Nhiều đề xuất hỗ trợ phí, lệ phí cho doanh nghiệp vận tải
Bộ Tài chính vừa có Công văn số 4296/BTC-CST gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc rà soát đề xuất giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp (DN).
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm mức thu 35 khoản phí, lệ phí hỗ trợ DN và người dân, trong đó có giảm phí sử dụng đường bộ
Theo đó, để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho DN và người dân trong năm nay, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm mức thu 35 khoản phí, lệ phí. Thời gian áp dụng từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12.
Chính sách giảm các loại phí, lệ phí đã được triển khai trong các năm 2020, 2021 và 2022 để hỗ trợ người dân, DN. Gần đây nhất, trong 6 tháng đầu năm 2022, tại Thông tư 120/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định giảm mức thu từ 10 - 50% đối với một số khoản phí, lệ phí, trong đó có lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (giảm 50%) và phí sử dụng đường bộ, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải.
Đặc biệt, chính sách tiếp tục giảm 30% phí sử dụng đường bộ đối với ô tô vận chuyển hành khách và 10% đối với xe tải trong 6 tháng đầu năm 2022 theo Thông tư 120/2021/TT-BTC đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân, DN.
Cho đến nay, nhiều DN vẫn kiến nghị được kéo dài thời gian hưởng chính sách này nhằm giúp DN vận tải sớm ổn định kinh doanh sau những khó khăn do dịch Covid-19 và giá xăng dầu tăng liên tục trong 3 năm trở lại đây.
Ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính, các DN vận tải cho biết, khi triển khai sẽ giúp các DN tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể để hỗ trợ phục hồi kinh doanh
Tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chuyên xe khách tuyến Hà Nội - Lào Cai) đồng tình với đề xuất trên và mong muốn Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ về việc giảm các loại phí, lệ phí, trong đó tiếp tục giảm phí sử dụng đường bộ để hỗ trợ DN vận tải.
Theo ông Bằng, sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tiếp đến là giá xăng dầu “leo thang” liên tiếp trong cuối năm 2021 và nửa đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp vận tải rơi vào khủng hoảng tài chính. Do đó, những hỗ trợ về phí, lệ phí là giải pháp cần thiết để trợ lực cho các DN khôi phục hoạt động, ổn định kinh doanh.
“Hiện, phí sử dụng đường bộ của một xe khách trên 40 chỗ là 590.000 đồng/tháng, nếu được giảm 30%, tương đương 177.000 đồng/xe. Với những công ty vận tải có số lượng xe lớn khoảng 50 - 100 xe, sẽ tiết kiệm từ 8,85 - 17,7 triệu đồng mỗi tháng, tương đương với 106 - 212 triệu đồng mỗi năm. Đây là một khoản chi phí đáng kể”, ông Bằng nói.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc hãng xe Interbuslines cho rằng, năm 2023 việc kinh doanh vận tải khó khăn hơn 2 năm diễn ra dịch Covid-19, lạm phát tăng cao, tình trạng thất nghiệp lớn khiến người dân tiết kiệm chi phí tối đa, việc đi du lịch cũng hạn chế khiến lượng khách sử dụng dịch vụ vận tải giảm mạnh 40 - 50%.
“Chưa năm nào công ty phải áp dụng nhiều chính sách giảm giá vé như năm nay, có thời điểm giảm đến 30%. Chưa kể, việc quá tải trong đăng kiểm còn khiến DN mất thêm nhiều khoản phí để đưa xe đi các tỉnh khác ngoài Hà Nội kiểm định", ông Tùng nói và cho biết: Việc hỗ trợ DN vận tải phí sử dụng đường bộ cũng như lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm sẽ giúp DN tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể phục vụ cho việc chi phí các khoản khác như: Xăng dầu, cầu đường, lương nhân lực…
Đồng quan điểm, Giám đốc một hãng xe khách chuyên tuyến Hà Nội - Ninh Bình cho biết, khả năng hỗ trợ các DN vận tải theo đề xuất giảm phí sử dụng đường bộ và lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm của Bộ Tài chính còn tùy theo quy mô từng doanh nghiệp. So với các chi phí như nhiên liệu, cầu đường, chi phí vận hành bộ máy nhân lực, phần mềm quản lý… mức phí sử dụng đường bộ, lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm không lớn nhưng với các DN vận tải có lượng xe đông, đây là khoản chi phí đáng kể.
“Khó khăn lớn nhất của các DN vận tải hiện nay đó là việc trả lãi các ngân hàng. Hầu hết các nhà xe đều vay vốn để đầu tư, trong thời gian dịch Covid-19 bị ảnh hưởng lớn, nhiều DN rơi vào tình trạng “nợ xấu”. Từ cuối năm 2022, các ngân hàng yêu cầu thu lãi gộp của năm 2020 và 2021 khiến số tiền lãi mỗi tháng phải trả tăng gấp đôi, ảnh hưởng đến việc cân đối kinh doanh của các DN”, vị Giám đốc này nói và cho biết: Việc giảm phí, lệ phí sẽ hụt thu ngân sách nhưng đây sẽ là 1 trong những “vị thuốc” để DN phục hồi, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, từ đó góp phần mang lại nguồn thu ngân sách.
Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng nhìn nhận đây là biện pháp rất thiết thực để tiếp sức cho DN vượt qua khó khăn, kịp thời phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận