Xã hội

Doanh nghiệp muốn xây bảo tàng đường sắt tại dự án du lịch trên núi Hải Vân

23/10/2019, 20:51

Trước ý tưởng độc đáo này, tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu nhà đầu tư tách thành dự án riêng, xin ý kiến ngành chức năng.

img
Vị trí (khoanh đỏ) nghiên cứu thực hiện Dự án khu du lịch sinh thái Bãi Cả. Ảnh: UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ vừa có kết luận liên quan đến phương án đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Cả của nhà đầu tư Công ty CP đầu tư Bãi Cả, có địa chỉ tại phường Vỹ Dạ (TP Huế).

Kết luận nêu rõ chưa cho phép nghiên cứu khu du lịch tâm linh trong phạm vi thực hiện dự án. Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh, đề xuất của nhà đầu tư về việc xây dựng Khu nhà ga đường sắt và Bảo tàng đường sắt là ý tưởng nghiên cứu khá độc đáo, góp phần làm tăng giá trị dự án, UBND tỉnh ủng hộ. Tuy nhiên nội dung này thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT; nhà đầu tư tách thành dự án riêng, phối hợp Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp (QLKKTCN) tỉnh và các ngành để hoàn chỉnh dự án, báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Bộ GTVT theo quy định.

Dự án khu du lịch sinh thái Bãi Cả đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế thống nhất cho nghiên cứu đầu tư tại Thông báo kết luận số 82-KL-TU ngày 12/1/2018 và tỉnh có quyết định kêu gọi đầu tư vào ngày 7/12/2018.

img
Tàu qua núi Hải Vân đoạn thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế

Theo Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 8/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô đến năm 2025, quy hoạch khu du lịch Bãi Chuối (bao gồm Bãi Chuối và Bãi Cả) được điều chỉnh diện tích từ khoảng 120 ha thành khoảng 220 ha.

Theo phương án báo cáo suất đầu tư, tổng mức dự án khá thấp so với tiêu chí của dự án Khu du lịch cao cấp, tiến độ dự án 7 năm khá dài, UBND tỉnh đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu tính toán lại về suất đầu tư, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án; đánh giá cụ thể hiệu quả về KT-XH, dự kiến khả năng đóng góp cho ngân sách tỉnh khi dự án đi vào hoạt động; đồng thời làm rõ khả năng tài chính, phương án thu hồi vốn đầu tư, các cam kết thực hiện đầu tư.

Do địa hình khu vực nghiên cứu dự án có độ dốc khá lớn, phức tạp, nhà đầu tư cần khảo sát kỹ hiện trạng, địa hình, địa chất khu vực để nghiên cứu, có phương án tổ chức không gian, thiết kế xây dựng tối ưu, trong đó cần bổ sung phương án giao thông tiếp cận dự án, xem xét cân nhắc vị trí và diện tích bãi đỗ xe phù hợp; bổ sung các khu vui chơi giải trí, đa dạng các sản phẩm du lịch để tăng tính hấp dẫn cho dự án.

Theo Quyết định 2841 ngày 7/12/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án kêu gọi đầu tư là Khu du lịch sinh thái Bãi Cả, có địa điểm xây dựng tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế (phía Bắc giáp biển, các phía còn lại giáp núi Hải Vân). Quy mô dự án khoảng 212 ha, tổng mức đầu tư dự án trên 2.500 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự án không quá 3 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư dự án…

Theo đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế muốn kêu gọi xây dựng nơi đây trở thành một khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, đẳng cấp quốc tế, bao gồm các hạng mục đầu tư: Khu khách sạn, nghỉ dưỡng 4, 5 sao; Khu biệt thự cao cấp ven biển, biệt thự cao cấp ven đồi; Khu trung tâm mua sắm, dịch vụ ẩm thực; biểu diễn các hoạt động nghệ thuật; Khu vui chơi giải trí, các hoạt động thể thao; Khu bảo tồn động vật, công viên cây xanh; công trình phụ trợ phục vụ dự án. Xây dựng phương án quy hoạch khu vực du lịch tâm linh với phương án kiến trúc hài hòa thiên nhiên, hạn chế tối đa mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ. Xây dựng phương án kết nối giao thông giữa các khu chức năng trong khu du lịch phù hợp, thuận tiện kết nối; kết hợp với dịch vụ du lịch đường sắt…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.