Quản lý

Doanh nghiệp lao đao chỉ vì “lệch” mã cảng biển

30/10/2018, 13:56

Quy định mỗi bến cảng trong cụm cảng Hải Phòng có một mã cảng riêng và do các chi cục hải quan khác nhau...

13

Vướng mắc trong thủ tục chuyển cảng biển khiến cả DN cảng và hãng tàu khu vực Hải Phòng thiệt hại kinh tế nặng nề

Hãng tàu “bốc hơi” hàng chục nghìn USD mỗi ngày

Các doanh nghiệp (DN) cảng container thuộc cụm cảng biển tại Hải Phòng vừa đồng loạt ký tên vào văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thống nhất mã cảng tại cụm cảng Hải Phòng trong bối cảnh rất nhiều hãng tàu, chủ hàng và DN cảng đang chịu thiệt hại nặng nề với cơ chế quản lý hàng hóa XNK thông quan tại cảng biển.

Ông Phạm Hồng Mạnh, Trưởng đại diện hãng tàu TS Lines Hải Phòng cho biết, hiện khu vực Hải Phòng có 18 cảng thuộc quản lý của 4 chi cục hải quan, mỗi cảng có một mã do cơ quan hải quan cung cấp. Trước khi tàu vào cảng, hãng tàu sẽ khai báo E-Manifest nhập cảnh lên hệ thống thông tin một cửa quốc gia (tối thiểu 12 tiếng trước khi tàu cập cảng); Đồng thời, thông báo cho khách hàng mở tờ khai XNK cho container hàng với một địa điểm đích vận chuyển bảo thuế và địa điểm dỡ hàng là một cảng chỉ định. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, cách thời gian cập cảng mấy tiếng, cầu cảng đầy không tiếp nhận thêm tàu, buộc các tàu vào sau phải chuyển sang cảng bên cạnh mới có thể giao, nhận hàng đúng thời gian. Nhưng việc chuyển cảng lại không hề đơn giản.

Đại diện CTCP cảng Nam Hải cho biết, theo thông lệ, trên khai báo quốc tế chỉ có một cảng Hải Phòng. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng từng khẳng định, các cảng trong hệ thống cảng Hải Phòng chỉ coi là một cảng, phải tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính để tạo hành lang thông thoáng phát triển các ngành dịch vụ hàng hải. Vì vậy, cơ quan liên quan cần sớm nghiên cứu, thống nhất việc cụm cảng Hải Phòng chỉ có một mã cảng và một đích vận chuyển bảo thuế hoặc tìm phương án thích hợp để đảm bảo hoạt động kinh doanh của DN.

“Theo quy định, nếu tàu chuyển cảng khác, khách hàng phải chờ hải quan chấp nhận hủy tờ khai cũ và mở lại tờ khai mới. Theo quy định, thuế khách hàng đã nộp vào chi cục hải quan không được hoàn lại mà để khấu trừ vào các lô hàng sau. Trong khi đó, hàng nhập về của một số DN có giá trị rất lớn, riêng tiền thuế phải nộp đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Nếu tàu chuyển cảng, DN vừa bị “treo” khoản thuế đã nộp ở chi cục hải quan cũ, vừa phải ứng ra một khoản thuế để mở tờ khai ở chi cục hải quan mới”, ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, việc tàu hàng phải nằm chờ vì không chuyển được cảng, hãng tàu cũng phải chịu thiệt hại rất lớn. Một ngày nằm chờ, tàu nhỏ tốn 10.000USD tiền thuê tàu, tàu cỡ lớn hơn có thể từ 20.000 - 30.000USD/ngày.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc CTCP Cảng Nam Hải cho rằng, việc mở lại tờ khai sát giờ tàu cập cảng gần như không thể. Bởi, một chuyến tàu có hàng nghìn container của hàng trăm khách hàng khác nhau. Việc khai báo cho từng đơn vị để mở lại tờ khai vô cùng khó.

“Việc chậm trễ trong quá trình vào cảng xếp dỡ còn khiến tàu hàng bị lỡ mất lịch trình toàn tuyến. Ví dụ, theo lịch trình, tàu sẽ đi 3 cảng: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, nhưng nếu bị chậm ở Hải Phòng, hãng tàu buộc phải cắt qua Trung Quốc, đi thẳng đến Đài Loan, sau đó đi Nhật rồi tuần sau mới quay lại Trung Quốc để cập cảng đúng lịch đã đăng ký trong hợp đồng”, ông Tuấn chia sẻ.

Bà Phạm Thị Thúy Mai, Trưởng phòng Hàng biển (Công ty TNHH Schenker Logistics Việt Nam) nhận định, việc thiếu linh hoạt trong chuyển đổi cảng xếp dỡ tạo nên một hệ lụy dây chuyền. “Đối với hãng tàu phải chịu mức phạt từ 1 - 3% giá trị hàng hóa. Với DN logistics, công nhân viên sẽ mất nhiều thời gian hơn cho một lô hàng”, bà Mai nói.

Đề xuất cơ cấu lại bộ phận hải quan

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cho rằng, nguyên nhân của việc khó chuyển cảng xuất phát từ việc khai báo của một số khách hàng. Có những chủ hàng sát nút cập cảng mới báo khiến việc xử lý thủ tục của cơ quan chức năng gặp khó.

“Thời gian tới, Cục Hàng hải VN sẽ chỉ đạo cảng vụ hàng hải khu vực chủ trì phổ biến các quy định về trình tự, thủ tục thay đổi cảng để chủ hàng nâng cao sự chủ động trong quá trình trao đổi với hãng tàu và mở tờ khai hàng hóa”, ông Thu nói.

Cũng theo ông Thu, bất cập trong việc sắp xếp, chuyển đổi bến cảng xếp dỡ hàng hóa còn xuất phát từ thực trạng bến cảng ở Hải Phòng đang bị chia quá nhỏ và chịu sự chi phối của các chi cục hải quan khác nhau. Tới đây, Cục Hàng hải VN sẽ báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sắp xếp lại cơ cấu chi cục hải quan ở khu vực Hải Phòng để các đầu mối quản lý được tinh gọn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chủ hàng và hãng tàu làm thủ tục xếp dỡ hàng hóa.

Liên hệ với Tổng cục Hải quan, PV chỉ được đại diện đơn vị này cho biết, đang nghiên cứu xây dựng dự thảo văn bản để trả lời chính thức Cục Hàng hải VN và các DN cảng. Kết quả sẽ có trong ít ngày tới.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Mạnh, trong cuộc làm việc trung tuần tháng 10 vừa qua với các bên liên quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) giải thích, trong nội bộ hải quan, toàn bộ hồ sơ tàu chuyển cảng có thể chuyển giữa các cửa khẩu chỉ bằng một “click” chuột nhưng lại không nêu rõ lý do vì sao chưa làm được.

Còn theo bà Phạm Thị Thúy Mai, cách thức áp dụng cho mỗi cảng một mã của hải quan hoàn toàn thuận tiện cho việc quản lý. Tuy nhiên, thủ tục thay đổi cảng cần linh hoạt theo hướng tàu hàng chỉ cần khai báo hàng về Hải Phòng, sau đó hàng có thể về một trong 14 bến cảng ở cùng cụm cảng. Hệ thống hải quan sẽ giám sát và ghi nhận cảng đích cụ thể. Quá trình đó yêu cầu sự giám sát chặt chẽ hơn song sẽ giải quyết được lợi ích cho tất cả các bên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.