Thế giới

Doanh nghiệp ngoại tại Trung Quốc lao đao vì đại dịch Covid-19

26/02/2020, 09:53

Nỗi lo ngại về ảnh hưởng từ dịch Covid-19 xuất hiện ở rất nhiều doanh nghiệp Mỹ có mối liên kết chặt chẽ với thị trường khổng lồ Trung Quốc.

img
Khách hàng tại một cửa hàng Apple Store xếp hàng chờ kiểm tra sức khoẻ trước khi vào cửa hàng

Tuần vừa qua, Apple, hãng sản xuất thiết bị điện tử của Mỹ đã hạ thấp chỉ tiêu lợi nhuận cho quý I/2020 vì lo ngại tác động từ dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Động thái này đã khiến các nhà đầu tư ở phố Wall cảnh giác và lập tức giá trị chứng khoán của Apple đã bị “thổi bay” 43 tỉ USD chỉ trong chưa đầy 3 giờ. Song, nỗi lo ngại về ảnh hưởng từ dịch Covid-19 cùng bất ổn đi kèm cũng xuất hiện ở rất nhiều doanh nghiệp Mỹ có mối liên kết chặt chẽ với thị trường khổng lồ Trung Quốc.

Phần nổi của tảng băng chìm

Apple được cho là một trong những công ty nước ngoài đầu tiên bị ảnh hưởng vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc về doanh số cũng như chuỗi cung ứng về phụ tùng và lắp ráp. “Chúng tôi tin rằng, việc Apple thu hẹp tham vọng về lợi nhuận chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có thể, sẽ còn khá nhiều công ty tương tự như Apple”, ông Dan Ives, nhà phân tích đến từ Wedbush Securities - công ty môi giới tại TP New York, Mỹ nhận định.

Khác với Apple, Walmart, chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới, vận hành trên 430 cửa hàng ở Trung Quốc cho biết, họ sẽ tiếp tục giám sát tình hình dịch bệnh nhưng không điều chỉnh dự báo lợi nhuận trong năm nay. Theo tập đoàn này, doanh số tại Trung Quốc không chậm lại bất chấp những diễn biến liên quan tới tình hình cách ly vì sức mua tại các cửa hàng của tập đoàn này vẫn cao.

Hơn 1/3 công ty niêm yết trên S&P 500 đã báo cáo kết quả trong năm nay, phải bàn lại ảnh hưởng từ dịch Covid-19 trong các hội nghị trực tuyến, theo công ty phân tích dữ liệu FactSet. Song, hiện tại, chưa có nhiều công ty chỉ ra được tác động từ dịch bệnh này với doanh nghiệp của họ mà tạm thời chỉ gọi đó là những “bất ổn” và “rủi ro tiềm tàng”.

Nhiều công ty công nghệ cũng đang phải cân nhắc những tác động có thể từ dịch bệnh. “Có sự bất ổn đáng kể liên quan tới tác động của Covid-19 đối với nhu cầu và nguồn cung cấp thiết bị cầm tay”, ông Akash Palkhiwala, Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Qualcom cho biết.

Một công ty lớn khác có chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng vì dịch viêm phổi cấp Covid-19 là Amazon với hơn 40% người bán trên nền tảng bán lẻ trực tuyến này đến từ Trung Quốc. Công ty của Mỹ đã yêu cầu các nhà cung cấp nên “dự trữ những sản phẩm nhập từ Trung Quốc, đề phòng khả năng chuỗi cung ứng bị chậm lại vì dịch bệnh”, theo báo cáo từ Business Insider.

Thị trường rủi ro nhưng không thể bỏ ngỏ

Vấn đề ở chỗ, các tập đoàn và công ty làm ăn với Trung Quốc lại không có đủ thông tin để đánh giá, dự đoán tình hình và lên kế hoạch dự phòng. Các nhà đầu tư nước ngoài từ lâu đều hiểu rằng, việc làm kinh doanh tại Trung Quốc đồng nghĩa họ phải đối mặt với tình trạng thiếu minh bạch cần thiết tại quốc gia này như việc kiểm soát dòng vốn rất sát sao, hạn chế dòng tiền ra vào quốc gia, chính quyền địa phương mập mờ trong tiến trình đấu thầu.

Nhiều công ty được niêm yết tại Trung Quốc xung đột hàng thập kỷ nay với các cơ quan quản lý chứng khoán về số lượng thông tin quá ít ỏi mà họ sẵn sàng công bố. Qua sự việc Bắc Kinh có thể “đóng cửa” nhiều thành phố lớn khi dịch bệnh bùng phát, có thể thấy quốc gia này có khả năng kiểm soát người dân rất cao nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu những báo cáo ban đầu về tình trạng lây nhiễm đã thực sự kịp thời và những dữ liệu chính thức mà họ công bố có chính xác hay không.

Chỉ trong vài tuần qua, phương thức kiểm đếm chính thức để quyết định đưa ra những thông báo mới nhất tình hình nhiễm bệnh mới đã thay đổi đến 3 lần dẫn đến sự biến động lớn về số ca nhiễm đột ngột, từ đó việc làm bảng biểu dữ liệu và xu hướng gần như không thể. Dịch Covid-19 lần đầu được báo cáo là vào tháng 12/2019, đến nay đã khiến 2.462 người tử vong và 78.770 người khác bị nhiễm trên toàn thế giới (số liệu tính đến 9h15 ngày 23/2).

Qualcomm hiện là nhà cung cấp chip cho điện thoại di động lớn nhất thế giới, có trụ sở tại San Diego, California, Mỹ nhưng 46% lợi nhuận của họ lại từ Trung Quốc. Trong một thông báo ngày 5/2, công ty này cho biết, họ có quá ít thông tin để có thể đưa ra phân tích trọn vẹn về tác động của dịch Covid-19.

Ông Steve Sanghi, Giám đốc điều hành của Microchip Technology - công ty sản xuất chip có trụ sở tại Arizona cho hay: “Chúng tôi vẫn đang ở những giai đoạn đầu để tìm hiểu tình hình dịch bệnh. Chúng tôi chưa thể định hình được thời gian còn lại của quý I này sẽ diễn ra như thế nào và tác động đến doanh nghiệp của chúng tôi ra sao”.

Dù đang tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng mà các doanh nghiệp toàn cầu cỡ lớn không thể ngó lơ. Dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng đối với Apple (công ty đang hưởng lợi 44 tỉ USD lợi nhuận từ Trung Quốc đại lục trong năm tài khoá 2019 hầu hết là từ việc bán sản phẩm điện thoại iPhone), việc rời bỏ thị trường này không nằm trong lựa chọn của họ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.