Giao thông

Doanh nghiệp vận tải trong làn sóng công nghệ 4.0

30/08/2018, 07:09

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng tạo nhiều cơ hội nếu doanh nghiệp dũng cảm từ bỏ...

12

Việc triệt để ứng dụng công nghệ đã giúp Inter Bus Lines giảm được chi phí và tăng doanh thu từ 10% - 20% - Ảnh: Thanh Trương

Thay đổi cục diện vận tải

Từ năm 2016, ứng dụng công nghệ thông tin đã xuất hiện loại xe hợp đồng dưới 9 chỗ có sử dụng phần mềm như: Uber, Grab xuất hiện ở Việt Nam. Sau 2 năm thí điểm, đến năm 2018 số lượng phương tiện của loại hình vận tải này đã tăng như “vũ bão” lên đến hơn 50.000 xe, vượt cả số lượng xe taxi truyền thống. Grab, Uber có những thành công bước đầu do tính thuận tiện, giá cả đa dạng và người dân được hưởng lợi thông qua các chương trình khuyến mãi rầm rộ làm cho cuộc cạnh tranh thu hút khách giữa taxi truyền thống và Uber, Grab ngày càng khốc liệt.

Gần đây, Grab đã mua lại Uber làm thay đổi cục diện loại hình kinh doanh vận tải này không chỉ ở Việt Nam mà cả ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Sau khi bị các hãng taxi công nghệ chiếm lĩnh thị trường taxi nội, các doanh nghiệp vận tải đã nhìn thấy rõ sự thất thế của mình trong việc chậm ứng dụng công nghệ mới vào quản lý. Hàng loạt các doanh nghiệp taxi trong nước đã bắt tay vào phát triển những ứng dụng đặt vé xe riêng của mình để giành lại thị phần đang tạo ra một làn sóng lớn về việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào vận tải.

Cuối năm ngoái, sự xuất hiện của dịch vụ Mai Linh bike, sau việc phát triển hệ thống ứng dụng gọi taxi tại TP HCM, Đà Nẵng và Hà Nội đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và người dân. Việc ra đời một loại hình vận tải mới của Mai Linh dù chưa thể nói trước có thành công trong việc giành lại thị trường với các công nghệ gọi xe như Grab, Uber hay không. Nhưng theo nhiều nhà quản lý, Mai Linh bike ra đời đã cho thấy sự thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp Việt trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Chủ tịch Mai Linh Hồ Huy chia sẻ: “Mai Linh đang từng bước chuyển mình để phù hợp với xu thế hội nhập, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Mai Linh triển khai ứng dụng Mai Linh Online trong điều và gọi xe taxi, đem lại tiện ích cho khách hàng và phục vụ tốt hơn nữa với mọi loại hình vận chuyển trên khắp các tỉnh, thành Việt Nam”.

Không dừng lại ở lĩnh vực taxi, làn sóng ứng dụng công nghệ còn lan sang vận tải hành khách liên tỉnh. Các nhà xe ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành vừa giảm bớt chi phí, chăm sóc khách hàng tốt hơn, đồng thời chuyển mình từ nhà xe truyền thống trở thành nhà xe công nghệ. Trong bối cảnh nhiều phần mềm đặt xe trực tuyến trong nước và quốc tế đang được triển khai và đón nhận như Uber, Grab thì Sao Việt đã sớm nhận ra thách thức phải đối mặt và triển khai phần mềm Emddi.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt) cho biết, ứng dụng công nghệ giúp khách hàng xác định được tuyến đường, giá thành phải trả ngay trên phần mềm hay tìm kiếm hành lý dễ dàng.

“Sau khi tìm hiểu, chúng tôi đã nhìn thấy những lợi ích của các phần mềm ứng dụng đặt xe online mang lại, và để cạnh tranh công khai, bình đẳng, công ty đã tính đến việc phải phát triển một phần mềm ứng dụng quản lý, điều hành vận tải ở các loại hình khác nhau, đồng thời tạo tiện lợi cho hành khách khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ”, ông Bằng nói.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Vận tải Thương mại và Du lịch Hà Lan (Thái Nguyên), ngoài việc xây dựng phần mềm đặt vé thông minh, xác định tiêu chí an toàn trên mỗi hành trình làm kim chỉ nam cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu, doanh nghiệp đã áp dụng những phần mềm quản lý vận tải hiện đại cũng như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho toàn bộ hệ thống xe vận hành.

Chậm trễ sẽ bị loại bỏ

Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp phải nắm bắt xu hướng và hoàn thiện mình theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào kinh doanh, nâng cao chất lượng phương tiện và dịch vụ đi kèm. Hành khách thời nay sẵn sàng bỏ tiền vé nhưng đòi hỏi phương tiện phải hiện đại, thoải mái, an toàn, thái độ nhân viên phục vụ tốt. Bởi thế, các doanh nghiệp vận tải phải luôn cố gắng để đáp ứng tối đa, tạo sự thoải mái, tin tưởng cho khách hàng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc ứng dụng và phát triển các loại hình dịch vụ, trong đó có dịch vụ vận tải khách bằng taxi, xe hợp đồng sử dụng phần mềm đặt xe là xu thế của xã hội hiện đại và là một bức tranh sinh động của nền kinh tế. Thời kỳ công nghệ 4.0 bắt buộc phải đổi mới để thích ứng và bắt kịp với công nghệ tiên tiến của thế giới. Vận tải là ngành dịch vụ nên việc ứng dụng 4.0 các nước tiên tiến đã ứng dụng hàng chục năm trước nên hiện nay Việt Nam thí điểm và triển khai là đi đúng theo xu hướng. Quốc gia nào chậm trễ thì sẽ bị bỏ lại phía sau.

Ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty Công nghệ An Vui, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên những thay đổi rất lớn về phương pháp cạnh tranh. “Cuộc đua ứng dụng công nghệ đang nóng lên hơn bao giờ hết, các nhà vận tải phải coi đó là một cơ hội để ứng dụng nhằm tăng lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng thị phần”. Những nhà xe lớn như: Inter Bus Lines, Mai Linh, Sao Việt... là những đơn vị đang đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành và đã thành công”, ông Mạnh nói.

13

 


Chia sẻ tại cuộc họp góp ý một số nội dung trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhìn nhận: “Tôi có suy nghĩ tại sao việc sửa Nghị định 86 thời điểm này lại có nhiều ý kiến thế? Tôi cho rằng đây là tất yếu khách quan của cuộc sống. Đây là thời kì quá độ đang thách thức ta về việc quản lý nhà nước, để tìm ra hướng đi mới, chấp nhận việc cần thiết ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà nước, quản lý kinh doanh”.

14

Bà Phan Thị Thu Hiền

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN:

Công nghệ làm thay đổi phương thức kinh doanh vận tải Việt Nam

Ngành GTVT đang nằm trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0. Gần nhất, mô hình Uber, Grab đã cho thấy hiện nay việc kết nối vạn vật đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực vận tải đường bộ. Bước đầu hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, áp dụng công nghệ thông tin, kết nối Internet trong cung cấp các dịch vụ vận tải. Sự xuất hiện các dịch vụ vận tải trên nền tảng nnternet như taxi Uber, Grab; cung cấp các dịch vụ công qua Internet như cấp, đổi giấy phép lái xe, đăng kiểm xe cơ giới… đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng này.

Cách mạng công nghệ 4.0 là tự động hóa toàn diện với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ làm thay đổi các phương thức và lực lượng sản xuất vận tải. Chỉ vài năm trước, khó ai tin được vận tải hành khách công cộng Uber, Grab lại phục vụ được con người thay vì “vẫy” taxi. Rồi những tuyến đường, cây cầu, một công trình giao thông…hiện nay đều có thể giám sát, theo dõi trực quan, trực tuyến, minh bạch từ khâu thiết kế, tiến độ thi công cho đến khi vận hành, bảo trì.

Cùng với các dịch vụ công thông minh được tự động hóa toàn diện đang diễn ra tại các lĩnh vực của ngành để phục vụ người dân. Tất cả các yếu tố “tự động hóa” thông minh phục vụ phát triển giao thông vận tải này đều là khởi điểm của kỷ nguyên 4.0. Thực tế này sẽ tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế xã hội, mà trọng tâm là “mạch máu giao thông”.

T.Duy

15

Ông Nguyễn Thanh Tùng

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Inter Bus Lines:

Không ứng dụng công nghệ khó cạnh tranh

Tại Hội thảo về “Cách mạng 4.0: Định hình và phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Tập trung nắm bắt xu hướng công nghệ mới, sẵn sàng và dũng cảm từ bỏ mô hình cũ để đi vào Cách mạng 4.0, nhằm thích ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng”. Đáp lời hiệu triệu của Thủ tướng, hàng loạt hãng vận tải đã tiên phong dịch chuyển từ nhà vận tải truyền thống sang nhà vận tải công nghệ.

Không còn dừng lại ở những phản ứng đơn thuần, các doanh nghiệp vận tải trong nước đã nhận ra cần phải thay đổi công nghệ, thay đổi tư duy, thậm chí là đi theo con đường khác với hiện tại mới có thể tồn tại, cạnh tranh và phát triển. Từ thành công của hãng xe Inter Bus Lines, tuyến vận tải Hà Nội - Sapa, Inter Bus Lines đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành nhà xe và thu được những kết quả rất tích cực, giảm được chi phí và tăng doanh thu từ 10 - 20%. Hiện khách Inter Bus Lines có thể chủ động vào đặt chỗ, đặt giờ khởi hành, số ghế trống, số ghế đã đặt và tích hợp trên mọi hệ điều hành.

Các cơ quan quản lý từ thuế, quản lý vận tải, CSGT đều có thể trích xuất dữ liệu, thậm chí là thu thuế điện tử trực tiếp trên hệ thống của Inter Bus Lines, kiểm soát mỗi chuyến xe của Inter Bus Lines đến từng giây. Chúng tôi có 100 chuyến vận chuyển mỗi ngày dữ liệu tự động báo về cơ quan quản lý, tiết kiệm chi phí rất nhiều khi được số hóa. Do đó, điều cộng đồng doanh nghiệp mong muốn là cơ quan quản lý cần đổi mới, sớm ứng dụng công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội trong quản lý. Nếu không tự đổi mới, không đầu tư bằng chất lượng phương tiện, dịch vụ và hiện nay bằng công nghệ, chúng tôi không thể cạnh tranh và tồn tại ở thời buổi công nghệ như hiện nay.

Cách mạng công nghệ 4.0 buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ những yêu cầu mới như nắm bắt xu hướng công nghệ mới, trang bị đủ năng lực và điều quan trọng là phải dũng cảm từ bỏ, cải cách mô hình cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, của người tiêu dùng. Chính vì vậy, sẽ có những doanh nghiệp bị thải loại do không theo kịp xu thế; sẽ có những người lao động không còn việc làm nếu không cập nhật trình độ và sẽ có những doanh nghiệp mới nổi lên, thế chân vào những thương hiệu lâu năm mà không kịp thích ứng với thời cuộc.

Cơ quan quản lý cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng chính sách. Sự hậu thuẫn từ hệ thống quản lý nhà nước là điều vô cùng cần thiết. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải có nhiều điểm “cởi trói” cho doanh nghiệp nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa rõ với doanh nghiệp vận tải khách theo hợp đồng như chưa quy định rõ về “hợp đồng điện tử” và tạo điều kiện để doanh nghiệp vận tải được tiên phong áp dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực vận tải, minh bạch nguồn thu và đóng thuế cho Nhà nước.

Chúng tôi mong muốn cần có chính sách cụ thể để quản lý thuế, phương tiện, người lái, đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm và nhất là nhanh chóng thể chế hóa, công nhận hợp đồng vận tải điện tử là hợp pháp, bên cạnh hợp đồng giấy trong quy định về loại hình vận tải khách, hàng hóa theo hợp đồng để hình thành khung chính sách chung.

Hải Nam

16

Ông Nguyễn Hữu Tuất

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng Giám Đốc Công ty FastGo VN:

Tích hợp bảo hiểm trên từng chuyến đi

Sau 3 năm xây dựng và phát triển, FastGo - Ứng dụng gọi xe của Công ty FastGo Việt Nam trực thuộc Tập đoàn NextTech vừa ra mắt tại thị trường Việt Nam. FastGo là ứng dụng gọi xe duy nhất trên thị trường hiện nay bảo vệ khách hàng trên mỗi chuyến đi bằng bảo hiểm Fast Protection với nhiều lợi ích (giá trị lên đến 200 triệu đồng) để khách hàng yên tâm trên mọi hành trình cùng lái xe của FastGo. Đối với tài xế, FastGo không thu phí chiết khấu theo tỷ lệ phần trăm mà chỉ thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng/ngày.

Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, các ứng dụng phải liên tiếp phát triển nền tảng công nghệ để cung cấp cho người dùng trải nghiệm và lợi ích tối ưu nhất. FastGo tận dụng lợi thế nền tảng công nghệ vững chắc, mạng lưới đối tác hàng chục nghìn doanh nghiệp và hàng triệu người dùng có sẵn của hệ sinh thái NextTech, để tập trung vào trải nghiệm khách hàng và các giá trị gia tăng cung cấp cho khách hàng.Hơn nữa, FastGo là một ứng dụng được người Việt phát triển, dành cho người Việt. Chúng tôi tin rằng, với một lộ trình phát triển rõ ràng, nền tảng công nghệ ưu việt và sự ủng hộ của các cơ quan quản lý và người dùng Việt Nam, FastGo sẽ phát triển bền vững, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đem lại nhiều lợi ích cho người Việt cũng như đóng góp cho sự phát triển xã hội của Việt Nam.

Sau hơn hai tháng hoạt động, đã có hơn 10.000 xe taxi, xe kinh doanh đăng ký tham gia hệ thống FastGo, hơn 70.000 cuộc gọi xe được thực hiện, gần 30.000 khách hàng đăng ký và cài đặt ứng dụng... Ngày 10/8 vừa qua, FastGo đã chính thức có mặt tại TP HCM và đồng thời bắt đầu triển khai dịch vụ FastBike Pro tại thị trường này.

FastGo đặt mục tiêu thu hút 20.000 tài xế và 5 triệu khách hàng trong 2 năm tới.

Anh Kiệt

17

Ông Nguyễn Tuấn Vinh

Ông Nguyễn Tuấn Vinh, giám đốc Công ty cổ phần Vihago:

Không thu chiết khấu của tài xế

Vihago là mạng xã hội kết nối giữa hành khách với taxi, xe ôm, xe khách, xe vận tải, xe cứu hộ. Khi có nhu cầu đi lại, người dùng vào ứng dụng sẽ nhìn thấy các phương tiện xung quanh, tìm kiếm xe đi chung, xe khách, xe vận tải, thậm chí là cả xe cứu hộ giao thông và liên hệ với phương tiện phù hợp cho mục đích của mình.

Vihago đưa tất cả những phương tiện muốn cung cấp dịch vụ vận chuyển lên trên bản đồ để ai có nhu cầu đi lại có thể biết và liên hệ. Cơ chế hoạt động của vihago.com hết sức đơn giản, đó là chỉ định vị vị trí của tài xế qua số điện thoại. Hệ thống sẽ không can thiệp vào việc đàm phán của tài xế với hành khách. Bất cứ tài xế nào cũng có thể tham gia, không phân biệt xe hãng hay xe cá nhân, chỉ cần tài xế có smartphone và kết nối internet.

Một điểm mới của Vihago đó là không thu chiết khấu của tài xế. Thay vào đó, tài xế sẽ chỉ phải đóng một khoản tiền cố định hàng tháng gọi là “phí thuê bao” tùy thuộc vào phương tiện tài xế đang sử dụng như xe taxi, xe khách, xe tải hoặc xe ôm. Hiện, Vihago đã có trên nền tảng website và ứng dụng chính thức trên nền tảng Android.

Hải Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.