Đường bộ

Doanh nghiệp vận tải chật vật vì cửa hàng xăng dầu bán “nhỏ giọt”

07/11/2022, 19:50

Ngay cả những doanh nghiệp vận tải lớn cũng chật vật ứng phó với tình trạng xăng dầu bán “nhỏ giọt”.

“Dở khóc dở cười” cảnh mua xăng “nhỏ giọt”

Chiều tối 6/11, nhiều cửa hàng xăng dầu tại TP Hà Nội vẫn trong tình trạng chăng dây, thông báo hết xăng. Những cửa hàng ít ỏi còn mở cửa lại luôn trong trạng thái ùn ứ, người dân chen chân chờ đến lượt để đổ.

img

Cửa hàng xăng dầu nơi đóng cửa treo biển hết xăng nơi bán nhỏ giọt khiến chủ xe, doanh nghiệp vận tải chật vật

Tại cây xăng trên đường Xuân Thuỷ (Cầu Giấy), anh Phạm Văn Trường (tài xế taxi) mệt mỏi xếp hàng chờ đến lượt đổ xăng. Anh cho biết, suốt 1 tiếng qua, anh phải đi lòng vòng qua nhiều cửa hàng xăng dầu từ Thanh Xuân sang Cầu Giấy mới tìm được cửa hàng đồng ý đổ xăng cho ô tô, nhưng nhân viên tại đây cho biết, cũng chỉ đổ giới hạn 500.000 đồng.

“Với lượng xăng này tôi chỉ chở khách được 2 ngày, trong khi thời gian đi lại tìm cửa hàng xăng dầu và chờ đợi đổ xăng lại quá lâu, cứ tình trạng này khéo tôi phải tắt app, ngừng chạy”, anh Trường nói.

Cùng cảnh ngộ, anh Hoàng Văn Đức (lái xe công nghệ) cũng cho biết, trong nhóm đồng nghiệp, không ngày nào không nghe tiếng than thở về việc vất vả đi kiếm cây xăng đổ nhiên liệu.

“3 năm trước, tôi vay mượn ngân hàng mua ô tô để chạy taxi công nghệ sau khi kết hôn. 2 năm qua, dịch Covid-19 khiến nhiều tháng liền phải nghỉ làm, đến nay, khi vừa hoạt động trở lại được thời gian thì hết đau đầu vì xăng dầu tăng giá, nay lại đến khan hiếm, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập gia đình, có khi phải bán xe tìm việc khác”, anh Đức than thở và cho biết, mấy ngày gần đây, ở khu vực Thanh Oai (Hà Nội), anh phải đi đến 3,4 cửa hàng mới đổ được xăng cho xe.

Tại Hải Phòng, những ngày đầu tháng 11/2022, anh Nguyễn Văn Nam (tài xế xe container) cũng phải tất bật đưa xe qua hết cửa hàng xăng dầu này đến cửa hàng xăng dầu khác mới đổ được đầy bình dầu cho chuyến vận chuyển hàng từ Hải Phòng vào miền Trung.

“Chưa bao giờ đi đổ dầu cho xe lại vất vả như thế. Nhưng ngẫm vẫn may vì còn có dầu để chạy chứ nghe nói nhiều đồng nghiệp trong miền Nam còn phải ngừng hoạt động vì không đổ được dầu”, anh Nam nói và cho biết, không giống như trước kia, giờ muốn đổ dầu, phải tìm cửa hàng xăng dầu thuộc Nhà nước như Petrolimex mới có. Lượng dầu đổ mỗi lần cũng bị giới hạn chứ không được đổ đầy bình như trước. Vì vậy, để đổ được đầy bình dầu cho chuyến đi xa, anh Nam đành vòng qua vòng lại nhiều đại lý xếp hàng.

Chung cảnh ngộ, anh Hoàng Văn Trường (tài xế xe khách) cho biết, trước kia chỉ cần vào một cửa hàng xăng dầu bất kỳ có thể đổ đầy bình dầu và cũng không phải mất nhiều thời gian chờ đợi, thì đến nay, anh phải đi qua 2 cửa hàng mới bơm đủ, mệt hơn nữa là phải chờ đợi 15-20 phút mới tới lượt do người dân và các xe khác cũng ùn ùn kéo đến chờ.

img

Tại những cửa hàng xăng dầu mở cửa, người dân xếp hàng chờ đợi lâu do lượng khách đông

Doanh nghiệp vận tải lo phá sản khi khó khăn chồng chất

Chia sẻ với PV, một chủ doanh nghiệp chuyên vận tải hàng hoá bằng xe container tại Hải Phòng bức xúc cho biết, không biết khan hiếm xăng, dầu do thế giới khan hiếm, Việt Nam không nhập được hàng hay do cách điều hành xăng dầu không chuẩn dẫn đến các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không nhập khẩu về gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung hiện nay.

“Theo phản ánh của đại lý xăng dầu cung cấp cho các xe của doanh nghiệp, hiện nay nhiều đầu mối xăng dầu không nhập khẩu thêm vì không có lợi nhuận, đại lý cũng không được chiết khấu nên để tránh lỗ nhiều chỉ bán cho khách quen. Thậm chí, doanh nghiệp chúng tôi là khách hàng tiềm năng 20 - 30 năm nay nhưng gần 1 tuần qua, các cửa hàng xăng dầu quen thuộc cũng không cung ứng đủ nhiên liệu mà phải chạy sang nhiều cửa hàng khác”, vị giám đốc doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng chia sẻ.

Cũng theo vị này, nhằm tháo gỡ khó khăn, chia sẻ cùng nhau, một số cửa hàng xăng dầu còn đề xuất với các chủ doanh nghiệp vận tải hỗ trợ thêm cho cửa hàng 500 đồng/lít dầu. Các doanh nghiệp cũng đành vui vẻ chấp nhận bởi mất thêm chút chi phí nhưng có nhiên liệu cho xe chạy còn hơn phải dừng hoạt động.

Nhưng khó khăn hơn cả đó là việc các cửa hàng xăng dầu hiện không còn cho doanh nghiệp quyết toán chi phí nhiên liệu một cục vào cuối tháng như trước mà giờ đổ dầu phải trả tiền luôn, hoặc chậm nhất 2 ngày sau phải thanh toán cho các cửa hàng. Trong khi đó, ngân hàng đang siết chặt tín dụng, dù hạn mức còn cũng không thể vay thêm đã khiến nguồn tài chính của doanh nghiệp ngày càng khó khăn.

“Doanh nghiệp hiện đang phải co kéo, lựa chọn khách hàng phục vụ để đảm bảo đáp ứng công việc trong điều kiện khan hiếm nguồn nhiên liệu cho phương tiện hoạt động. Hải Phòng là thị trường đầu mối xuất nhập khẩu về logistics với lượng xe đầu kéo tiêu hao nhiên liệu cực lớn. Nếu tình trạng khan xăng dầu kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải, nhiều khả năng dẫn đến đóng cửa”, giám đốc này chia sẻ thêm.

Thực hiện Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 02/11/2022 của Thủ tướng về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, đối với trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, phải kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc theo quy định; kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù là bất kể thương nhân ở loại hình nào.

Không khá hơn, giám đốc một doanh nghiệp vận tải hành khách chuyên tuyến Hà Nội – Lào Cai cũng cho biết, 2 cây xăng dầu tư nhân doanh nghiệp bơm thường xuyên trước đây đã thông báo không còn dầu để bán từ 2 tuần qua dù đã ký hợp đồng cung ứng theo cả năm, buộc doanh nghiệp phải đưa xe đi xa hơn, đến các cửa hàng xăng dầu thuộc Nhà nước để bơm.

Tuy nhiên, mỗi lần bơm cũng chỉ được tạo điều kiện bơm đủ để chạy cho một chuyến đi, chẳng hạn nếu bình dầu của xe có dung tích 400 lít nhưng mỗi chuyến chạy hết 200 lít thì chỉ được đổ 200 lít. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng phải trả tiền trước khi bơm, thậm chí vào một số cây xăng dầu tư nhân, muốn trả tiền trước để bơm nhiên liệu cũng không có để bơm.

Điều này đã ảnh hưởng lớn đến dòng vốn của doanh nghiệp, nhất là khi 6 tháng cuối năm 2022, ngân hàng còn yêu cầu thu lãi gộp của năm 2020 và 2021. “Nếu như trước kia, doanh nghiệp chỉ cần trả 500 triệu đồng/tháng tiền lãi thì giờ phải trả 1 tỷ đồng/tháng. Cứ đến cuối tháng, lo nghĩ tiền trả ngân hàng mà “bạc cả tóc”, giám đốc này than thở.

img

Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết nếu tình trạng thiếu xăng dầu kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao, phá sản

Nỗ lực bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu trong mọi tình huống

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên gây ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu trên thị trường trong nước.

Bối cảnh này dẫn đến xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế, tác động đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.

Trong kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khoá XV đang diễn ra, rất nhiều đại biểu quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho biết, các cơ quan quản lý cần sớm khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên thị trường xăng dầu và rút ra bài học kinh nghiệm quản lý, điều hành để không tái diễn.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho biết, tình hình thiếu hụt xăng dầu xảy ở nước ta đã cho thấy sự lúng túng trong điều hành, xử lý tình huống này của các bộ, ngành liên quan trong trách nhiệm quản lý nhà nước.

"Những vấn đề trên đã khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong cuộc sống, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Hiện nay, hiện tượng này vẫn còn xảy ra cục bộ ở một số địa phương, chưa được giải quyết dứt điểm, đề nghị sớm khắc phục tình trạng này để ổn định tình hình", đại biểu Kim Bé nói.

Theo đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng), để khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu tính toán lại giá cơ bản cho phù hợp với thực tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối doanh nghiệp bán lẻ và người dân.

Đối với các công ty là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, trước mắt cần tăng sản lượng phân bổ cho thị trường để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ đến cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.

Trước vấn đề này, trong phần báo cáo một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm chiều 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền và đề xuất Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần đối với xăng dầu để giảm giá, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt sản xuất của hai nhà máy lọc hóa dầu trong nước đang vận hành ở công suất tối đa, đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng; trong khi đó các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương, nhất là các thành phố lớn.

Thủ tướng cũng nhận định, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước.

"Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.