Tài chính

Doanh nghiệp lo lãi suất cho vay tăng vọt

22/06/2022, 07:58

Các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động, đẩy lãi suất tiền gửi tại ngân hàng vượt 7,5%.

Điều này khiến doanh nghiệp lo lắng lãi suất cho vay sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm, gây khó khăn cho quá trình phục hồi sản xuất.

img

Lãi suất huy động liên tục tăng gây áp lực lên lãi suất cho vay các doanh nghiệp nửa cuối năm

Đua nhau tăng lãi suất huy động

Chị Ngô Hạnh Phương (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa rút toàn bộ hơn 300 triệu đồng trong tài khoản chứng khoán để chuyển sang gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất gần 7%/năm tại một chi nhánh ngân hàng cổ phần tầm trung gần nhà.

“Sau đợt thua lỗ nặng vừa rồi, chứng khoán khó có cơ hội tăng mạnh, trong khi lãi suất ngân hàng đã tăng cao hơn trước đây”, chị Phương lý giải.

Trên thực tế, lãi suất ngân hàng đã rục rịch tăng từ cuối quý I, đầu quý II/2022 và rộ lên từ tháng 5. Sang đến tháng 5, đã có đến gần một nửa số ngân hàng trên hệ thống tăng lãi suất huy động.

Lãi suất huy động cao nhất đã vượt 7,5%/năm với kỳ hạn 13 tháng. Còn với các kỳ hạn ngắn được nhiều người lựa chọn như 3, 6 và 9 tháng lãi suất huy động cũng các ngân hàng đẩy lên 4%, 5,9% và 6,4% một năm.

Một số ngân hàng được cho là có nguồn vốn huy động dồi dào và luôn giữ mặt bằng khá thấp đến cuối tháng 5 cũng nhập cuộc đua tăng lãi suất.

Đơn cử Techcombank đã có đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong nửa năm qua khi thêm 0,3 - 0,45% ở nhiều kỳ hạn khác nhau để thu hút khách hàng, đẩy lãi suất gửi cao nhất tại quầy lên 6,2%/năm (kỳ hạn 36 tháng) và gửi online lên 6,5%/năm.

Đáng chú ý nhất trong đợt này là động thái từ các “ông lớn” ngân hàng quốc doanh sau một thời gian dài ổn định. Giám đốc chi nhánh Đống Đa của 1 trong 4 ngân hàng quốc doanh tiết lộ, ngân hàng này đã có chủ trương tăng lãi suất huy động.

“Việc này đã thông tin nội bộ từ tháng 5. Các ngân hàng khác đẩy lãi suất lên cao như thế, nếu các ngân hàng lớn không tăng, khách hàng sẽ chạy sang các ngân hàng nhỏ”, vị này giải thích.

Cũng theo giám đốc chi nhánh, từ khi có chủ trương đến khi công bố thông tin thông thường sẽ mất khoảng 3 tháng để xây dựng bảng lãi suất, đánh giá tác động, tuyên truyền, thông tin tới khách hàng…

Đến cuối tháng 5, khi ngân hàng trên chưa công bố điều chỉnh nào thì một “ông lớn” khác là Vietcombank đã gây chú ý khi tăng nhẹ lãi suất tiền gửi trực tuyến 0,1% so với gửi tại quầy ở một số kỳ hạn.

Như vậy, nếu gửi tiền kỳ hạn 12 tháng theo hình thức online khách hàng của Vietcombank sẽ hưởng lãi suất 5,6%/năm, cao hơn gửi tại quầy là 5,5%/năm. Tương tự, lãi suất gửi online kỳ hạn 24 tháng tại đây cũng lên 5,4%/năm, cao hơn tại quầy 0,1%/năm…

Một khi có sự gia nhập của các ngân hàng Top 4, mặt bằng lãi suất mới sẽ được thiết lập.

Lãi suất cho vay lại tăng

Công ty TNHH MTV Thương mại dịch Vụ Huỳnh Thy là doanh nghiệp kinh doanh thiết bị cảng biển, vận tải, thiết bị công nghiệp, đại lý xe ô tô con, xe tải, xe đầu kéo và thiết bị xây dựng.

Ông Đỗ Thành Đạt, Giám đốc điều hành công ty cho biết, doanh nghiệp này đang vay vốn tại 3 ngân hàng, trong đó có một ngân hàng quốc doanh. Cuối quý III đầu quý IV/2021, khoản vay của công ty tại ngân hàng quốc doanh được giảm 1%/năm theo chương trình giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn của dịch Covid-19.

Lúc đó, lãi suất vay vốn ngắn hạn của công ty này được giảm xuống 6,8% tại ngân hàng quốc doanh nhưng chỉ áp dụng với gói vay mới; còn tại hai ngân hàng thương mại cổ phần còn lại từ 8 - 10%.

Tuy nhiên, đến nay, gói hỗ trợ lãi suất đã hết hạn, lãi suất vay vốn lại về như trước, thậm chí cao hơn. Trong đó, khoản vay tại ngân hàng quốc doanh đã lên 8,5%/năm.

Với kỳ vọng nền kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy tín dụng tăng mạnh trở lại. Dự báo kết quả kinh doanh ngành ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng tích cực trong năm 2022. Hầu hết các ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức khoảng 25 - 30% so với năm 2021. Chúng tôi dự báo tăng 20 - 25%.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

“Công ty đang cân nhắc chuyển khoản vay ở ngân hàng quốc doanh sang vay tại một ngân hàng tư nhân nhỏ hơn nhưng có ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu lãi suất 8,5% đến hơn 10% thì lấy đâu ra tiền để trả ngân hàng, trong khi doanh nghiệp còn rất nhiều chi phí khác?”, ông Đạt nói.

Không phủ nhận việc lãi suất cho vay tăng do áp lực từ phía đầu vào, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần xem xét theo góc độ thị trường.

“Từ giờ đến cuối năm, lãi suất nhích lên nhưng chắc sẽ không nhiều bởi Chính phủ quyết tâm kiềm chế lạm phát trên dưới 4% trong năm nay”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho hay, với lãi suất cho vay, các ngân hàng sẽ vẫn tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp nhưng trên cơ sở đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận.

Bên cạnh đó, kênh chứng khoán và bất động sản không mang lại lợi nhuận như trước cũng sẽ khiến tiền quay lại ngân hàng.

Trước áp lực từ cuộc đua tăng lãi suất huy động tác động lên lãi suất cho vay, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính hy vọng tác động này sẽ không quá lớn, lãi suất cho vay trong nửa cuối năm nay sẽ chỉ tăng nhẹ. Lý do là bởi Chính phủ vẫn đang nỗ lực giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay để phục hồi và phát triển kinh tế.

Trao đổi bên lề với PV Báo Giao thông tại hội nghị triển khai Nghị quyết 31 của Chính phủ về hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, các ngân hàng tăng lãi suất là câu chuyện thị trường.

Còn tại Agribank lãi suất cho vay vẫn luôn thấp nhất hệ thống, chưa kể các chương trình cho vay ưu đãi được Chính phủ quy định.

Ngoài Agribank, một số ngân hàng cũng đang tìm cách để hạn chế hoặc tăng lãi suất đầu ra một cách thấp nhất.

Đơn cử như tại ABBank, ông Nguyễn Khánh Phúc, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân cho biết, việc tăng lãi suất huy động được ngân hàng này tính toán kỹ để vừa đáp ứng quyền lợi của người gửi tiền, vừa không gây áp lực cho vay theo đúng định hướng của Chính phủ.

Kỳ vọng vào gói hỗ trợ 2% lãi suất

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, trong bối cảnh hiện nay, để hỗ trợ chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp nửa cuối năm cũng như năm tới, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Lãi suất vay vốn tại các ngân hàng nếu tăng thêm 0,5 - 1% vào cuối năm thì với gói hỗ trợ này, hy vọng lãi suất cho vay thực tế của doanh nghiệp sẽ giảm đi để phù hợp với quá trình phục hồi kinh tế.

img

Vì sao ngân hàng không hạ chuẩn cho vay hỗ trợ 2% lãi suất?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.