Giao thông

Doanh nghiệp hàng hải mong chờ gì từ APM 2018?

30/01/2018, 14:57

Sáng 30/1 diễn ra buổi tọa đàm “Nâng cao năng lực Hàng hải Việt Nam tại Triển lãm Hàng hải châu Á 2018 (APM)”.

DSCF4686

Những thách thức của các doanh nghiệp hàng hải Việt Nam được nhận định rõ ràng tại tọa đàm

APM dự kiến diễn ra vào tháng 3/2018 tại Singapore. Đại diện đơn vị tổ chức triển lãm APM, bà Yeow Hui Leng cho biết, APM 2018 sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xúc tiến các cơ hội kinh doanh mới.

“Tại đây, ngoài việc tiếp cận những xu hướng mới của ngành hàng hải thế giới, các đơn vị tham gia còn có cơ hội gặp gỡ, đối thoại trực tiếp để tìm ra những đối tác tiềm năng. Đặc biệt, nhờ công nghệ số hóa, dựa trên những thông tin chia sẻ của các DN hàng hải Việt Nam, hệ thống tự động sẽ cập nhật, đề xuất những công ty phù hợp nhằm đưa đến một đối tác chiến lược phù hợp nhất.”, bà Yeow Hui Leng nói.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc TCT Hàng hải Việt Nam (Vinalines), thời gian qua, dù ngành hàng hải có nhiều khởi sắc, song đội tàu biển chưa có đủ sức cạnh tranh. Nguyên nhân do kích cỡ tàu, tuổi của tàu chưa phù hợp với thị trường; công nghệ quản lý, năng lực tài chính tham gia vào các đơn hàng đấu thầu quốc tế lớn còn rất hạn chế. Cùng đó, quá trình nghiên cứu thị trường, tìm kiếm nguồn đầu tư để nâng cao năng lực đội tàu của các DN vận tải diễn ra còn chậm, dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ với thị trường, giảm tính cạnh tranh so với đối thủ cùng lĩnh vực.

“Do đó, APM 2018 được kì vọng sẽ là sân chơi, cơ hội có thể giúp các DN Việt Nam quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới. Riêng với Vinalines, đơn vị còn mong chờ sẽ tìm được đơn vị đầu tư chiến lược, chia sẻ kỹ thuật, hoạt động quản lý, mở rộng thị trường.”, ông Trung nói.

Trong khi đó, nhận định về thách thức của DN hàng hải Việt Nam trong tình hình mới, ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng tàu biển, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, hiện nay, quy định của quốc tế về bảo vệ môi trường, kiểm soát về phát thải CO2 ngày càng chặt chẽ. Từ năm 2020, hàm lượng lưu huỳnh sử dụng trong nhiên liệu tàu biển sẽ giảm hàm lượng ngưỡng 0,5%, chi phí vận hành, bảo dưỡng sẽ tăng lên, lợi nhuận giảm xuống.

“Trên thế giới lại đang có xu hướng thiết kế tàu biển không người lái. Các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc đang tiên phong nghiên cứu, phát triển sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng. Vì vậy, APM là 1 cơ hội tốt cho các cơ hội Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, công nghệ mới, vật liệu mới từ các quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu phát triển mạnh”, ông Bằng cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.