Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Nhà nước "ế" vốn đầu tư ngoài ngành

03/04/2014, 17:44

Nhiều tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng cho biết, khó thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo lộ trình, bởi đã tổ chức đấu giá nhiều lần mà vẫn... ế!

Tập đoàn Dệt may sẽ hoàn thành CPH trong năm 2014
Tập đoàn Dệt may sẽ hoàn thành CPH trong năm 2014


Cổ phần hóa Hàng không, Dệt may 


Tại hội nghị “Đẩy mạnh tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước Khối doanh nghiệp T.Ư đến năm 2015” do Đảng ủy khối Doanh nghiệp T.Ư tổ chức, (2/4), ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư cho biết, Đảng bộ khối có 32 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng - chiếm khoảng 95% tổng số doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên toàn quốc, trong đó có 28 DNNN thuộc diện tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2015. Đến nay, đã có 24 đề án tái cơ cấu được phê duyệt, đều theo mô hình công ty mẹ - công ty con; trong đó có 15 công ty mẹ Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ; 9 công ty mẹ cần tiến hành cổ phần hóa. 
 

"Để hỗ trợ lộ trình tái cơ cấu, Chính phủ sẽ làm hết sức mình nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, những vướng mắc, phát sinh từ thực tiễn sẽ xử lý rốt ráo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực xây dựng chương trình, kế hoạch để xây dựng lộ trình tái cơ cấu; đổi mới quản trị, phương thức sản xuất kinh doanh hiệu quả; cơ cấu lại nhân lực và lao động, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo... để tái cơ cấu hiệu quả, kịp thời, đồng thời cũng đáp ứng được các yêu cầu hội nhập quốc tế”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh

Trong 9 công ty mẹ cần tiến hành cổ phần hóa, hiện có 3 công ty mẹ đã thực hiện xong là Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Thép. Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Hàng không sẽ cổ phần hóa trong năm 2014 và năm 2015, cổ phần hóa 4 tổng công ty còn lại là: Hàng hải, Sông Đà, Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị, Công nghiệp Xi măng. 

Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, các doanh nghiệp trong khối đã giữ được hiệu quả hoạt động tốt. So với năm 2011, tổng doanh thu năm 2013 đã tăng 8,3%; lên 1.804.821 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 34%, lên 1.034.588 tỷ đồng; tổng lợi nhuận tăng 25,7% lên 90.396 tỷ đồng, nộp ngân sách tăng 25,3%, lên 297.023 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới có 10 trong tổng số 80 doanh nghiệp cần cổ phần hóa thực hiện xong. “Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do hầu hết các đề án tái cơ cấu đều mới được phê duyệt (năm 2013 có 18 đề án, năm 2012 có 5 đề án, năm 2011 có 1 đề án); các cơ chế, chính sách chưa được ban hành kịp thời, đồng bộ; 3 năm qua tình hình kinh tế, tài chính khó khăn và cũng có sự thiếu quyết liệt từ các doanh nghiệp”, ông Ngọc nhìn nhận.

Thị trường khó hấp thụ?


Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho biết, dù Nghị định 15/NQ-CP đã gỡ khó, cho phép doanh nghiệp thoái vốn dưới mức đã đầu tư, nhưng trong thời điểm kinh tế khó khăn, chứng khoán giảm sâu, bất động sản đóng băng... việc bán một lượng lớn cổ phiếu ra ngoài thị trường rất khó khăn, kể cả khi định giá thấp. Ông Trần Ngọc Thuận - Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho hay, khá nhiều công ty của Tập đoàn đã tổ chức đấu giá nhiều lần nhưng không thành công. Ngoài ra, quy định hiện hành yêu cầu tất cả các khoản thoái vốn đều phải đấu giá trên sàn giao dịch chứng khoán, tuy nhiên trong một số trường hợp doanh nghiệp không thể tổ chức bán đấu giá do bị ràng buộc về nghĩa vụ bảo lãnh khoản vay của Tập đoàn với công ty thoái vốn. Một số dự án liên quan đến đầu tư nước ngoài  theo cam kết của Chính phủ Việt Nam và nước sở tại (chủ yếu là thủy điện) đều trong giai đoạn đầu tư nên khó thoái vốn...


Mặc dù đã tiến hành thoái vốn được 200,6 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư 296,8 tỷ đồng với số tiền thu về lên tới 427,2 tỷ đồng, nhưng ông Phạm Ngọc Minh - Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam vẫn “than khó” với quy định hiện hành, vì không thể thoái vốn ở những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ. Hiện Luật Chứng khoán (điều 12) vẫn quy định việc chào bán cổ phiếu ra công chúng phải đáp ứng điều kiện báo cáo tài chính năm liền trước năm đấu giá của doanh nghiệp không lỗ và không phát sinh lỗ lũy kế, nên những đơn vị có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2012 lỗ và lỗ lũy kế vẫn không được phép tổ chức bán đấu giá để thoái vốn. Báo cáo của Tổng công ty Sông Đà cũng cho biết, chính quy định này khiến việc thoái vốn của Tổng công ty không thể theo đúng lộ trình đã được Bộ Xây dựng phê duyệt.


Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngọc đề xuất, với các khoản vốn đầu tư chéo giữa các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng; cần cho phép các đơn vị này mua lại, chuyển nhượng số vốn đang góp theo giá trị sổ sách hoặc sự thỏa thuận, chứ không cần đấu giá qua sàn. 


Nùng Thị Bún
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.