Xã hội

Doanh nghiệp vận tải gồng mình nuôi người lao động

25/03/2020, 06:37

Không ít doanh nghiệp vận tải đang nỗ lực gồng gánh, không để người lao động phải mất việc, mất thu nhập.

img
Dù lượng khách giảm mạnh nhưng hơn 7.000 lao động của Công ty vận tải Phương Trang chưa ai bị mất việc làm. Ảnh: Yên Trang

Chỉ sau hơn 2 tháng dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải đứng trước nguy cơ phá sản, cho nhân viên nghỉ đồng loạt. Nhưng trong bối cảnh khó khăn chung, cũng có không ít DN đang nỗ lực gồng gánh, không để người lao động phải mất việc, mất thu nhập.

Không bỏ người lao động lúc khó khăn

Trong bối cảnh chung, Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines - một doanh nghiệp tiếng tăm trong ngành vận tải và logistics ở Việt Nam với hơn 7.000 nhân sự, cũng bị ảnh hưởng không nhỏ từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc Futa cho biết, tính đến nay toàn bộ mảng vận tải hành khách của công ty đã giảm đến 50% sản lượng. Nếu trước đây, trung bình Futa Bus Lines có trên dưới 2.000 chuyến/ngày, nay chỉ còn dưới 1.000 chuyến/ngày. Các tuyến trọng điểm như TP HCM - Đà Lạt chỉ một tháng trước đây bình quân có ít nhất 7.000 khách/ngày, nay chỉ còn xấp xỉ 1.000 khách/ngày. Theo ông Ánh, nếu tình hình này kéo dài công ty có thể thiệt hại 2.000 tỷ đồng/năm.

Mặc dù vậy, vị CEO của Phương Trang vừa có bức tâm thư gửi đến toàn thể cán bộ nhân viên khẳng định không để nhân viên nào mất việc làm, không có thu nhập. Tài xế sẽ được sắp xếp để chạy luân phiên nhau. “Nếu trong lúc phồn vinh nhất Phương Trang - FUTA Bus Lines 7.000 người thì lúc khó khăn nhất vẫn sẽ có 7.000 người”, ông Ánh khẳng định.

Theo ông Ánh, công ty đã tính toán có thể gồng gánh được trong 2 năm, bởi ngoài mảng vận tải, công ty còn có nhiều lĩnh vực khác, vì vậy không có chuyện cắt giảm nhân sự trong công ty. Thậm chí với mảng vận chuyển hàng hóa, FUTA Express vẫn đang tuyển thêm người ở một số tỉnh, thành. Phương Trang hiện có hơn 300 phòng giao dịch trên toàn quốc, phục vụ vận chuyển hàng hoá xuyên suốt từ TP HCM đến các tỉnh, thành trên cả nước.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cũng cho biết, từ khi bùng phát dịch, người dân không dám đi lại khiến lượng khách trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng giảm đến 60%, doanh thu của công ty cũng giảm với con số tương ứng. Nhiều chuyến xe phải chạy rỗng, “chở gió” nên phải cắt giảm 50% số chuyến, quá nửa số xe của công ty dừng hoạt động nằm bãi. Số xe còn lại hoạt động cũng chỉ mang tính chất cầm chừng.

“Tuy nhiên, dù khó khăn, doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực chia sẻ khó khăn với người lao động. Công ty đã tăng mức hỗ trợ 50% doanh thu cho lái xe để giữ chân người lao động. Mỗi tháng doanh nghiệp đang phải bù lỗ gần 3 tỷ đồng. Đây cũng là cố gắng của doanh nghiệp giữ ổn định bộ máy vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu không có hỗ trợ này, lái xe sẽ bỏ việc tìm việc khác, họ không thể chỉ ngồi trông xe không công cho doanh nghiệp”, ông Hải chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và du lịch Hà Lan (Thái Nguyên) cho biết, doanh thu của công ty cũng đã giảm tương ứng với lưu lượng khách giảm trên 50% từ tháng 2/2020. Với trên 300 đầu xe, công ty đã cắt giảm trên 40% phương tiện, số còn lại mỗi chuyến xe chỉ có vài ba khách.

“Công ty có 550 lao động nhưng chúng tôi quyết không cắt giảm nhân sự, mà cho họ thay phiên nhau đi làm”, ông Hà nói và thông tin, nhiều cán bộ, nhân viên đã tự nguyện chỉ nhận 70% lương, nhưng công ty có “lương khô” để bù đắp. Kể cả trong trường hợp có người nghỉ việc, công ty vẫn hỗ trợ lương cơ bản và đóng bảo hiểm đầy đủ.

Nguy cơ phá sản nếu không được hỗ trợ kịp thời

img
Lái xe của hãng xe Sao Việt xác nhận giấy tờ ở Bến xe Mỹ Đình trước khi xe xuất bến. Ảnh: A.D

Quyết không bỏ rơi người lao động dù đang rất khó khăn, song theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, trong một vài tháng tới doanh nghiệp có thể trụ được, nhưng nếu kéo dài thì viễn cảnh phá sản sẽ không còn xa. Bởi lẽ, đa số doanh nghiệp vận tải có nguồn vốn được huy động từ các tổ chức tín dụng, nguồn để trả nợ cũng từ doanh thu hoạt động hàng ngày. Nếu không có doanh thu, doanh nghiệp sẽ không trả được nợ, nguy cơ nợ xấu rất cao. Vì vậy, Chính phủ cần nhanh chóng xem xét giãn nợ, hỗ trợ lãi suất, giảm phí cầu đường... để doanh nghiệp vận tải giảm bớt khó khăn.

Theo ông Hải, mặc dù đã gửi đi nhiều văn bản tới ngân hàng để xin tháo gỡ khó khăn bằng cách giãn nợ, hỗ trợ lãi suất trong mùa dịch nhưng đến thời điểm này, công ty chưa nhận được hồi âm nào.

Cùng chung tình cảnh, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Vận tải Sao Việt cho biết, doanh thu của công ty đã giảm đến 80%. Từ khi bùng phát dịch, 60% số xe của doanh nghiệp đã phải nằm bãi không hoạt động, trong khi vẫn phải hỗ trợ người lao động bằng với doanh thu của họ khi chưa có dịch.

“Chúng tôi cũng nghe thông tin có sự hỗ trợ của ngân hàng và đã có báo cáo doanh thu sụt giảm gửi ngân hàng, nhưng đến nay cũng chỉ là văn bản trên giấy. 70% tài sản của doanh nghiệp được đầu tư từ nguồn vốn ngân hàng. Xe chạy rỗng, không có doanh thu thì không doanh nghiệp nào có khả năng trả nợ. Quỹ dự phòng của công ty ưu tiên trước hết là trả lương cho người lao động, thuê mặt bằng, duy trì phương tiện, nhiên liệu nên không thể nào dùng trả ngân hàng”, ông Bằng nói.

Giữ thương hiệu, chờ dịch bệnh được khống chế

Tuyến vận tải bằng tàu cao tốc từ Phan Thiết đi đảo Phú Quý (Bình Thuận) những năm trước vào thời điểm này rất sôi động. Biển tháng 3 êm dịu nên nhiều người chọn thời điểm này để đi du lịch, khám phá vùng đảo còn khá hoang sơ này. Thế nhưng, từ khi Phan Thiết có ca nhiễm virus Covid-19 đầu tiên, sau đó là liên tục 5 ca nhiễm và hàng chục trường hợp phải đi cách ly khiến khách du lịch lo ngại. Hoạt động của đội tàu cao tốc từ bờ ra đảo dịp này cũng phải chịu cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đáng, Giám đốc Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quý Express cho biết, tàu cao tốc có sức chở gần 300 hành khách nhưng hiện nay mỗi ngày tàu chỉ vận chuyển khoảng 30 hành khách, chủ yếu là người từ đảo Phú Quý vào đất liền vào buôn bán, đi công chuyện. Khách du lịch từ Phan Thiết ra đảo hầu như không có. Vì vậy nếu tính cả chi phí dầu, nhân viên, tiền trả ngân hàng mỗi ngày công ty lỗ hơn 35 triệu đồng.

“Mặc dù vậy chúng tôi vẫn phải duy trì hoạt động để phục vụ người dân, xây dựng thương hiệu để chuẩn bị cho giai đoạn phục vụ cao điểm hè sắp tới. Hi vọng dịch bệnh sẽ được không chế để các doanh nghiệp như chúng tôi bớt khó khăn”, ông Đáng nói.

Ông Thiệu Thanh Quang, Giám đốc Công ty Vận tải xe khách Hùng Cường (chuyên chạy tuyến TP HCM - Châu Đốc) cũng cho biết, đang cố gắng duy trì tuyến mặc dù lượng hành khách giảm đi rất nhiều. “Mọi năm thời điểm này khách đi lễ Bà Chúa Sứ Châu Đốc chạy không hết nhưng năm nay chỉ vài khách là người dân đi lên đi về thành phố. Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải duy trì nhân viên để sau khi dịch lắng xuống sẽ hoạt động trở lại”.

Bà Phan Thị Thu Hiền (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN):
Kiến nghị nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp

img

Kể từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19, tình hình vận chuyển hành khách, hàng hóa tại nhiều tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp.

Các tiêu chí về lượt xe, sản lượng khách, vận tải hàng hóa, doanh thu đều giảm từ 40-80% so với cùng kỳ năm 2019 cũng như trước khi có dịch. Đời sống của chủ xe, chủ đơn vị kinh doanh, người lao động... bị ảnh hưởng nặng nề. Một số địa phương báo cáo đã có đơn vị vận tải ngừng hoạt động do không có sản lượng.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư vào kinh doanh vận tải đều là tiền vay ngân hàng nên hoạt động kinh doanh vận tải càng khó khăn hơn, đã bắt đầu có việc chủ xe đem rao bán phương tiện để cắt lỗ hoặc trả lãi vay. Do chưa đến thời điểm hết dịch nên những thiệt hại trên mới chỉ là trước mắt, còn chưa thể thống kê được hết ảnh hưởng, hậu quả.

Do ảnh hưởng của dịch nên lượng khách đi lại đa số giảm nhiều, nhiều chuyến xe không có khách. Do đó, nhiều đơn vị muốn cho xe dừng hoạt động vì thu không đủ bù chi phí, nhưng lại sợ vi phạm quy định (thực hiện dưới 70% số chuyến sẽ bị thu hồi phù hiệu và đình chỉ khai thác tuyến) nên vẫn phải duy trì hoạt động. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi vay, trả các loại bảo hiểm, tiền lương cho nhân viên...

Để hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe trong giai đoạn xảy ra dịch và sau dịch có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, Tổng cục Đường bộ VN đã kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Chính phủ để hỗ trợ cơ chế chính sách, giảm thuế, phí, lệ phí ra vào bến xe...; đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng miễn, giảm lãi suất các khoản vay, giãn nợ hoặc khoanh nợ; có chính sách cho vay ưu đãi sau khi hết dịch để các đơn vị kinh doanh vận tải có điều kiện tái sản xuất kinh doanh; đề nghị cơ quan BHXH Việt Nam cho phép lùi thời gian đóng các khoản BHXH, bảo hiểm thất nghiệp...

Tổng cục cũng kiến nghị Bộ GTVT có văn bản gửi các cơ quan liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các đơn vị BOT giao thông) miễn giảm phí cầu đường, phí bảo trì đường bộ; sử dụng quỹ bình ổn giá để giảm giá xăng, dầu...

T.Duy (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.