Thị trường

Doanh nghiệp ngoại thao túng ngành giấy, giá tăng không phanh

17/10/2018, 07:22

Từ năm 2017 tới nay, giá giấy liên tục tăng cao nhưng các doanh nghiệp giấy lại gặp khó khăn.

13

Sản xuất giấy tại Công ty CP Giấy Sài Gòn

Giá giấy tăng do khó nhập... phế liệu

Tại hội thảo Góp ý Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam ngày 16/10, ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc Công ty Giấy Việt Trì cho biết, thời gian qua có một số doanh nghiệp nhập khẩu giấy phế liệu dạng hỗn hợp (chưa phân loại, lẫn tạp chất) đã trà trộn cả phế liệu nhựa dẫn tới tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng tới cả ngành. Ông Hiển tỏ ra bức xúc bởi Công ty Giấy Việt Trì hết hạn nhập khẩu từ 15/7, trùng với thời điểm lưu container và lưu kho bãi nhiều và thời gian quy định siết nhập khẩu phế liệu dạng lẫn tạp chất. Vì thế, hơn 3 tháng qua công ty này đã phải giảm hoạt động sản xuất kinh doanh do không nhập khẩu được phế liệu. Ước tính, sản lượng của quý III giảm tới 75% so với quý II.

Theo ông Phạm Đình Thưởng, chuyên gia phân tích chính sách, ngày 14/9 vừa qua, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư 08/2018/TT-BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường nhằm hạn chế nhập khẩu phế liệu nói chung, trong đó có phế liệu giấy với yêu cầu phế liệu giấy nhập khẩu không lẫn tạp chất, các hóa chất nguy hại như phóng xạ... Các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, quy định này càng khiến việc nhập khẩu phế liệu giấy dạng hỗn hợp khó khăn. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu giấy dạng đã phân loại chi phí đầu vào tăng khoảng 37%, đẩy giá thành sản phẩm tăng mạnh.

Trong bối cảnh giá giấy liên tục tăng cao kể từ năm 2017 tới nay, các doanh nghiệp trong ngành kiến nghị được nhập khẩu phế liệu giấy dạng hỗn hợp để giảm giá thành, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và siết đầu ra (tức là siết tuân thủ quy định về môi trường như tiêu chuẩn nước thải, khí thải...) thay vì kiểm soát chất lượng đầu vào như hiện nay; Đồng thời, áp dụng phân luồng thông quan để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định của pháp luật được thông quan hàng nhanh, khắc phục tình trạng hàng chờ kiểm định phải lưu kho bãi và bị các hãng vận chuyển phạt vì thời gian chờ ở cảng quá dài.

Tương lai buồn của ngành giấy

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy, Việt Nam tiêu thụ 3,5 triệu tấn mỗi năm, trong đó giấy in 350.000 tấn, giấy bao bì 2,5 triệu tấn, tissue 195.000 tấn, còn lại là các loại giấy khác. Nhu cầu giấy trong 10 năm tới dự báo trên 10%, đặc biệt giấy bao bì trên 15%/năm, nhu cầu đến năm 2025 riêng giấy bao bì là trên 10 triệu tấn.

Giấy in báo phải nhập khẩu hoàn toàn

“Giá giấy in báo tăng cao bởi trong nước hiện không còn doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này nữa. Trước đây, có Công ty Giấy Tân Mai, Công ty Giấy Bãi Bằng sản xuất nhưng sau khủng hoảng kinh tế giai đoạn năm 2007-2010, nhu cầu giấy in báo sụt giảm mạnh khiến doanh nghiệp giảm sản lượng mảng này và sau đó không khôi phục được dẫn đến mảng giấy in báo “chết”. Và hiện nay, giấy in báo phải nhập khẩu hoàn toàn”.

Ông Phan Chí Dũng
Nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương

Chia sẻ với PV Báo Giao thông bên lề hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiển cho biết, hiện ngành giấy có vài doanh nghiệp FDI nhưng chiếm tới 48% thị phần. Doanh nghiệp nội ngoài Tổng công ty Giấy Việt Nam có tới 300 doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp tư nhân nhưng chỉ chiếm 52% thị phần còn lại. “Với đà này, chỉ 3 - 7 năm nữa, các doanh nghiệp FDI sẽ chiếm 75% tổng sản lượng”, ông Hiển tâm tư.

Ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương cho rằng, 300 doanh nghiệp giấy của Việt Nam hiện nay khó cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI về công nghệ, vốn... Hơn nữa, xét về phân khúc, trong số 300 doanh nghiệp giấy trong nước chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp làm được lớp giấy mặt (phần lớp đắt nhất), còn lại chỉ làm được phần giữa của giấy. “Doanh nghiệp FDI đã giàu lại làm lớp mặt. Doanh nghiệp trong nước đã nghèo lại càng luẩn quẩn”, ông Dũng nói và cho biết, sau khi cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp giấy không “thay da đổi thịt” được như mong muốn, không gọi được vốn trên thị trường chứng khoán, điều hành và quản trị không cải tiến nên dẫn đến sự đi xuống của một loạt nhà máy như Tân Mai.

Các doanh nghiệp trong nước số lượng nhiều lại yếu kém có nghĩ tới chuyện hợp nhất, sáp nhập lại để tăng năng lực cạnh tranh hay không? “Cũng nghĩ ra chuyện sáp nhập nhưng với suy nghĩ manh mún, tinh thần hợp tác lại chưa có. Tôi buồn về tương lai các doanh nghiệp giấy trong nước”, ông Hiển nói.

Một vấn đề mất cân đối và lãng phí trong ngành nữa là một năm Việt Nam xuất khẩu tới 9-10 triệu tấn dăm. “Chúng ta còng lưng trồng keo rồi xuất dăm đi. Đây là khoản sinh lời nhất thì bỏ qua. Sau đó, lại nhập bột giấy về”, ông Phan Chí Dũng chỉ rõ thực tế. “Còn nếu nhập khẩu phế liệu giấy thì đỡ phải khai thác rừng nhưng nếu không kiểm soát tốt thì lại nhập khẩu rác và có thể dẫn tới ô nhiễm môi trường nếu không xử lý tốt. Đó là mặt trái của nhập khẩu nguyên liệu”, ông Dũng nói. Chính phủ đang phát động không dùng ni lông, do đó triển vọng ngành giấy mà cụ thể là bao bì sẽ còn tăng mạnh. Do đó, ông Nguyễn Việt Đức, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho rằng, các doanh nghiệp phải tìm cách tận dụng được cơ hội này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.