Tài chính

Doanh nghiệp vẫn cần thêm trợ lực

05/03/2025, 07:00

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần trợ lực từ chính sách tài khóa và lãi suất, còn doanh nghiệp lớn mong muốn cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Vẫn chưa quay lại "thời vàng son"

Ông Vũ Minh Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần DVC Hà Nội thở dài, khi nhớ lại thời điểm trước khi dịch Covid-19 ập đến: "Vẫn chưa quay lại thời vàng son".

Doanh nghiệp vẫn cần thêm trợ lực- Ảnh 1.

Xưởng sản xuất của DVC chỉ hoạt động hơn phân nửa công suất so với trước thời Covid-19.

Ngày đó, 5 tổ máy với 30 lao động làm không hết việc. Còn bây giờ, dù phần nào phục hồi nhưng chỉ hoạt động cầm chừng được 3 tổ máy, với hơn 10 người.

Xưởng sản xuất thảm và chiếu - một mặt hàng được ưa chuộng trước đây, nhưng theo ông Quân, sức mua kém đi do người dân thắt chặt chi tiêu. Ông dự báo, năm nay cũng khó khôi phục do tình hình biến động trong nước vẫn còn, cho đến khi mọi thứ đi vào ổn định.

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, mức độ lạc quan của doanh nghiệp ở mức thấp so với những năm trước. Cụ thể, chỉ 27% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo, thấp nhất trong hơn chục năm nay.

Hiện, về quy mô, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm khoảng 69%; doanh nghiệp nhỏ chiếm khoảng 25%; còn lại doanh nghiệp quy mô vừa 3,5% và doanh nghiệp lớn khoảng 2,5%.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho hay, tình hình của các doanh nghiệp tham gia thị trường đang có xu hướng giảm và tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh cũng thiếu tích cực.

Minh chứng là ngay trong tháng 1/2025, đã có tới 58,3 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Trước dịch Covid-19, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia thị trường/doanh nghiệp rời bỏ thị trường là 1,5 thì hiện nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn 1,2. Tức là, số doanh nghiệp thành lập mới tăng thấp, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao kỷ lục.

Tính đến nay, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, kém xa so với mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp đến 2020 và 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025, như Nghị quyết 10 năm 2017 đã đặt ra.

Giảm thuế, cho vay thế chấp tài sản tương lai

Trước thực tế trên, ông Thân cho rằng, cần có giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng tốc. Điều này cần thiết hơn bao giờ hết khi mục tiêu Chính phủ đặt ra cho những năm tiếp theo khá áp lực.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật thuế Thu nhập Doanh nghiệp giảm thuế cho toàn bộ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ họ tái đầu tư vào sản xuất - kinh doanh.

"Luật Hỗ trợ DNNVV đã quy định DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường, tuy nhiên đến nay chưa có chính sách cụ thể nào triển khai điều luật này", ông Thân phân tích.

Hiện nay, dự thảo Luật thuế Thu nhập Doanh nghiệp (sửa đổi) đang trình Quốc hội đề xuất theo hướng: áp dụng 15% cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng và 17% cho doanh nghiệp có doanh thu từ 3 - 50 tỷ đồng.

Theo ông Thân, đề xuất này chưa sát thực tiễn vì đa phần doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng không có lãi, trong khi đó đề xuất chỉ áp dụng với một bộ phận, chưa có tính khuyến khích cho cả cộng đồng DNNVV.

Còn về tiền tệ, ông mong muốn có chính sách sách khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh hình thức cho vay thế chấp dựa trên tài sản hình thành trong tương lai.

"Hiện nay, chỉ có khoảng 30 - 35% DNNVV có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng bằng tài sản thế chấp hiện có.

Trong khi đó, chỉ lác đác một vài ngân hàng thực hiện cho vay dựa trên tài sản hình thành trong tương lai một cách nhỏ giọt. Nếu doanh nghiệp được cho vay theo hình thức này, họ sẽ tiếp cận được nguồn vốn rất lớn", ông Thân nêu thực tế.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính

Mong muốn khác cũng chiếm đa số (33%) ý kiến từ doanh nghiệp là "cần có các biện pháp bình ổn giá nguyên vật liệu và năng lượng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất".

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị có chính sách cụ thể đối với việc thuê đất dùng cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế việc gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp do giá thuê đất trong năm 2024 tăng cao…

Trong khi đó, 25,2% doanh nghiệp kiến nghị cải cách thủ tục hành chính bao gồm rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính.

Chuyên gia kinh tế Định Trọng Thịnh cho rằng, với DNNVV, chính sách tài khóa và lãi suất là then chốt. Nhưng với doanh nghiệp lớn, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư để việc đầu tư được thực hiện nhanh chóng.

"Không ít doanh nghiệp lớn tuyên bố "cần cơ chế chứ không cần tiền". Đó là điều chúng ta cần bàn, làm sao để cơ chế thông thoáng nhất, rộng mở nhất, chứ không làm cho họ thấy sợ lao lý mà không dám đầu tư", ông Thịnh nói.

Ông tin tưởng, việc tinh gọn bộ máy sẽ nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý Nhà nước, điều tiết các vấn đề hoạt động kinh tế, hoạt động vĩ mô. Điều đó sẽ có tác động rất tốt đến hoạt động kinh tế.

Để có chính sách hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2025, Tổng cục Thống kê đã làm cuộc khảo sát vào quý IV/2024.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, có tới 42% doanh nghiệp được khảo sát kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Điều này nhằm giảm áp lực chi phí đầu vào của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.