Đường bộ

Doanh nghiệp vận tải "kêu trời" vì thu không đủ bù chi

26/04/2022, 18:17

Trước biến động của giá xăng dầu, đa số doanh nghiệp vận tải tuyến cố định đã tăng giá cước nhưng thu vẫn chưa đủ bù chi.

Không dám tăng giá quá cao, sợ khách quay lưng

Trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ tác động của việc tăng giá nhiên liệu đến giá vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy, Bộ GTVT cho biết, các doanh nghiệp vận tải đường bộ cũng có xu hướng đề xuất điều chỉnh giá cước vận tải ngay khi giá nhiên liệu đầu vào thay đổi.

"Khoảng 80 - 90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng giá cước vận tải đề bù đắp chi phí nhiên liệu với mức tăng từ 10 - 15%. Giá cước vận tải hàng hóa cũng được điều chỉnh tăng từ 7 - 10%", Bộ GTVT cho hay.

img

Mặc dù đã tăng giá cước vận tải nhưng cũng chỉ giảm bớt phần nào khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Giao thông, với mức tăng giá vé tối đa chỉ được 20%, doanh nghiệp vận tải tuyến cố định tuy đã giảm bớt phần nào khó khăn nhưng thu vẫn chưa đủ bù chi. Nguyên nhân là do nhu cầu đi lại của người dân chưa cao.

Ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn Hải Vân - doanh nghiệp có gần 100 xe chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai cho hay, sau thời gian dài giá xăng dầu tăng liên tục, doanh nghiệp buộc phải tăng giá cước lên 20% để bù đắp chi phí.

Ông Dũng cho biết, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cho phép tăng giá vé không quá 20% nên mức tăng này chỉ đủ bù đắp chi phí nhiên liệu. Giá xăng dầu tăng đã dẫn đến tăng giá các chi phí đầu vào khác như vật tư, phụ tùng khác. Đơn cử như trước đây một lốp xe có giá 3 triệu đồng thì nay đã tăng lên 9 triệu đồng.

Nhìn tổng thể, ông Dũng cho hay, việc tăng giá cước chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, chưa tiệm cận tới điểm hòa vốn. Dịch bệnh tuy đã dần được kiểm soát nhưng nhu cầu đi lại của người dân chưa cao nên tần suất chuyến và lượng khách hiện nay chỉ bằng 60% so với thời điểm chưa có dịch nên doanh thu vẫn chưa đủ chi phí.

Đề cập đến các chính sách hỗ trợ của nhà nước, ông Dũng cho biết, đến thời điểm này doanh nghiệp chưa tiếp cận được bất kỳ chính sách hỗ trợ nào của nhà nước.

Trong thời gian dịch bệnh, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như chỉ đạo các ngân hàng cơ cấu, ân hạn, giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay chính sách này không còn, doanh thu chưa đạt yêu cầu khiến cho doanh nghiệp hết sức khó khăn.

"Hà Sơn - Hải Vân có khoảng 100 xe nhưng hiện mới có khoảng 60 xe hoạt động, những xe còn lại buộc doanh nghiệp phải để nằm bãi. Những xe này không được ngân hàng cho giãn, hoãn nợ", ông Dũng cho hay.

Trong khi đó, ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên - đơn vị chạy tuyến Quảng Ninh - Hà Nội cho hay, hiện doanh nghiệp đã tăng giá cước 15% so với thời điểm giá xăng dầu chưa tăng.

Tuy nhiên, ông Xuyên cho hay, chi phí xăng dầu xe khách tuyến cố định chiếm khoảng 40% chi phí vận tải nên đẩy giá thành vận tải lên cao. Mức tăng này chưa đủ bù đắp cho các chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh dịch bệnh, người dân vẫn còn dè dặt trong đi lại nên doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ trước khi tăng giá cước. Không tăng giá cước thì doanh nghiệp không có sức bù lỗ, nhưng tăng cũng chỉ bù đắp được phần nào chi phí.

"Ngày lễ nhu cầu đi lại của người dân tăng cao nhưng văn hóa doanh nghiệp là không tăng giá vé trong ngày lễ. Nếu tăng giá cao quá, hành khách sẽ quay lưng và doanh nghiệp không có nguồn thu. Trong bối cảnh người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề hậu quả của dịch bệnh, cuộc sống còn hết sức khó khăn nên doanh nghiệp chưa nghĩ đến việc tiếp tục tăng giá cước", ông Xuyên cho hay.

Bên cạnh các doanh nghiệp tăng giá cước, vẫn có doanh nghiệp ổn định giá để giữ chân khách hàng. Ông Trịnh Hoài Bão, Giám đốc Công ty Đại Phát chạy tuyến Đà Nẵng cho biết, từ những đợt xăng dầu tăng liên tục, song, doanh nghiệp vẫn chưa điều chỉnh tăng giá, hiện từ bến xe Giáp Bát đi Đà Nẵng giá vé vẫn duy trì ở mức 350 nghìn đồng/vé.

“Chúng tôi vừa chạy trở lại được 1 tháng nay và có kế hoạch tăng cước lên 10%. Tuy nhiên, dịch bệnh làm cho lượng khách thưa thớt nên chúng tôi giữ nguyên giá để khách hàng nhớ đến tuyến”, ông Bão nói và cho rằng, để đảm bảo thu bù chi, doanh nghiệp sẽ giảm tần suất chuyến xe. Trước ngày chạy 2 chuyến thì nay giảm còn 1 chuyến.

Các gói vay hỗ trợ như muối bỏ biển

Là một trong những doanh nghiệp vận tải đề xuất điều chỉnh tăng giá cao nhất tại Hà Nội với tỷ lệ gần 39%, đại diện Công ty CP Vận tải ô tô Ninh Bình cho biết, do sự biến động của giá xăng dầu nhiều lần tăng kéo theo tăng các chi phí đầu vào khác như chi phí sửa chữa, thuê mặt bằng, bến bãi... khiến hoạt động kinh doanh bị thua lỗ. Thực tế đó, chúng tôi đã đề xuất điều chỉnh tăng giá cước ở mức trên mới đủ các chi phí đầu vào.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, giá xăng dầu các loại tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải. Kể từ tháng 3 đến nay một số doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội đề xuất điều chỉnh giá vé tăng.

Theo ông Long, đối với các doanh nghiệp vận tải đề nghị tăng giá, phải cung cấp đầy đủ hồ sơ đăng ký giá cước được cơ quan chức năng chấp thuận cho tăng giá. Các đơn vị có mức tăng giá vé đột biến phải giải trình được lý do tăng. Không phải doanh nghiệp muốn tăng lên tuỳ tiện như thế nào cũng được.

Ông Long cũng cho biết, để thực hiện tốt công tác điều hành giá năm 2022 theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã chỉ đạo bộ phận tiếp nhận hồ sơ kê khai giá kiểm soát chặt các nội dung kê khai của các đơn vị khi đến nộp hồ sơ. Kiên quyết không cho tăng giá khi không đủ cơ sở.

"Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, vận chuyển hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và tuyệt đối không được lợi dụng việc giá nhiên liệu tăng để tăng giá ở mức cao, thu cao hơn mức giá kê khai", ông Long nói.

Đề xuất chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn Hải Vân cho rằng, cần sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu và giảm thuế môi trường đối với mặt hàng này để làm sao giá nhiên liệu không tiếp tục tăng. Nhiên liệu tăng khiến giá các chi phí đầu vào khác tăng theo và doanh nghiệp mãi không “thoát” được cảnh ăn đong.

Tương tự, ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên cho biết, hiện doanh nghiệp chỉ tiếp cận được gói vay hỗ trợ người lao động nhưng mức vay chỉ như muối bỏ biển.

"Ngân hàng ngày càng siết chặt chính sách cho vay vốn, doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn vay phục hồi hoạt động. Sau 2 năm trời nằm bãi, một xe khách muốn hoạt động trở lại phải mất khoảng 70 - 100 triệu đồng để sửa chữa, bảo dưỡng. Nhà nước cần có chính sách miễn, giảm thuế và giãn đóng bảo hiểm xã hội và các gói vay vốn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", ông Xuyên nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.