Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thiệt hại nặng vì thư khuyến cáo

15/06/2016, 11:36

Doanh nghiệp dùng "Thư khuyến cáo" gửi khách hàng, khiến đối thủ gây thiệt hại kinh tế, hoang mang dư luận.

1_201786

Bìa nhãn hiệu sản phẩm gây tranh cãi

Doanh nghiệp thiệt nặng vì "Thư khuyến cáo"

Quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp tại nước ta luôn là một đề tài nóng. Việc tranh chấp thương hiệu, nhãn mác đã và đang gây hậu quả tiêu cực tới nhiều hoạt động kinh doanh trong nước. Đáng chú ý nhất là trong thời gian qua có doanh nghiệp thậm chí còn gửi thư "Thư khuyến cáo" với nội dung tố đơn vị khác vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, ngày 11/4/2016, Công ty NNHH Nhất Nhất đã gửi nhiều thư “Thư khuyến cáo” tới các khách hàng của công ty này và Công ty dược thảo Hoàng Thành. Nội dung thư cho rằng nhãn sản phẩm “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe – Hoạt huyết Hoàng Thành” có ghi do Cơ sở dược thảo Nhất Nhất sản xuất “có thể” đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty TNHH Nhất Nhất.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Trường, Chủ Cơ sở dược thảo Nhất Nhất cho biết bản thân rất bức xúc và khẳng định rằng sản phẩm của đơn vị mình đã được cơ quan quản lý cấp phép và lưu hành nhiều năm qua.

Theo ông Trường, trước đây, Cơ sở dược thảo Nhất Nhất (xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) sản xuất sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất và Công ty TNHH Nhất Nhất là đơn vị phân phối độc quyền.

Tuy nhiên, năm 2015, Cơ sở dược thảo Nhất Nhất dừng sản xuất thuốc đông y và chuyển sang sản xuất thực phẩm chức năng. Từ thời điểm này, Cơ sở dược thảo Nhất Nhất đã chấm dứt ủy quyền phân phối sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất đối với Công ty TNHH Nhất Nhất.

Năm 2016, cơ sở này sản xuất sản phẩm “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe – Hoạt huyết Hoàng Thành” (đã đăng ký quảng cáo với Cục quản ý Dược, Bộ Y yế) và Công ty TNHH Dược thảo Hoàng Thành là doanh nghiệp phân phối duy nhất.

Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH dược thảo Hoàng Thành, bà Phạm Thị Hoài cho biết, hiện doanh số bán hàng của đơn vị này giảm mạnh do "Thư khuyến cáo" nói trên.

"Chúng tôi không làm hàng giả, hàng nhái. Chúng tôi có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, làm việc đúng với pháp luật Việt Nam", bà Hoài nói.

Luật sư nói gì?

Liên quan đến nội dung “Thư khuyến cáo” nói trên, PV đã có trao đổi với luật sư Nguyễn Huy An (Văn phòng luật sư Huy An, người đại diện pháp lý của Cơ sở dược thảo Nhất Nhất) để làm rõ.

Luật sư An cho biết: "Thứ nhất, để khẳng định có vi phạm hay không vi phạm là quyền của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (cụ thể là Cục sở hữu trí tuệ). Để khẳng định có vi phạm hay không phải căn cứ vào tài liệu chứng cứ do các bên cung cấp, căn cứ vào quy định của pháp luật mới có thể kết luận".

"Thứ hai, khi chưa có văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà Công ty TNHH Nhất Nhất gửi thư khuyến cáo như vậy thì có dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh".

Cũng về vấn đề nêu trên, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, hành vi của Công ty TNHH Nhất Nhất là hành vi pháp luật nghiêm cấm, được quy định rất cụ thể tại Điều 43 Luật Cạnh tranh: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.

Ngoài ra, hành vi của Công ty TNHH Nhất Nhất còn có dấu hiệu của hành vi lừa dối khách hàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. “Cục sở hữu trí tuệ, Cục quản lý cạnh tranh và Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cần phải vào cuộc để tạo một môi trường kinh doanh công bằng, văn hóa”, luật sư Tuấn Anh nói.

Về vụ việc này, Báo Giao thông đã liên lạc với ông Nguyễn Quang Phi Tín, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Nhất Nhất, người ký "Thư khuyến cáo" nhằm có thông tin 2 chiều về vụ việc trên nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.