Quản lý

Doanh nghiệp giao thông nghĩ lớn, làm lớn

04/02/2019, 09:47

Đón bắt nhiều cơ hội phát triển trong năm 2019, nhiều doanh nghiệp giao thông cho biết đã sẵn sàng các điều kiện nhân, vật lực...

img
Cầu Bạch Đằng do người Việt Nam tự thiết kế, thi công, rút ngắn quãng đường giữa TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Đỗ Phương

Đón bắt nhiều cơ hội phát triển trong năm 2019, nhiều doanh nghiệp giao thông cho biết đã sẵn sàng các điều kiện nhân, vật lực để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh vốn là lợi thế ngành nghề.

img
Ông Lê Anh Sơn

Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Vinalines:

Đổi thương hiệu để tạo đột phá mới

Hiện Vinalines đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đang được “hồi sinh”, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua để “chuyển mình”. Vinalines lo ngại nhất chính là xu hướng liên minh giữa các hãng tàu với các DN cảng biển hoặc tự khai thác khép kín dịch vụ đã tạo nên sức cạnh tranh rất lớn đối với các DN trong nước, làm ảnh hưởng đến thị phần của các DN dịch vụ hàng hải.

Các tập đoàn logistics nước ngoài giờ được thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Các DN này hiện đang chiếm khoảng 80% thị phần logistics trong nước nên DN logistics nội địa gặp nhiều khó khăn vì yếu thế hơn hẳn về vốn, mạng lưới hoạt động.

Năm 2019, trong xu thế vận tải biển vẫn chưa thoát khó, hoạt động kinh doanh của Vinalines vẫn tập trung vào thế “kiềng 3 chân”: Cảng biển - Vận tải biển - Dịch vụ hàng hải nhưng hai mảng cảng biển và dịch vụ hàng hải sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn. Trong đó, lĩnh vực cảng biển thiên về hướng phát triển những cảng trung chuyển, cảng cửa ngõ quốc tế như: Cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải và việc đầu tư các bến cảng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện).

“Cảng nước sâu hay cảng trung chuyển quốc tế đòi hỏi suất đầu tư rất lớn nhưng có công nghệ khai thác lớn. Với nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng, xu hướng của vận tải biển quốc tế là chuyển sang những con tàu có kích cỡ lớn. Do đó, để đón được những con tàu “khủng” các tuyến liên lục địa, chạy thẳng sang Mỹ hoặc châu Âu, việc đầu tư các cảng lớn là rất cần thiết và phù hợp với sự phát triển của ngành hàng hải thế giới.

Tới đây, Vinalines sẽ dần chiếm lĩnh thị phần vận tải trong nước và thế giới. Vinalines với sự thay đổi thương hiệu mới VIMC (Tổng công ty Hàng hải VN - CTCP) sẽ không chỉ là chuyển giao một biểu tượng mà nó sẽ là biểu tượng của sự thay đổi.

img
Ông Đặng Sỹ Mạnh

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Phó tổng giám đốc phụ trách Tổng công ty Đường sắt VN:

Đánh thức tiềm năng 300 nhà ga, kho, bãi hàng

Hiện việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt rất khó khăn. Đây là lĩnh vực khó thu hút vốn ngoài Nhà nước vì còn vướng nhiều cơ chế. Kể cả công trình không liên quan trực tiếp đến chạy tàu như nhà ga (công trình kiến trúc), bãi hàng, nhà kho cũng rất khó thu hút, kêu gọi vốn do đây là công trình do Nhà nước đầu tư, là tài sản công nên việc lựa chọn hình thức đầu tư rất khó.

Tới đây, Tổng công ty Đường sắt VN kiến nghị Bộ GTVT giao toàn bộ 297 nhà ga, kho hàng, bãi hàng… theo hình thức đầu tư vốn tại DN. Với hình thức này, Tổng công ty Đường sắt chịu trách nhiệm về bảo trì tài sản, duy trì và phát triển vốn, thay vì Nhà nước phải chi kinh phí bảo trì như trước.

Tổng công ty Đường sắt VN sẽ phải bỏ ra hàng trăm tỉ đồng mỗi năm để bảo trì, nhưng ngược lại sẽ có điều kiện tự chủ, linh hoạt kinh doanh, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho vận tải đường sắt.

Cụ thể, Tổng công ty hoàn toàn chủ động trong việc tự bỏ vốn đầu tư hoặc hợp tác đầu tư xây dựng, phát triển các công trình. Ví dụ, đầu tư xây dựng các nhà ga Hà Nội, Sài Gòn là những ga có vị trí, quỹ đất lợi thế thương mại thành các nhà ga hiện đại, bao gồm trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn lưu trú..., cung cấp dịch vụ tiện ích cho khách hàng. Từ hiệu quả khai thác các nhà ga có lợi thế thương mại này sẽ bù đắp một phần kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các nhà ga không có nguồn thu mà hiện nay đang xuống cấp, trong đó kinh phí bảo trì cân đối rất khó khăn.

img
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn CIENCO4:

Vươn tầm thành tập đoàn dẫn đầu xây dựng hạ tầng

Trong năm 2019, chúng tôi tập trung xây dựng, phát triển chiến lược kinh doanh bảo đảm tính cạnh tranh trong tìm kiếm dự án, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, từng bước làm chủ các công nghệ cao để phát triển Tập đoàn CIENCO4 trở thành một trong những DN thi công, đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng.

Ngoài các dự án hạ tầng xây dựng giao thông lớn như: Cao tốc Bến Lức - Long Thành, vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long,… CIENCO4 vẫn triển khai thi công bình thường, trong năm 2019, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm những dự án mới đang đầu tư có hiệu quả như các dự án về bất động sản, văn phòng cho thuê. Đặc biệt, năm 2019, CIENCO4 sẽ tìm hiểu và nghiên cứu để tham gia đấu thầu làm nhà đầu tư của các dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP.

Trong lĩnh vực bất động sản, hiện nay, CIENCO4 còn sở hữu các trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An,… Điển hình là dự án khu đô thị CIENCO4 tại 61 Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh (Nghệ An) sẽ mở bán trong năm 2019. Ngoài ra, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hợp tác với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với các dự án về năng lượng, môi trường.

img
Ông Phạm Văn Khôi

Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành:

Lấn sân thị trường ngoại

Trong bối cảnh nguồn việc làm đối với các nhà thầu giao thông hiện nay gặp nhiều khó khăn, chúng tôi đang tìm kiếm những hợp đồng để đấu thầu thi công các dự án giao thông ở Lào, Campuchia. Trong năm 2019, chúng tôi sẽ tham dự đấu thầu hai gói thầu có giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng tại dự án cải tạo, nâng cấp QL13 từ Thủ đô Viêng Chăn đi Bắc Lào sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB).

Với thị trường trong nước, được biết, năm 2019, Bộ GTVT đang giao các ban QLDA một số dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, chúng tôi cũng chuẩn bị nghiên cứu để tham gia đấu thầu tìm kiếm nguồn công ăn việc làm. Đặc biệt, trong năm 2019, Bộ GTVT sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với tư cách nhà đầu tư đã có kinh nghiệm tại nhiều dự án như: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Bạch Đằng, Hạ Long - Vân Đồn,… chúng tôi sẽ nghiên cứu, tìm hiểu tham gia một số dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông phù hợp với kinh nghiệm, năng lực tài chính, năng lực thi công để tìm kiếm nguồn công việc lâu dài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.