Tài chính

Doanh nghiệp lo khó “chạm” gói hỗ trợ lãi vay 2%

15/06/2022, 07:00

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay vốn, trong chương trình phục hồi kinh tế.

Song nhiều doanh nghiệp lo lắng khó tiếp cận được gói vay này khi “ngân hàng không hạ chuẩn cho vay”.

Điều kiện vay vốn bất khả thi?

Tìm hiểu các gói hỗ trợ và kỳ vọng với chương trình hỗ trợ lãi suất vay 2%, tuy nhiên, sau khi liên hệ với quản lý một ngân hàng, ông Phạm Hà, CEO của Tập đoàn Du lịch Lux Group bày tỏ lo lắng sau nửa năm chờ đợi thông tư hướng dẫn về gói này.

Theo ông Hà, với những điều khoản hiện nay, để tiếp cận được gói vay, doanh nghiệp (DN) phải đảm bảo các điều khoản như thời điểm bình thường, tức phải có tài sản thế chấp. Vị CEO này đánh giá, tiêu chuẩn gói vay này còn khắt khe hơn trước, khi thời điểm này các ngân hàng đang siết tín dụng.

img

Doanh nghiệp mong nới lỏng chuẩn vay tín dụng trong bối cảnh nguồn vốn sản xuất kinh doanh đang rất khó khăn (Ảnh minh họa)

“DN bị quăng quật suốt 3 năm dịch bệnh Covid-19, lấy đâu ra tài sản để thế chấp nữa”, ông Hà băn khoăn.

Chi phí vốn được giảm 2%/năm giúp DN có thêm nguồn tài chính để đầu tư, khôi phục sản xuất kinh doanh, nhưng bà Lê Thị Thương, đại diện Công ty CP Đào tạo và Du lịch Việt Nam quan ngại, nếu theo luật của các tổ chức tín dụng, thì DN tiếp cận được rất ít.

Bởi, một là không có nợ xấu, hai là phải có doanh thu, ba là có lợi nhuận, bốn là có tài sản bảo đảm... Mà đó là những cái DN đang thiếu cần được hỗ trợ.

Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Mai Linh Hà Nội khẳng định, hơn 2 năm dịch bệnh, nhiều DN không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hoặc thiếu tiêu chuẩn được vay. Chưa kể giá xăng dầu tăng cao, chi phí vận hành khiến DN rất khó khăn.

Mong hạ chuẩn tín dụng cho gói vay “khác biệt”

Cho rằng đây là một gói vay “khác biệt”, ông Hùng kiến nghị được hạ chuẩn tín dụng, bởi những đơn vị vận tải gặp khó khăn do dịch sẽ khó có cơ hội tiếp cận gói vay với tiêu chuẩn bình thường.

Ông Hùng cũng đặt giả thiết, ngân hàng rất muốn hỗ trợ DN nhưng nếu chính sách không rõ ràng thì ngân hàng không dám cho vay bởi sợ trách nhiệm sau này. Do đó, điều khoản cần rõ ràng hơn.

Dù lý giải “điều khoản cho vay như vậy để lựa chọn những DN có khả năng phục hồi”, tuy nhiên, CEO Phạm Hà cũng nhấn mạnh, với những khó khăn dồn nén nhiều năm qua, DN cần trợ lực thực sự. Nghĩa là gói vay phải hấp dẫn hơn.

Theo ông Hà, nên chăng để DN được dùng thương hiệu của mình, cơ sở kinh doanh, doanh thu hiện tại, hoặc dùng những tài sản lưu động để chứng minh khả năng phục hồi chứ không nhất thiết phải đảm bảo bằng bất động sản, tài sản hữu hình chính chủ như bình thường.

“Chúng tôi rất cần vốn. Nhưng tài sản phần lớn là thương hiệu và sản phẩm kinh doanh không phải tài sản cố định”, ông Hà cho hay.

Nhấn mạnh những tồn tại ở các gói vay trước, DN không tiếp cận được, ông Phạm Hà nói: “Chúng ta đang cần một gói chính sách “hỗ trợ niềm tin”! Đừng để khi nói đến gói hỗ trợ, DN hiểu rằng “chỉ có DN đang hoạt động tốt mới vay được”...

Do đó, vị CEO này mong muốn địa phương phải sát sao hơn với DN, làm sao để hỗ trợ đến được với DN “đang hấp hối”, còn nếu áp như điều kiện bình thường thì câu chuyện khó “chạm” được gói hỗ trợ lại tiếp diễn.

Nhiều gói hỗ trợ giải ngân “ì ạch”

Trong khi đó, các gói hỗ trợ khác trong chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế 347.000 tỷ đồng cũng trong tình trạng giải ngân ì ạch.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Bộ LĐ, TB&XH cho biết, kể từ thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và người lao động.

Ví dụ, Nghị quyết 42 hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó có cả người nghèo, người lao động, người có công. Đặc biệt là Nghị quyết 68, với 12 nhóm chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, bị ngừng việc, thất nghiệp, trong đó có người lao động tự do, hỗ trợ doanh nghiệp.

Tổng số hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân đã được nhận hỗ trợ với tổng mức 81.000 tỷ đồng.

Theo vị đại diện, trong 12 chính sách thì chính sách cuối cùng dành cho đối tượng lao động tự do được giao cho địa phương căn cứ vào khả năng cân đối và đặc thù của từng địa phương để ban hành.

Tuy nhiên, thực tế là một số địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoặc nguồn kinh phí hạn chế, hoặc nguồn kinh phí dự trữ hết, nên không ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do… vì thế một số lao động không nhận được.

Bộ LĐ, TB&XH đã làm việc với địa phương, yêu cầu khẩn trương chi trả theo danh sách đã được phê duyệt. Nếu kinh phí thiếu, cần lập dự toán để đề nghị Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ có thể bổ sung.

Còn về gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người lao động, vị đại diện cho biết, chỉ mới giải ngân được khoảng 40 tỷ đồng cho hơn 10.000 lao động, trong tổng số 4 triệu lao động theo yêu cầu. Nguyên nhân là do các địa phương mới hoàn thành phê duyệt kế hoạch và nhiều nơi muốn dồn ba tháng (4, 5, 6) lại nhận tiền 1 lần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.