Thị trường

Doanh nghiệp "kêu cứu" sau vụ 7 ông lớn xăng dầu bị tước giấy phép

11/08/2022, 12:57

Doanh nghiệp vừa có đề nghị Bộ Công thương hướng dẫn, chỉ đạo về quyền mua các sản phẩm xăng dầu của các thương nhân đầu mối bị thu giấy phép.

Liên quan đến việc 7 doanh nghiệp (DN) đầu mối xuất, nhập khẩu xăng dầu bị tước giấy phép hoạt động (Báo Giao thông sáng nay 11/8 đã đưa: "Nóng: Tước giấy phép 7 ông lớn xăng dầu, loạt doanh nghiệp run"), Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVNDB) vừa có văn bản gửi Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) về vấn đề này.

Hiện, PVNDB đang bao tiêu, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo các hợp đồng kinh tế với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Theo PVNDB, đơn vị đã và đang thực hiện 22 hợp đồng dài hạn với 22 khách hàng là thương nhân đầu mối (TNĐM).

Trong đó, có một số khách hàng, hoặc đang có đề nghị đàm phán để trở thành khách hàng của PVNDB, là những TNĐM đang ở tình trạng bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, theo công bố của Bộ Công thương.

Do vậy, PVNDB đề nghị Bộ Công thương có hướng dẫn, chỉ đạo về quyền mua các sản phẩm xăng dầu của các thương nhân đầu mối này từ nhà máy lọc dầu trong nước do PVNDB bao tiêu.

img

Công ty CP Nhiên liệu Phúc Lâm bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ 19/7/2022. Trước đó, đơn vị này đã bị tước giấy phép vào tháng 4 năm ngoái do lùm xùm đường dây xăng lậu

“Việc này làm cơ sở để doanh nghiệp này tuân thủ đúng Nghị định 95 của Chính phủ trong quá trình thực hiện tiêu thụ sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiêu thụ, giải phóng sản phẩm xăng dầu Nghi Sơn giai đoạn hiện nay”, văn bản nêu.

Trước đó, một thương nhân cũng cho biết, vì thiếu thông tin về việc tước giấy phép của 7 thương nhân đầu mối trên, một số nhà máy lọc dầu, thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu vẫn giao dịch, mua bán với những thương nhân đầu mối bị tước giấy phép theo hợp đồng đã ký trước đó, trước thời điểm Bộ Công thương đăng tải thông tin.

"Doanh nghiệp bị tước giấy phép mà vẫn mua xăng dầu được cho là mua bán lậu, còn doanh nghiệp bán, đang tiếp tay cho buôn lậu, làm trái với quy định pháp luật, kinh doanh trái phép...”, vị thương nhân nói.

Như vậy, trong thời gian ngắn vừa qua, cũng không thể biết được trong tổng số 400 thương nhân phân phối, đã có bao nhiêu thương nhân lấy lấy xăng dầu từ các thương nhân bị tước giấy phép... Việc này vô tình vi phạm pháp luật, chỉ vì khâu thông báo của của cơ quan chức năng.

Đây cũng là lý do các thương nhân lo lắng khi phải đối diện với nguy cơ bị xử phạt mua bán trái phép xăng dầu trên thị trường trong bối cảnh, đoàn thanh tra chuyên ngành theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công thương ký hồi tháng 2/2022 vẫn đang trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Về vấn đề này, Báo Giao thông cũng đã đặt vấn đề với Bộ Công thương về việc công bố thông tin tước giấy phép kinh doanh xăng dầu trên các phương tiện truyền thông và việc cảnh báo tới các doanh nghiệp khác nhằm tránh việc phát sinh giao dịch trong thời gian doanh nghiệp bị tước không được phép hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, thông tin rõ những rủi ro khi giao dịch với doanh nghiệp đã bị tước giấy phép...

Các doanh nghiệp bị tước giấy phép bao gồm: Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát (Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 2 tháng kể từ ngày 26/7/2022); Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 18/7/2022);

Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 13/7/2022); Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 28/7/2022);

Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 19/7/2022); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh (Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 7/7/2022); Và Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 12/7/2022).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.