Doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ trầy trật vay vốn

11/10/2017, 07:06

Các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ phải chứng minh: Làm ăn nghiêm chỉnh, minh bạch thông tin với ngân hàng, tâm huyết...

12

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận vốn tín dụng - Ảnh: Tạ Tôn

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết vẫn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng vì yêu cầu tài sản thế chấp trong khi đất đai của doanh nghiệp chủ yếu đi thuê. Trong khi đó, nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) rất hạn hẹp.

Khó tiếp cận gói tín dụng công nghệ cao

Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và dự kiến xây dựng gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này cho biết vẫn rất khó tiếp cận vốn.  

Ông Lâm Văn Chiểu, Phó giám đốc Công ty TNHH Cường Tân - doanh nghiệp sản xuất giống lúa lai F1 hàng đầu Việt Nam - đang đầu tư sản xuất tập trung trên cánh đồng mẫu lớn với số vốn 60 triệu đồng/ha, cho biết, để đảm bảo chất lượng giống lúa và giảm tổn thất sau thu hoạch, công ty phải ứng dụng công nghệ cao cho từng công đoạn sấy, rê, sàng, phân loại, bảo quản lưu kho lạnh từ 1-2-3 vụ...  Ngoài đầu tư cho diện tích canh tác, doanh nghiệp cũng phải ứng trước vốn lúa giống cho bà con nông dân nên rất cần vay vốn. Tuy nhiên, do đất sản xuất là đất thuê lại của bà con nông dân nên không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn. Dù đã đề nghị được hỗ trợ lãi suất vay theo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ cao để tăng tỷ lệ vốn vay dài hạn, mạnh dạn đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được vốn.

Chung mối quan tâm, ông Trần Quốc Toản, Công ty TNHH Toản Xuân đề nghị làm rõ các khái niệm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, từ đó xây dựng bộ tiêu chí cụ thể để áp dụng chính sách cho vay vốn. Công ty TNHH Toản Xuân có chuỗi sản xuất gạo sạch Toản Xuân (tại Nam Định) đang quản lý diện tích trên 500ha lúa chất lượng cao, cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 tấn gạo đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. “Lãi suất cho doanh nghiệp nông nghiệp ở mức khoảng 5% thì doanh nghiệp mới dám đầu tư”, ông Toản đề nghị.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối DNNVV (VPBank) thừa nhận, DNNVV khó vay vốn vì không có tài sản đảm bảo, rất sợ sự phức tạp của thủ tục ngân hàng và không có báo cáo tài chính chuẩn đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. Bên cạnh đó, các DNVVN thường có thời gian thành lập ngắn trong khi tiêu chí của ngân hàng là phải thành lập từ 2 – 3 năm trở lên, có lợi nhuận từ 3 năm liên tiếp. Tuy nhiên, tại VPBank, ông Hưng cho biết, ngân hàng “dám cho các DNNVV vay tín chấp”. Ngân hàng này cũng sẵn sàng cho các doanh nghiệp mới thành lập từ 6 tháng vay vốn. “Đổi lại, chúng tôi muốn các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ chứng minh 3 vấn đề: Làm ăn nghiêm chỉnh, minh bạch thông tin với ngân hàng, tâm huyết về ngành kinh doanh (không dùng vốn vay để đầu tư ngoài ngành). Nếu đáp ứng được 3 yêu cầu trên thì doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn một cách dễ dàng”, ông Hưng nói.

Hạn hẹp nguồn lãi suất ưu đãi

Không chỉ khó tiếp cận với vốn ngân hàng do tiêu chí khắt khe mà các DNNVV cũng khó vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ DNNVV (Bộ KH&ĐT). Bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ DNNVV cho biết, DNNVV vay vốn từ quỹ sẽ được ưu đãi lãi suất thấp hơn, chỉ 5,5% vay ngắn hạn, 7% trung và dài hạn. Mức lãi suất này sẽ không điều chỉnh theo thị trường mà được cố định suốt thời hạn vay. Doanh nghiệp vay vốn từ quỹ này cũng bị yêu cầu tài sản thế chấp ít hơn (không quá 100% tổng giá trị khoản vay), được ưu tiên sử dụng tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay… Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, quy mô của quỹ chỉ dừng ở 2.000 tỷ đồng là quá nhỏ, chỉ tương đương vốn của một doanh nghiệp lớn sẽ khó có thể hỗ trợ được rộng rãi các doanh nghiệp và cũng không thể bảo lãnh được. Do đó, “nên làm sao có được 200 nghìn tỷ đồng và các địa phương đóng góp”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị.

Bà Hồng giải thích: “2.000 tỷ đồng là nhỏ trên tổng số DNNVV nhưng chúng tôi xác định đây chỉ là vốn mồi và đối tượng vay phải thuộc nhóm chúng tôi hỗ trợ”. Theo thông tin từ quỹ, đến nay quỹ đã uỷ thác qua 4 ngân hàng với số vốn trên 150 tỷ đồng cho 17 dự án đầu tư xây dựng cơ bản với thời hạn 5-7 năm. Tổng số vốn gốc (chưa kể vốn đối ứng) cho vay các doanh nghiệp đạt 570 tỷ đồng. Còn nếu tính cả vốn liên kết từ các ngân hàng và vốn đối ứng từ các doanh nghiệp thì con số đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Trước ý kiến cho rằng số doanh nghiệp biết và tiếp cận quỹ chưa nhiều, bà Hồng cho biết, tới nay đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp tiếp cận quỹ vay vốn và yêu cầu hỗ trợ thông tin. “Thông tin không chỉ một chiều là từ các cơ quan cho vay mà phải từ cả phía doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng phải công khai thông tin của mình, từ đó mới có thể thiết kế cho vay và đầu tư vốn, điều kiện cho vay sẽ nới lỏng hơn”, bà Hồng nói và cho biết, quỹ sẽ kết nối hình thành cơ sở thông tin, cùng các bộ, ngành làm đồng bộ cơ sở thông tin. Từ đó, chỉ cần truy cập một “cổng” có thể biết được thông tin về doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng chỉ cần “gõ” một nơi cũng có thể khai thác được thông tin. “Từ 1/1/2018, Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực, mong rằng các cơ quan cũng kịp thời ban hành các Nghị định, thông tư hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV”, bà Hồng kiến nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.