Vận tải

Doanh nghiệp hiến kế xóa sổ xe khách trá hình, bến lậu

27/02/2017, 06:57

Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines...

13

Xe Limousine đón trả khách tại cổng Bệnh viện Huyết học truyền máu T.Ư Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn

Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang được lấy ý kiến với nhiều điểm mới nhằm tạo ra sự minh bạch trong hoạt động vận tải và xóa sổ “xe dù, bến lậu”. Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines xung quanh vấn đề này.

Không tạo kẽ hở cho “xe dù, bến lậu” có đất sống

Ông đánh giá thế nào về dự thảo sửa đổi Nghị định 86 đang được lấy ý kiến. Liệu khi ban hành có chặn được “xe dù, bến lậu?

Kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các thể chế, chế tài ngày càng hoàn thiện, góp phần lập lại trật tự vận tải hành khách, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân, đặc biệt là các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe buýt, xe tuyến cố định. Tuy nhiên, các quy định về loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng không theo tuyến cố định, xe du lịch còn bộc lộ nhiều điểm chưa chặt chẽ, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến “xe dù, bến lậu” lộng hành.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 đang được lấy ý kiến có nhiều bổ sung, nhưng theo tôi, vẫn còn nhiều điều cần góp ý, sửa đổi để không tạo kẽ hở cho “xe dù, bến lậu” có đất sống. Để xử lý “xe dù, bến lậu” cần chia làm 2 nhóm: Nhóm xe dù, xe khách trá hình và nhóm bến lậu. Xử lý bến lậu thì xe dù, xe khách trá hình không còn nơi nương tựa để “núp”. Các đơn vị tổ chức kinh doanh xe khách trá hình hay dùng bãi đỗ xe, nơi đỗ xe để làm bến lậu, đón trả khách và lên xuống hàng hóa. Nhưng Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 lần này cũng không có bổ sung quy định về bãi đỗ xe, nơi đỗ xe là loại hình kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (Thông tư 63 có quy định về kinh doanh bãi đỗ xe).

Theo tôi, cần giải thích, quy định rõ và thực hiện chế tài về bãi đỗ xe và nơi đỗ xe. Chẳng hạn như: “Cấm sử dụng bãi đỗ xe, nơi đỗ xe để đón, trả khách và giao nhận, lên xuống hàng hóa”. Nếu đơn vị vận tải vi phạm sẽ bị phạt “thu hồi giấy phép kinh doanh”.

6
Ông Nguyễn Trí Dũng

Quy định cụ thể về “điểm khởi hành” và “điểm kết thúc”

Riêng với xe dù, xe khách trá hình, quy định của Nghị định cần bổ sung gì, thưa ông?

Như chúng ta thấy, xe dù, xe khách trá hình hoạt động đón-trả khách như tuyến cố định nhưng không vào bến xe, núp dưới danh nghĩa và sử dụng phù hiệu của xe hợp đồng, xe du lịch. Do đó, cần quy định rõ và có biện pháp chế tài.

Đầu tiên, cần giải thích rõ về xe hợp đồng. Thực tiễn và bản chất của xe hợp đồng là xe cho thuê dịch vụ vận tải. Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng cho thuê vận tải hành khách giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định với người thuê vận tải và không được thực hiện lặp lại trên một lịch trình, hành trình trong một khoảng thời gian nhất định”.

"Với xe hợp đồng, xe du lịch, cần giữ lại nội dung: “Trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo tới Sở GTVT về số lượng hành khách và danh sách hành khách” như tinh thần Nghị định 86 đã có hiệu quả trong công tác quản lý thời gian qua. Nếu Nghị định sửa đổi bỏ quy định báo cáo “số lượng hành khách và danh sách hành khách” sẽ tạo cơ hội cho xe dù, xe khách trá hình trốn thuế”.

Ông Nguyễn Trí Dũng

Theo tôi, nên giữ lại quy định tại Khoản 2 Điều 45 Thông tư 63 để bổ sung vào Nghị định sửa đổi, cụ thể: “Hợp đồng cho thuê vận tải hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng cho thuê vận tải hành khách”.

Cùng đó, cần quy định cụ thể về “điểm khởi hành” và “điểm kết thúc” nhằm ngăn chặn các đơn vị tổ chức xe khách trá hình lách luật. “Điểm” có thể được hiểu là địa chỉ, trên đường, khu vực, quận, tỉnh/thành phố… Xe dù, xe khách trá hình lập nhiều điểm đón trả khách ở trong nội thành thì dễ dàng lách luật bằng cách ghi luân phiên thay đổi điểm khởi hành và điểm kết thúc trong hợp đồng, cơ quan chức năng cũng không thể xử lý được. 

Bên cạnh đó, nếu chỉ quy định: “Trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 50% tổng số chuyến xe của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau” cũng không thể xử lý được xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định. Ví dụ, một xe khách trá hình chuyên chạy tuyến cố định Sài Gòn - Đà Lạt, chỉ có tối đa 50% số chuyến xe khởi hành từ Sài Gòn và kết thúc tại Đà Lạt và 50% số chuyến xe khởi hành từ Đà Lạt và kết thúc tại Sài Gòn. Do đó, không thể có quá 50% số chuyến xe khởi hành hoặc kết thúc tại một điểm.

Bỏ cơ chế xin-cho “nốt tài”

Vậy còn việc các nhà xe tổ chức gom khách lẻ, xác nhận đặt chỗ dưới dạng hợp đồng trá hình thì sao, có cách nào để quản lý, thưa ông?

Theo tôi, cần giao quyền chủ động cho doanh nghiệp vận tải đăng ký “nốt tài”, tần suất chạy xe, bỏ cơ chế xin-cho “nốt tài”. Vì đặc thù của tuyến cố định, người dân đi lại tập trung ở một khoảng thời gian nhất định trong ngày, hay còn gọi là khung giờ vàng. Những đơn vị vận tải nhanh tay đăng ký “nốt tài” trước thì được chiếm lĩnh mãi mãi các “nốt tài” vàng này, không quan tâm đến nâng cao chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp đi sau, dù có chất lượng phương tiện tốt, công tác quản lý bài bản, chăm sóc khách hàng tốt,… không thể đăng ký được “nốt tài” trong khung giờ vàng. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc mua bán “nốt tài” với giá hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng/nốt tài. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp không vào bến, bỏ bến ra ngoài lập bến lậu để tổ chức xe khách trá hình, xe dù.

"Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được tự do lựa chọn và thực hiện đăng ký khai thác tuyến theo quy hoạch mạng lưới tuyến hoặc điều chỉnh tăng tần suất chạy xe theo nguyên tắc: Đảm bảo quy hoạch chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định; giờ xe đăng ký xuất bến tại hai đầu bến không trùng giờ và đảm bảo thời gian giãn cách tối thiểu 15 phút với các chuyến xe của doanh nghiệp, hợp tác xã khác đang hoạt động hoặc đã đăng ký trước; Trường hợp tăng tần suất chạy xe, giảm thời gian giãn cách dưới 15 phút do bến xe liên tỉnh ở địa phương quyết định.

Nghị định sửa đổi lấy ý kiến có bỏ bớt quy định so với trước đây như cấm thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức. Đây là bước đi thụt lùi, tạo cơ hội cho các đơn vị tổ chức xe khách trá hình kinh doanh trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách. Bên cạnh đó, hiện nay đã có đơn vị tổ chức kinh doanh xe khách trá hình không chỉ trực tiếp gom khách lẻ mà còn lách luật thành lập mới (hoặc liên kết) với các trung tâm du lịch để đứng ra gom khách, thậm chí dùng “cò xe” lôi kéo, thu gom khách lẻ tại bến xe (hoặc trước cửa bến xe) rồi đứng ra ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh vận tải xe hợp đồng, để chở khách như xe khách tuyến cố định nhằm trốn thuế, phí bến bãi.

Do đó, kiến nghị “Cấm các tổ chức và cá nhân không được tự tổ chức thu gom hành khách lẻ, không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức”. Bên cạch đó, cần bổ sung quy định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định và lái xe không được sử dụng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải khách du lịch bằng ô tô. Trong thời gian một tháng, đơn vị vận tải không được sử dụng xe hợp đồng chạy quá 30% số chuyến trên tuyến liên tỉnh cố định của đơn vị đã đăng ký. 

 Trong thời gian một tháng, đơn vị vận tải không được sử dụng xe hợp đồng chạy quá 50% số chuyến trên tuyến liên tỉnh cố định của đơn vị đã đăng ký. Lý do là hiện nay nhiều đơn vị chỉ đăng ký vài xe chạy tuyến cố định để “làm phép”, lấy mác có chạy tuyến đó, rồi tự ý gom khách và sử dụng xe hợp đồng trá hình để chở khách đi tuyến cố định. Theo tôi, Nghị định sửa đổi cũng cần bổ sung chế tài phạt “thu hồi giấy phép kinh doanh” nếu đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng ô tô có từ 10% trở lên số phương tiện vi phạm các quy định như: Tổ chức thu gom hành khách lẻ, bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; Trong thời gian một tháng, qua dữ liệu thiết bị giám sát hành trình xác định thực hiện quá 30% tổng số chuyến xe (tính từng xe) có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau…

Một điểm nữa, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định, vận tải hành khách du lịch bằng xe ô tô cần phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về ATGT. Hơn nữa, cần quy định định lượng rõ theo phần trăm tổng số xe, tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp có quy mô hàng nghìn xe so với đơn vị có vài xe. Ví dụ: Trong thời gian 3 năm có tái phạm về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và có 5% số xe hoạt động xảy ra TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.