Chuyện dọc đường

Doanh nghiệp và vòng xoáy nợ nần

29/05/2019, 07:00

Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn do nợ nần, trong đó một trong những “con nợ” lớn là... Chính phủ.

img
Vidifi chưa nhận được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước theo cam kết sau hơn 10 năm triển khai dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Sau hơn 10 năm triển khai dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chủ đầu tư dự án - Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) vẫn chưa nhận được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước theo cam kết. Trong đó, riêng khoản nợ chi phí GPMB đã lên tới hơn 4.000 tỷ đồng - tương ứng gần 10% tổng mức đầu tư của cả dự án (hơn 45.000 tỷ đồng).

Không riêng Vidifi, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản do nợ nần, trong đó một trong những “con nợ” lớn là... Chính phủ. Câu chuyện này diễn ra khá phổ biến đối với các dự án đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ bản (XDCB), ở khắp nơi trong cả nước, từ dự án đường sá, cầu cống, bệnh viện đến trường học...

Báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội - cập nhật hồi giữa năm ngoái - sau khi đi kiểm tra thực tế tại một số địa phương cho thấy: Hàng loạt công trình, dự án đầu tư công ở nhiều địa phương đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng không phê duyệt quyết toán, trong đó có địa phương lên tới 3.000 dự án lớn nhỏ, còn số nơi có 400-500 dự án chưa được quyết toán thì “đếm không xuể”. Tính đến hết kế hoạch năm 2016, tổng số nợ đọng XDCB vốn ngân sách Trung ương là 9.557,6 tỷ đồng; của các địa phương phát sinh sau ngày 31/12/2014 (Luật Đầu tư công có hiệu lực) 14.614 tỷ đồng...

Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ XDCB cao như: Các bộ, ngành, địa phương phân bổ kế hoạch vốn chưa sát thực tế; Bố trí vốn khi chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, không tuân thủ thứ tự ưu tiên; Phê duyệt dự toán vượt tổng mức đầu tư hoặc không đúng trình tự; Xác định tổng mức đầu tư còn sai sót…

Những tồn tại kể trên dẫn tới bức tranh chung về đầu tư công dàn trải, nhiều dự án dở dang, không hiệu quả, gây lãng phí lớn nguồn vốn ngân sách nói riêng và nguồn lực xã hội nói chung. Đáng quan tâm, nguồn lực của đất nước - vốn đã eo hẹp càng phải “giật gấu vá vai”, khiến nhiều doanh nghiệp, dự án hiệu quả cũng bị “vạ lây” mà câu chuyện của Vidifi và dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một ví dụ điển hình.

Nhà nước nợ chủ đầu tư; chủ đầu tư nợ nhà thầu; nhà thầu nợ nhà cung cấp nguyên vật liệu, nhà cung cấp thiết bị, nợ ngân hàng, nợ lương… Vòng xoáy nợ nần đó gieo rủi ro cho cả hệ thống: Nhiều dự án đầu tư dở dang vì thiếu vốn; nợ xấu ngân hàng dâng cao; doanh nghiệp khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản, người lao động không việc làm, thu nhập…

Trong một phiên đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, theo Luật Đầu tư công, sau năm 2014, các bộ, ngành Trung ương, địa phương không được làm phát sinh nợ đọng cơ bản và nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai luật này, chưa có bất cứ tổ chức, cá nhân nào bị xử lý hình sự. Và nợ đọng XDCB vẫn là một vòng xoáy mà hậu quả cuối cùng vẫn là cả xã hội phải gánh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.