Bên cạnh đó, BIDV vẫn tiếp tục triển khai các gói tín dụng có lãi suất ưu đãi, lãi suất tối đa 5-5,5%/năm với tổng giá trị hơn 40.000 tỷ đồng.

Ngay sau đó, một loạt ngân hàng lần lượt công bố giảm lãi suất cho vay vốn. Cũng với nhóm khách hàng ưu tiên theo quy định của NHNN, lãi suất ngắn hạn tối đa tại NH SHB và Eximbank còn 6,5%/năm; Tại LienVietPostBank còn tối đa 6%/năm; Tại Vietcombank được giảm 0,5%/năm so với quy định hiện hành; Tại Agribank, mức giảm cũng là 0,5%/năm, trong đó kỳ hạn ngắn từ 7% xuống còn 6,5%/năm, kỳ hạn trung, dài từ 8,5% còn 8%/năm... Ngoài ra, LienVietPostBank giảm 0,25%/năm tất cả các kỳ hạn, cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên...

Theo nhận định của một chuyên gia tài chính, “làn sóng” giảm lãi suất sẽ tiếp tục lan rộng trong hệ thống ngân hàng thời gian tới. Tuy nhiên, mức giảm nhiều nhất 0,5-1%/năm, tập trung vào nhóm khách hàng ưu tiên. Còn các khoản vay thông thường, mức giảm chỉ có thể dao động 0,25-0,5%/năm.

Mặt khác, đại diện một NH TMCP cho biết, lãi suất chỉ áp dụng với những khoản vay mới. Với những khoản vay cũ, để được giảm lãi suất, ngân hàng và khách hàng sẽ phải “ngồi lại” với nhau để đàm phán và việc có được giảm hay không, giảm mức bao nhiêu phụ thuộc vào từng khoản vay, khách vay cụ thể.

Doanh nghiệp giảm gánh nặng nợ nần

Tổng giám đốc Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến, Nguyễn Trí Kiên cho biết, công ty đang có khoản vay vốn khoảng 8 tỷ đồng với mức lãi suất 7%/năm. “Nếu lãi suất khoản vay này được giảm 0,5-1%/năm, chúng tôi sẽ giảm được chi phí lãi vay khoảng 40-80 triệu đồng/năm”, ông Kiên tính toán.

Có thể nói, chi phí tài chính, nhất là chi phí lãi vay đang là gánh nặng không nhỏ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những đơn vị có tỷ trọng vay cao.

Đơn cử như CTCP Xây dựng số 12 (V12) thuộc Tổng CTCP Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Tính đến cuối năm 2016, công ty có 116 tỷ đồng nợ vay tài chính, chủ yếu là nợ ngắn hạn, chiếm gần 23% cơ cấu nguồn vốn. Chi phí lãi vay cả năm gần 8,3 tỷ đồng, trong khi lãi ròng chỉ hơn 7,8 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác cùng “họ” Vinaconex là CTCP Xây dựng Số 9 (VC9). Tính đến cuối năm 2016, VC9 có gần 243 tỷ đồng nợ vay dài hạn tài chính, chiếm 21% nợ phải trả, tương đương 18% tổng vốn vay. Theo đó, chi phí lãi vay của VC9 năm 2016 ghi nhận ở mức 24,7 tỷ đồng, tương đương 42% giá trị lợi nhuận gộp...

Đối với Vinaconex, hết năm 2016, công ty đang có hơn 4.432 tỷ đồng nợ vay tài chính, chiếm 30% trong tổng nợ phải trả. Trong đó, có gần 2.397 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 2.036 tỷ đồng nợ vay dài hạn...

Mặt bằng lãi suất giảm sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp nói trên giảm áp lực nợ nần, hạ chi phí, giá thành, tăng cạnh tranh hơn. Nhiều doanh nghiệp cũng tính toán mở rộng đầu tư, sản xuất đã mạnh tay vay vốn trở lại.

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, tính đến ngày 30/6, tín dụng với nền kinh tế đã tăng 9,06%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2015, 2016. Trong đó, tín dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh, nhất là một số lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp nông thôn tăng 9,9%; công nghiệp tăng 10,34%...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.