Tài chính

Doanh nghiệp “ngóng” gói hỗ trợ Covid-19 đến bao giờ?

19/03/2021, 06:26

Cơ quan quản lý cho biết chưa thể ban hành ngay gói hỗ trợ Covid-19 vì còn chờ doanh nghiệp… góp ý!

img

Gói hỗ trợ lần 2 được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất với tổng kinh phí khoảng 18.600 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên đến nay, phía Bộ LĐ-TB&XH và Bộ KH&ĐT đều chưa đưa ra được mốc thời gian cụ thể thực thi gói hỗ trợ lần 2 này. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Trong khi các doanh nghiệp đang mong ngóng từng ngày về gói hỗ trợ Covid-19 lần 2, cơ quan quản lý lại cho biết chưa thể ban hành ngay vì còn chờ doanh nghiệp… góp ý!

Càng để lâu, doanh nghiệp càng kiệt quệ

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, trong quý I/2020, Công ty bị đứt nguồn cung, sang quý II lại đứt nguồn cầu.

Còn quá sớm để khẳng định Việt Nam đã chiến thắng được đại dịch Covid-19. Đối với nền kinh tế, những nghiên cứu và đánh giá sơ bộ cho thấy, bức tranh chung là sự tàn phá nặng nề của đại dịch đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người lao động. Trong đó, doanh nghiệp đã chịu rất nhiều tổn thất và sự chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước những giới hạn. Do đó, các chính sách hỗ trợ rất cần phải rất kịp thời...
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI


Nhờ nhanh chóng chuyển sang sản xuất khẩu trang từ vải nano kháng khuẩn đúng thời điểm sốt giá, doanh thu năm 2020 của công ty chỉ giảm 30%, khoảng 1,6 vạn lao động may mắn không ai mất việc làm, thu nhập ổn định.

“Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội, tôi nhận thấy khó khăn nhất với doanh nghiệp hiện nay chính là nguồn vốn. Vốn bây giờ không khác gì dòng máu nuôi cơ thể, do đó trong gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, nên hạn chế các rào cản, chấp nhận cho doanh nghiệp vay tín chấp”, ông Thời chia sẻ.

Theo ông Thời, ngoài việc gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất như đề xuất của Bộ Tài chính, cũng cần xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tùy theo từng quy mô, ngành nghề sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí.

“Chính phủ nên tiếp tục hỗ trợ trong năm 2021, thậm chí đến năm 2022. Tương tự, chính sách bảo hiểm cũng nên hỗ trợ thêm, đặc biệt là những doanh nghiệp có nhiều lao động. Ví dụ, TNG mỗi tháng phải đóng tới 22 tỷ đồng bảo hiểm, nếu được tạm giãn, tạm hoãn thì doanh nghiệp sẽ có thêm vốn đầu tư”, ông Thời đề xuất.

Góp ý vào gói hỗ trợ lần 2 đang được các bộ ngành liên quan xây dựng, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty Nam Sơn (Thái Nguyên) bày tỏ mong muốn doanh nghiệp được miễn, giảm đóng BHXH cho người lao động.

“Đây là một gánh nặng quá lớn đối với doanh nghiệp”, ông Sơn giãi bày và cho rằng, gói hỗ trợ lần 2 quá chậm trong bối cảnh doanh nghiệp đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch lần thứ 2, rồi lại vừa nhận thêm một “cú đấm” nữa khi dịch bùng phát lần thứ 3. Vì thế, gói hỗ trợ lần này nếu càng để lâu, doanh nghiệp sẽ càng kiệt quệ, khó có cơ hội phục hồi.

Tiếp cận thuế dễ, tín dụng khó

Đánh giá về mức độ tiếp cận các gói hỗ trợ, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI thừa nhận, trong các gói hỗ trợ (gồm gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ thuế phí 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ trả lương cho lao động 16.000 tỷ đồng) thì các chính sách gia hạn về thuế dễ tiếp cận nhất, còn chính sách vay tín dụng lãi suất 0% trả lương cho lao động khó tiếp cận nhất.

Ông Tuấn cho biết, đa số doanh nghiệp mong muốn được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giãn thuế, gia hạn nộp thuế; giảm, miễn, gia hạn khoản đóng BHXH. Đặc biệt, các Bộ ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn chi tiết cụ thể, đầy đủ thủ tục, quy trình thực hiện, dễ thực hiện.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 2/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu một số Bộ ngành liên quan chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do dịch, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, các giải pháp tập trung như kích cầu đầu tư, giảm phí, miễn giảm một số khoản mà quy định pháp luật cho phép, tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ thứ 2. Đặc biệt, việc này phải được thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, đến nay, phía Bộ LĐ-TB&XH và Bộ KH&ĐT đều chưa đưa ra được một mốc thời gian cụ thể thực thi gói hỗ trợ lần 2 này.

“Chờ doanh nghiệp góp ý”

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh chia sẻ: “Bộ đang giao các đơn vị tham mưu, nghiên cứu kỹ, tránh như lần trước (gói hỗ trợ lần 1 - PV). Quan trọng là đưa ra được đúng những thứ mà doanh nghiệp đang cần”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, gói 62.000 tỷ đồng đã triển khai cơ bản xong, hiện Bộ đang tập trung vào việc xây dựng gói hỗ trợ lần 2 cùng với Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính.

Trong lĩnh vực quản lý của Bộ LĐTB&XH, có ba vấn đề được quan tâm là bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội và đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp. Qua khảo sát cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đã đề xuất giãn, giảm hoặc miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội.

“Trước đây, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã đề xuất cho các doanh nghiệp tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội đến tháng 12/2020. Tuy nhiên việc này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, ngay cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không quyết được. Phương án này rất khó! Còn miễn thì chắc chắn không được. Bởi miễn đồng nghĩa với việc họ mất quyền lợi, nguyên tắc của bảo hiểm là đóng - hưởng, tức có đóng mới có hưởng, không đóng không được hưởng”, ông Thanh nói.

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ lần trước, ông Thanh cho biết, những khoản hỗ trợ về tiền đã được thực hiện xong, còn những gói về chính sách vẫn luôn được nghiên cứu và tháo gỡ theo tình hình thực tế. Riêng gói cho vay để hỗ trợ người lao động mất việc có rất ít doanh nghiệp tham gia.

“Nhưng cái chính là doanh nghiệp họ không mặn mà. Cho vay trả lương người đang lao động thì họ sẵn sàng nhưng cho vay người nghỉ việc rồi họ lại không. Một người đang làm việc sao mình phải hỗ trợ, trong khi người thiệt hại là người mất việc rồi?”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Thanh cũng cho biết, doanh nghiệp muốn miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế nhưng thẩm quyền của Chính phủ chỉ có thể giãn chứ không giảm và cũng không miễn được. Tương tự, việc vay ngân hàng, ngân hàng cũng chỉ có thể cho giãn và giảm lãi suất, điều này cũng đã được thực hiện.

“Hiện vẫn chưa thể đưa ra được một mốc thời gian cụ thể, bởi chúng tôi cần phải lấy ý kiến từ phía doanh nghiệp”, ông Thanh lý giải vì sao đến nay gói hỗ trợ chưa được ban hành.

Còn theo đại diện Bộ KH&ĐT, việc xây dựng gói hỗ trợ lần 2 cho năm 2021 và kéo dài thêm một số năm sau đó không thể làm một sớm một chiều, mà đòi hỏi công tác giám sát, nắm bắt tình hình thường xuyên, liên tục, chặt chẽ mới đề ra được giải pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, còn phải căn cứ vào các điều kiện về mặt nguồn lực, cũng như cách thức triển khai các giải pháp đề ra. “Trên cơ sở nắm bắt tình hình tác động của dịch Covid-19 và các khó khăn của nền kinh tế, Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng về gói hỗ trợ trong thời gian sớm nhất”, vị này cho biết.

Trong năm 2020, kết quả triển khai Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các địa phương đã hỗ trợ 31.500 tỷ đồng đảm bảo đời sống và hỗ trợ việc làm cho người dân, người lao động. Trong đó ngân sách Nhà nước chi trực tiếp 12.900 tỷ đồng cho trên 13 triệu người dân bị ảnh hưởng.

Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.