Thị trường

Doanh nghiệp làm gì để chuyển "nguy" thành "cơ" trong đại dịch Covid-19?

13/03/2020, 17:50

Làm thế nào để cơ cấu lại lĩnh vực hoạt động, tài chính, nhân sự, tìm "cơ" trong "nguy", đi qua khủng hoảng dịch bệnh Covid-19?

img
Du lịch đình trệ, học sinh nghỉ học khiến dịch vụ đưa đón khách và học sinh cũng dừng theo. Ảnh minh họa: BĐN

Công ty TNHH TM An Du là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch (dịch vụ đưa đón khách du lịch, đưa đón sân bay) và vận chuyển (dịch vụ xe đưa đón công nhân viên, học sinh tại Hà Nội). Chị Khuất Thị Thùy Dung, TGĐ công ty cho biết, kể từ sau Tết Nguyên Đán tới nay hàng loạt xe của công ty nằm một chỗ, nhân viên không có việc làm do du lịch ảnh hưởng nặng nề và các trường đều nghỉ học bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Các trường tư đã đóng cửa và có khả năng giải thể nếu dịch kéo dài 3-5 tháng nữa. Doanh nghiệp chúng tôi cũng mất hợp đồng. Từ tết đến nay không có doanh thu mà hiện vẫn chưa có giải pháp khả quan hơn”, chị Dung cho biết tại buổi talk show với chủ đề "Doanh nghiệp SME làm gì thời Covid-19" do Công ty Vinalink vừa tổ chức.

Bà Hương Ly, Chủ tịch Công ty kinh tế đa ngành MJU Group và chuỗi ẩm thực đường phố EM+ cho biết, ngay khi có thông tin về bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17, bản thân chị đã tìm hiểu thông tin về diễn biến mới, không chỉ trang bị kiến thức cho bản thân mà còn chuẩn bị tâm thế tốt cho cả đội ngũ nhân sự để vượt qua dịch bệnh.

“Trang bị kiến thức rồi truyền thông nội bộ để bản thân các nhân sự tự quyết định sẽ ở lại hay không. Rất may là họ đã ở lại. Công cũng có chính sách giữ chân nhân sự như chưa điều chỉnh lương”, bà Ly cho hay.

Cũng theo bà Ly: "Sức khỏe nhân viên là tài sản của công ty. Sức khỏe cộng đồng là tài sản của đất nước nên chúng tôi đưa thông điệp là công ty sẽ bảo vệ sức khỏe của các bạn, đưa ra các giải để để nhân viên thấy họ được an toàn nhất. Chúng tôi đang chuẩn bị để đón đầu cơ hội khi dịch qua đi nên không thể không có có đội ngũ nhân sự lõi.

Hiện chúng tôi cũng đang bán thiết bị y tế như nước rửa tay hay khẩu trang phi lợi nhuận. Từ đó phân tích nhu cầu thị trường, chủ động ứng phó. Cần phải chấp nhận mất mát hay thất thoát thời điểm này.

Nếu có đủ nguồn lực thì kết hợp với những doanh nghiệp có nguồn lực đang dư thừa để cơ cấu lại sản phẩm và tung sản phẩm ra thị trường; Đồng thời chia sẻ với nhiều doanh nghiệp khác”.

Một lĩnh vực khác ít được nhắc tới nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề là dịch vụ phòng tập. Anh Văn Hùng, chủ chuỗi hệ thống Fitness và thực phẩm sạch cho biết, rất nhiều bạn bè quản lý phòng tập đã phải đóng cửa hoàn toàn do không có khách. Riêng hệ thống Fitness và thực phẩm sạch của anh chỉ thiệt hại khoảng 20-50%.

“Dù thiệt hại nặng nhưng vẫn có cơ hội tồn tại”, anh Văn Hùng chia sẻ. “Tôi chỉ đóng cửa khi chính quyền yêu cầu và có người nhiễm Covid-19”, anh Hùng khẳng định cố gắng tới cùng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Để có thể hoạt động cầm chừng, anh Hùng đã linh hoạt chia phòng tập thành các không gian nhỏ để phục vụ riêng từng nhóm khách hàng nhỏ khoảng 4 khách/phòng. Việc này giúp khách hàng có sự riêng tư, tránh sự đông đúc đồng thời gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Ý tưởng của anh Hùng trong bối cảnh các ngành, các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 được đánh giá cao.

“Lúc khó khăn chính cũng là lúc có thời gian nói chuyện tâm sự nhiều hơn với khách, gia tăng những trải nghiệm cho khách hàng nhiều nhất, chăm sóc khách hàng tốt nhất. Sau khi dịch qua đi, họ sẽ là những người quay lại nhiều nhất với doanh nghiệp”, chuyên gia Tuấn Hà, TGĐ Vinalink, Chủ tịch CLB SEO Việt Nam đánh giá.

Đối với các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 hiện nay, ông Hà cho rằng đây là lúc để doanh nghiệp nhìn lại các vấn đề nội tại; Đo lường chất lượng các phòng ban để nâng cao hiệu suất làm việc; Đầu tư chuyển đổi số; Nghiên cứu sản phẩm mới hay tuyển dụng nhân sự…

“Lúc này chuyển đổi số là đẹp nhất vì doanh nghiệp có thời gian. Giờ cũng là thời điểm thích hợp để nghiên cứu ra sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới, giải pháp mới để khi dịch qua đi doanh nghiệp bung ra thị trường”, ông Tuấn Hà nói.

Đối với trường hợp của công ty An Du, ông Quang Minh, chuyên gia tư vấn đào tạo doanh nghiệp, Chủ tịch kiêm TGĐ Bizen Việt Nam cũng cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp nên xác định lại mục tiêu cụ thể, ngồi lại xem xét lại toàn bộ tiềm lực về con người, trang bị, phương tiện để quyết định sẽ cho bao nhiên nhân viên tạm nghỉ, bao nhiêu nhân viên thuộc diện cần được duy trì, trân trọng…

“Phải làm từng bước, sau khi xác định mục tiêu mới thì đi tìm cơ hội. Tôi nghĩ, lúc này doanh nghiệp có thể hướng vào các đối tượng vẫn cần nhu cầu đi lại nhưng phải đảm bảo cho họ an toàn cao nhất trong kỳ dịch. Công ty chưa cần lãi ngay mà chỉ cần ghi dấu thị trường bằng các dịch vụ phục vụ cho vùng dịch, liên kết các bên… nhìn cơ hội ở những mối quan hệ mới”, ông Minh đưa ra giải pháp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.