Kinh tế

Doanh nghiệp lao đao thời chống dịch

09/02/2020, 06:05

Việc kiểm soát giao thương không chỉ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu mà cả với doanh nghiệp xuất khẩu.

img
Xe chở nông sản chờ xuất khẩu qua Trung Quốc sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nóng gỡ khó cho hoạt động này ngày 5/2

Không chỉ các khối lữ hành, doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu với đối tác Trung Quốc cũng đang ngồi trên đống lửa, loay hoay tìm thị trường mới trước đại dịch viêm phổi cấp do nCoV.

Lỗ cả trăm triệu mỗi ngày

Trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam thì Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại “trăm tỷ USD” duy nhất của Việt Nam liên tiếp trong 2 năm liền (2018 và 2019) với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa 2 nước đạt trên 100 tỷ USD.

Cụ thể, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 116,866 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 41,414 tỷ USD và nhập khẩu tới 75,452 tỷ USD. So với năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng thêm hơn 10 tỷ USD (năm 2018 là 106,706 tỷ USD).


Cả tuần nay, ông Nguyễn Văn Nghĩa, chủ DN tư nhân Hùng Dũng (Hà Nội) như ngồi trên lửa vì mỗi ngày DN đã mất đứt 300 triệu đồng. Không có nguyên liệu sản xuất, công ty phải cắt giảm sản xuất. Sản phẩm đầu ra giảm mạnh, doanh thu lao dốc, trong khi mọi chi phí vẫn phải trả đủ…

Theo ông Nghĩa, Hùng Dũng sản xuất, kinh doanh sản phẩm tấm lợp cách nhiệt và trang trí nhà cửa. Trung bình mỗi tháng DN sản xuất khoảng 80 tấn thành phẩm, song hiện nay sản lượng cắt giảm một nửa.

“Mỗi ngày chúng tôi bán ra thị trường trung bình 70 cuốn thành phẩm, doanh thu xấp xỉ 500 triệu đồng. Tuy nhiên, lượng hàng cung ứng giảm một nửa, khiến doanh thu chỉ còn khoảng 300 triệu đồng/ngày.

Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn phải duy trì 50 công nhân, khoản chi phí nhân công, điện nước ngốn 180 triệu đồng/ngày; chi phí kho bãi, thuê mặt bằng hơn 100 triệu đồng/ngày… Tính ra, mỗi ngày chúng tôi đang phải bù lỗ cỡ 300 triệu đồng”, ông Nghĩa buồn bã.

Khó khăn ập đến với Hùng Dũng xuất phát từ việc kiểm soát chặt cửa khẩu để phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (nCoV) trong những ngày qua. Với lĩnh vực sản xuất gạch giả đá, 90% nguyên liệu của Hùng Dũng được nhập khẩu từ đối tác Trung Quốc, trong đó có sản phẩm màng pin màu (để phủ lên bề mặt gạch này).

Trong khi sau Tết lượng nguyên liệu dự trữ không nhiều (thời điểm dự trữ hàng thường rơi vào quý III để phục vụ cho thời điểm tiêu thụ mạnh vào cuối năm), nên quyết định kiểm soát chặt cửa khẩu diễn ra nhanh khiến DN trở tay không kịp.

Theo ông Nghĩa, các DN sản xuất như của Hùng Dũng, thiệt hại lớn nhất là phải cắt giảm công suất, kéo theo giảm nhân công. “Việc cắt giảm công suất là cực chẳng đã. Lãnh đạo DN thường chỉ tính đến việc cắt giảm khi công ty đứng trước bờ vực phá sản bởi quyết định này ảnh hưởng mạnh đến cả hệ thống kinh doanh.

Công suất giảm, đồng nghĩa với lượng hàng giảm, không đủ cung ứng ra thị trường, kéo theo nguy cơ mất khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, cắt giảm công suất khi vẫn phải duy trì công nhân sẽ tác động đến bài toán doanh thu vì công nhân không thể nghỉ khi chưa có kịch bản hoạt động tiếp theo”, ông Nghĩa nói.

Công ty DVC Hà Nội cũng đang phải chịu chung cảnh cắt giảm công suất do chưa nhập được nguyên vật liệu theo dự kiến từ phía Trung Quốc. Ông Vũ Minh Quân, Giám đốc công ty cho biết: “Số nguyên vật liệu còn lại đủ cho sản xuất đến 15/2.

Tuy nhiên, việc đặt mua nguyên liệu phải thực hiện trước 10 ngày, song do tình hình dịch bệnh nCoV diễn biến khó lường nên không đối tác nào nhận đơn. Công ty đang phải gồng mình tìm cách ứng phó với hai kịch bản: Một mặt là ngừng sản xuất nếu không có nguyên liệu đầu vào, mặt khác là tìm thị trường mới cho sản phẩm”.

Ông Quân chia sẻ, dù giảm công suất song công ty vẫn phải duy trì nhân viên để tạo tính ổn định nên thiệt hại trước mắt là rất lớn, lên đến cả trăm triệu đồng.

Việc kiểm soát giao thương không chỉ ảnh hưởng đến những DN nhập khẩu nguyên vật liệu mà cả với DN xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vinapharma Group chia sẻ: Nếu như theo đúng lịch trình thì 30 container dược phẩm (Cốm cần tây Green Beauty) của Vinapharma sẽ được xuất sang Trung Quốc để đưa vào tiêu thụ tại 6.000 siêu thị Lưu An của Tập đoàn Hoa Thần Long Đức theo hợp đồng đã ký vào tháng 11/2019.

Tuy nhiên, việc siết chặt thông quan có thể khiến công ty mất trắng hợp đồng mà không được đền bù vì theo điều khoản, nếu thiệt hại do bệnh dịch, động đất, bão lũ thì không được đền bù.

Bà Hằng lo lắng, nếu kịch bản đó xảy ra thì tổn thất của Vinapharma là quá sức gánh do nguồn lực nhân công vẫn phải được duy trì trong thời gian tìm “lối thoát”. Trong khi theo bà Hằng, để đào tạo được một nhân công theo tiêu chuẩn GMP là rất khó. Do vậy bước đi tiếp theo vẫn là tiếp tục duy trì nhân viên gồm: Nhà máy 200 nhân sự, khối văn phòng tại Việt Nam 45 nhân sự, văn phòng bên Trung Quốc 300 nhân sự.

Ngoài ra, việc thuê kho bãi, việc hút ẩm hàng ngày để lưu trữ hàng trong trường hợp không xuất được cũng đang tiêu tốn một khoản lớn chi phí. Bà Hằng tính nhanh, nếu trong tháng 2 không xuất được lô hàng này thì công ty sẽ thiệt hại 5 tỷ đồng. Còn DN mỗi ngày phải bù lỗ 200 triệu đồng, bao gồm chi phí nhân công, điện nước, văn phòng, kho bãi…

Lối đi mới còn mờ mịt

img
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó TGĐ Công ty CP Vinapharma Group ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc, xuất khẩu ngày 10/2, tuy nhiên, đơn hàng đã bị hoãn vì thắt chặt xuất nhập khẩu phòng dịch bệnh nCoV

“Vậy DN làm gì để thay đổi cục diện trước mắt và tính đến lâu dài?”, Báo Giao thông đặt câu hỏi. Trả lời PV, các DN cho biết đều đã có phương án song cũng không dễ thực hiện.

Chủ DN tư nhân Hùng Dũng, ông Nguyễn Văn Nghĩa cho rằng, đây cũng là một bước ngoặt khiến các nhà sản xuất phải xem lại về thị trường. Dù biết trước, kịch bản xấu về độc quyền thị trường có thể sẽ xảy ra, nhưng hầu hết DN vẫn chịu lệ thuộc, để giờ đây diễn ra trên thực tế thì đối phó không kịp.

Ông Nghĩa lý giải, rất khó khăn để tìm nguồn nguyên liệu thay thế vì có những sản phẩm không phải nước nào cũng có hoặc nếu có thì giá đội cao hơn. Ông Nghĩa lấy ví dụ, sản phẩm màng pin màu để phủ lên bề mặt gạch giả đá Hùng Dũng đang sản xuất, nếu quay sang nhập sản phẩm của Thái Lan, giá cao hơn của Trung Quốc 17.000 đồng/kg.

Mỗi tuần, Hùng Dũng nhập 20 tấn sản phẩm này, nếu đổi sang hàng Thái, riêng chi phí nguyên vật liệu sẽ đắt hơn 350 triệu đồng/tuần; tương ứng 1,4 tỷ đồng mỗi tháng.

img
Dây chuyền sản xuất chiếu nhựa của Công ty CP DVC chỉ hoạt động 50% công suất, một số máy móc phải ngừng hoạt động vì không có nguyên liệu

“Sản phẩm màng pin màu của Trung Quốc có công nghệ tốt, giá cả hợp lý và nổi bật với những hoa văn được người Việt Nam ưu thích mà rất khó có nước nào thay thế được nên muốn chuyển hướng cũng là bài toán cực khó”, ông Nghĩa nói.

Tìm kiếm một vùng đất mới cũng là bài toán mà Công ty CP Vinapharma Group đang tính đến. Theo kế hoạch, ngày 15/2, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng sẽ sang Dubai để tìm kiếm DN, để tìm đầu ra cho sản phẩm thay thế thị trường Trung Quốc nếu kịch bản xấu nhất diễn ra.

Còn trước mắt, mối lo của cộng đồng DN đã tạm thời được giải tỏa một phần, khi trong chiều 5/2, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất, nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm công tác phòng chống dịch song, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Theo đó, người điều khiển phương tiện vận chuyển, chở hàng hoá (không có hành khách) qua biên giới, tổ bay, thủy thủ đoàn từ vùng có dịch được xuất nhập cảnh qua biên giới nhưng phải được áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, quản lý, giám sát y tế chặt chẽ, nghiêm ngặt; Chỉ được đi đến điểm giao nhận hàng hoá, điểm cách ly tại khu vực cửa khẩu, không được phép đi sâu vào trong nội địa; Đảm bảo loại trừ hoàn toàn các rủi ro có thể lây nhiễm dịch bệnh.

Các địa phương đã nhanh chóng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đơn cử như tại Lạng Sơn quyết định thực hiện thông thương hàng hoá, nông sản đối với các đơn hàng đã có hợp đồng mua bán ngoại thương bị dồn ứ qua cửa khẩu Hữu Nghị. UBND tỉnh Lạng Sơn chuẩn bị 3 khu cách ly riêng biệt đối với: Chủ hàng, xe từ Trung Quốc sang Việt Nam; Chủ hàng, xe từ Trung Quốc trở về Việt Nam sau giao hàng và khu cách ly thứ 3 dành cho toàn bộ công nhân tham gia bốc dỡ các lô hàng xuất khẩu giữa chủ hàng Việt Nam và Trung Quốc.

Đặc biệt, lực lượng tham gia bốc dỡ hàng do Công ty Xuân Cương phụ trách theo dõi nắm rõ thông tin, trích ngang của từng người để thực hiện giám sát, cách ly theo quy định. Các khu cách ly đều được bố trí riêng biệt trong khu vực bãi xe Xuân Cương.

Đối với xe Việt Nam chuyển hàng sang Trung Quốc, phía bạn cũng bố trí khu cách ly riêng biệt. Hai bên thống nhất toàn bộ xe vận chuyển qua lại hai bên đều được bố trí bãi xếp đỗ riêng, có phun khử trùng phòng ngừa dịch bệnh viêm phổi cấp…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.