Tài chính

Doanh nghiệp ngậm ngùi “ngồi nhìn” các gói hỗ trợ

17/10/2020, 06:40

Các gói hỗ trợ vẫn “ế” bởi điều kiện ngặt nghèo, phi thực tế.

img
Các doanh nghiệp dệt may có số lượng lao động rất lớn và cũng buộc phải cắt giảm đáng kể lao động, song đến nay chưa tiếp cận được gói hỗ trợ. Ảnh: Tạ Hải

Trong khi nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn sau tác động của 2 đợt dịch Covid-19 thì các gói hỗ trợ vẫn “ế” bởi điều kiện ngặt nghèo, phi thực tế.

Điều kiện hỗ trợ ngặt nghèo, phi thực tế

Ngay từ đợt dịch Covid-19 lần 1, Công ty CP Fitcom (Hà Nội) đã bị ảnh hưởng nặng nề khi các công trình xây dựng bị hoãn khiến cho việc cung ứng trang thiết bị và nội thất cũng bị dừng lại. Để cắt giảm nguồn tài chính, công ty đã cho nghỉ vô thời hạn một số nhân viên, những nhân viên còn lại là những người không thể thay thế và phải đảm nhiệm thêm nhiều việc.

Ông Lê Anh Tuấn, Tổng giám đốc công ty cho biết, doanh thu của công ty đến nay đã giảm hơn 50%. Theo ông Tuấn, dù suốt ngày báo đài đưa thông tin về các gói hỗ Covid-19, nhưng ông chỉ mới nghe về số tiền, còn làm như thế nào thì vẫn chưa rõ: “Phía địa phương cũng không có hướng dẫn gì cụ thể nên chúng tôi không biết phải đi đâu, đến đâu, gặp ai để hỏi”.

Ông Tuấn chia sẻ, hơn 1 tháng trước, ông đã đến các ngân hàng để hỏi vay với mong muốn nhận được lãi suất ưu đãi của các gói hỗ trợ nhưng đều bị từ chối vì phía ngân hàng cho rằng “rất khó”.

Theo ông Tuấn, khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận gói hỗ trợ là vì phần lớn thuộc diện nhỏ và siêu nhỏ nên quy cách tổ chức còn manh mún. Chẳng hạn, số doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động cũng không thể là 100% bởi còn có những nhân viên làm việc với hợp đồng thỏa thuận, không được tham gia bảo hiểm. Hơn nữa, vào thời điểm khó khăn vì Covid-19 thì công nợ cũng bị đội lên do không tất toán được hợp đồng, khiến tăng rủi ro khi kê khai tài sản, và đó là một “điểm trừ” trong điều kiện xin hỗ trợ.

“Vì thế, điều Nhà nước cần làm hiện nay là “thông đường dẫn” đến các gói hỗ trợ bằng cách đánh giá theo từng mô hình kinh doanh. Chẳng hạn, những công ty hoạt động dưới 15 người hiện ra sao, sẽ áp dụng điều kiện gì. Địa phương cũng cần hướng dẫn sát sao hơn để doanh nghiệp biết có những gói hỗ trợ nào họ có thể tiếp cận”.

Cùng hoàn cảnh, tổng giám đốc một công ty may lớn thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đang loay hoay với gói hỗ trợ cho người lao động (NLĐ). Tới nay công ty chỉ mới nhận được 50-60% đơn hàng may mặc, trong khi số nhân viên lên đến hơn 10.000 người, tiền bảo hiểm phải đóng chiếm tới 15-17% quỹ lương cho người lao động.

Lãnh đạo công ty cho biết, do đã làm việc nhiều năm với ngân hàng nên việc hoãn, giãn các khoản vay không khó khăn. Tuy nhiên, công ty lại không thể tiếp cận gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng bởi quy định phải chứng minh 50% người lao động thiếu việc làm.

Theo vị này, một công ty lớn, với số lượng lao động đông đảo mà còn khó tiếp cận như thế thì những doanh nghiệp khác khó có cơ hội. “Doanh nghiệp muốn tạo điều kiện cho lao động của mình vượt qua khó khăn, chỉ giảm bớt lương, thu nhập thì lại không đáp ứng điều kiện.

Trái lại, nếu doanh nghiệp buộc phải sa thải thêm nhân viên để đáp ứng điều kiện của chính sách thì lại không hỗ trợ được người lao động. “Kêu khó mãi, đề xuất mãi cũng không được tháo gỡ nên chúng tôi chấp nhận đi từng bước, khắc phục từng bước, trước mắt phải tính toán để duy trì sự tồn tại”, vị này nói và cho rằng, nếu tình hình hiện nay kéo dài, số lao động thất nghiệp sẽ tăng nhanh.

Theo nhận định của vị này, với tình hình hiện tại, khó khăn của doanh nghiệp chưa nói lên điều gì bởi nếu kéo dài sự ảm đạm từ nay đến cuối năm thì số lao động thất nghiệp sẽ tăng nhanh đáng lo, doanh nghiệp cũng cạn dần sức chống chọi.

76% doanh nghiệp chưa tiếp cận được gói hỗ trợ

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, hiện nay, gói kích thích kinh tế lần 1 với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 62 nghìn tỷ đồng tập trung hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội, lao động bị mất việc làm, bị giảm sâu thu nhập, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, sản xuất…

Đối với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, theo báo cáo từ Bộ LĐ, TB&XH, tính đến ngày 3/9, các địa phương đã giải ngân được 17.500/62.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 28%. Trong đó, 11.690 tỷ đồng, tương đương với 67% là hỗ trợ cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Chỉ có 33% còn lại, tương đương khoảng 5.800 tỷ đồng được hỗ trợ tất cả đối tượng còn lại.


Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện và sẵn sàng nguồn vốn 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho ngân hàng chính sách xã hội để dành cho các doanh nghiệp vay ưu đãi lãi suất 0% trả lương cho người lao động. Đồng thời, còn có gói hỗ trợ tín dụng lên tới 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 0,5-1% để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do các tổ chức tín dụng xây dựng.

Tuy vậy, theo khảo sát, có tới 76% doanh nghiệp được hỏi chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ; Chưa có doanh nghiệp nào được vay gói lãi suất 0%; Chỉ có khoảng 10% đã tiếp cận được việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay...

Theo ông Dũng, nguyên nhân là vì doanh nghiệp lo thủ tục để vay được các gói này còn khó hơn vay bình thường. Ngân hàng chủ yếu cho vay khách hàng quen, khách hàng mới rất ít.

Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã vào cuộc mạnh mẽ thông qua việc tiết giảm chi phí, cắt giảm lương, giảm lợi nhuận, không chia cổ tức... để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Ngoài các chương trình hỗ trợ 16 nghìn tỷ và 285 nghìn tỷ đồng thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm, miễn phí giao dịch thanh toán, đồng thời ban hành Thông tư 04/2020 điều chỉnh giảm 50% phí dịch vụ thanh toán trong nước qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Tính đến hết tháng 9, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 272.115 khách hàng với dư nợ 331.013 tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 493.815 khách hàng với dư nợ 1.161.315 tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số đạt 1.758.224 tỷ đồng cho 315.272 khách hàng…

Riêng đối với gói 16 nghìn tỷ đồng, vị này cũng thừa nhận đến nay vẫn chưa giải ngân cho bất kỳ doanh nghiệp nào bởi một phần do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã bắt đầu quay trở lại làm việc. Mặt khác doanh nghiệp chưa chủ động lập hồ sơ vay vốn, xác nhận các chế độ hỗ trợ khác cho người lao động do e ngại việc chứng minh khó khăn tài chính có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh…

“Tuy nhiên, hiện nay, Bộ LĐ, TB&XH đang được giao đầu mối phối hợp các Bộ, ngành trình Chính phủ sửa một số điều kiện tại Nghị quyết 42 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn. Đồng thời, đơn vị này cũng bổ sung sửa đổi các điều kiện để giúp doanh nghiệp tiếp cận được gói 16 nghìn tỷ đồng”, vị này thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.