Doanh nghiệp

Doanh nghiệp sợ bị thù nếu đòi bỏ “giấy phép con”

14/05/2015, 20:56

Trước sự e ngại của các doanh nghiệp về việc vẫn sẽ xuất hiện những văn bản có tính “nhắc nhở”...

41
Các doanh nghiệp quảng cáo đang bị ràng buộc bởi rất nhiều điều kiện
(Ảnh minh họa)

Trước sự e ngại của các doanh nghiệp (DN) về việc vẫn sẽ xuất hiện những văn bản có tính “nhắc nhở”,”yêu cầu” dù Luật Đầu tư sửa đổi và Luật DN sửa đổi có hiệu lực từ 1/7 tới, các chuyên gia cho rằng, bản thân DN cũng cần đấu tranh với những gì cản trở hoạt động, quyền tự do kinh doanh đúng pháp luật của DN.

Can thiệp hành chính quá mức

Theo thống kê của Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung, hiện nay số văn bản về điều kiện kinh doanh của 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện lên tới 5.585 văn bản, riêng số văn bản được ban hành bởi các thông tư đã lên tới con số 1.697. Trong đó, hầu hết các điều kiện đều nằm trong cảnh báo “tám không” mà ông Cung đưa ra lâu nay như: Không cụ thể, không hiệu quả, không hiệu lực, không tiên lượng được, không công bằng…

“Trong 5.585 điều kiện này, có tới hàng nghìn điều kiện do thông tư các bộ ngành ban hành, thậm chí do cấp UBND huyện ban hành, trong khi luật quy định chỉ có cấp luật và nghị định mới được ban hành. Điều này thể hiện sự can thiệp hành chính một cách quá mức của các cấp quản lý trong hoạt động kinh doanh, dẫn đến việc phải đẻ ra các công văn điều hành để giải quyết cụ thể từng vấn đề của DN. Điều này cũng làm nặng thêm cơ chế xin - cho, tạo sự bất bình đẳng và thiếu nhất quán”, ông Cung nói.

Sau ngày 1/7 tới, khi Luật DN sửa đổi có hiệu lực, 1.697 điều kiện này đương nhiên bị bãi bỏ. Cũng từ 1/7, các bộ, UBND tỉnh, thành phố cũng sẽ không được quyền ban hành quy định điều kiện kinh doanh. Theo ông Cung, đây là một bước ngoặt lớn, giảm rủi ro, chi phí cho DN, cải thiện rất nhiều môi trường kinh doanh của Việt Nam, khích lệ tinh thần kinh doanh của DN sau thời kỳ khó khăn từ năm 2008-2011 và thời kỳ trăn trở từ năm 2011-2014. Nếu làm được thì thời gian tới, sẽ có thêm nhiều DN được thành lập mới và mở rộng kinh doanh.

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy

Môi trường kinh doanh sẽ thông thoáng hơn, nhưng ông Trần Hùng, đại diện cho Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam vẫn chưa hết lo. Vì ngành quảng cáo hiện nay bị ràng buộc bởi rất nhiều điều kiện, không chỉ ở các văn bản có tính chất pháp luật mà cả ở những văn bản, công văn, giấy tờ có tính chất “nhắc nhở” khác.

“Nếu theo đúng quy định trong các văn bản “nhắc nhở”, “yêu cầu” mà làm, thì chúng tôi có thể kiện, nhưng cũng chỉ là “con kiến kiện củ khoai”. Sau hai năm thực hiện Luật và nghị định về quảng cáo, chúng tôi đã làm kiến nghị lên văn phòng Quốc hội, văn phòng Chính phủ và 10 bộ, ngành liên quan từ tháng 12 năm ngoái nhưng nay mới nhận được ý kiến của hai bộ nói sẽ bảo lưu ý kiến, còn 10 đơn vị không có hồi âm. Ngay cả Sở Văn hóa mời các DN đi họp để phản ánh tình hình thì cũng không có DN nào dám nói, vì DN sợ bị thù sẽ không được cấp phép quảng cáo nữa”, ông Hùng giải thích.

"Hội nhập, chúng ta không thể loanh quanh “sân nhà” mà phải tạo “sân chơi” hoàn toàn tương thức với bên ngoài để DN tập trung kinh doanh, đổi mới sáng tạo, cạnh tranh với bên ngoài”.

Viện trưởng CIEM nhìn nhận

Tuy nhiên, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, DN phải thay đổi tư duy, phải dũng cảm, minh bạch đấu tranh với những gì sai luật, bởi “nếu không thì DN sẽ cứ nhỏ dần và môi trường kinh doanh sẽ đi theo cách không chính thức. Với những văn bản trái luật, DN trước hết không chấp hành, không tuân thủ”.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quốc tế Việt Nam “mách nước” các DN sử dụng ba công cụ là khiếu nại, tố cáo và khởi kiện đã được pháp luật cho phép. “Hội đồng sẵn sàng lên tiếng, kiện thay các DN. Ngoài ra, các DN nên kêu gọi sự vào cuộc của các DN, Hiệp hội có liên quan và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam”, ông Huỳnh nói.

Luật sư Ngô Việt Hòa, Công ty Luật Russin & Vecchi đề xuất thành lập ngay một “ban đặc nhiệm” về rà soát điều kiện kinh doanh giúp Chính phủ xử lý vấn đề này. “Ban đặc nhiệm” sẽ được trao quyền tối đa để “dọn dẹp” tất cả các điều kiện kinh doanh bất hợp pháp, bất hợp lý, bất bình đẳng… cản trở hoạt động, quyền tự do kinh doanh của DN. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.