Quản lý

Doanh nghiệp vận tải xin lùi thời điểm lắp camera giám sát

21/09/2020, 10:00

Do suy kiệt bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp kiến nghị lùi thời điểm áp dụng camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải.

img
Cảnh đìu hiu tại bến xe Đà Nẵng trong ngày đầu được phép hoạt động trở lại (hôm 7/9). Ảnh: Vĩnh Nhân

Theo Nghị định 10/2020, trước ngày 1/7/2021, xe kinh doanh vận tải hành khách trên 9 chỗ và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Tuy nhiên, do suy kiệt bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp kiến nghị lùi thời điểm áp dụng.

Xin lùi thời hạn lắp camera 2 năm

Ủng hộ chủ trương lắp camera giám sát trên các xe kinh doanh vận tải, song ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang cho biết, nhiều doanh nghiệp vận tải ở An Giang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, doanh thu chỉ đạt 40% so với trước khi có dịch, trong khi chi phí vẫn phải chi trả như trước đó.

“Doanh nghiệp vận tải đang đứng trước bờ vực phá sản, không trả nợ nổi ngân hàng và đứng trước nguy cơ bị tịch thu xe. Chi phí cho việc lắp camera mỗi xe là 10 triệu, doanh nghiệp có 200 xe sẽ mất khoảng 2 tỷ đồng. Việc hoãn lại 2 năm sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi kinh doanh và có nguồn lực để đầu tư”, ông Xuân nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, nếu thực hiện theo quy định của Nghị định 10 thì số lượng camera phải lắp đặt rất lớn.

Nếu một chiếc xe khách 30 chỗ phải lắp tối thiểu 4 camera mới đủ để ghi hình ảnh lái xe, cửa lên xuống và khoang hành khách. Giá camera với loại có tính năng truyền dữ liệu trung bình khoảng 3 triệu đồng/chiếc và số camera phải lắp cho toàn bộ đối tượng khoảng 900.000 chiếc, cùng với chi phí truyền dữ liệu khoảng 320.000 đồng/tháng.

Ở góc độ khác, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho biết, cái khó nhất của doanh nghiệp khi thực hiện lắp camera là nền tảng công nghệ để tiếp nhận hình ảnh.

Cho biết doanh nghiệp mình cũng đã lắp camera giám sát, ông Hải nói: “Dữ liệu từ camera lớn gấp nhiều lần dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, để quản lý được dữ liệu này là vô cùng khó khăn. Chúng tôi không thể đủ nhân lực để cả ngày ngồi kiểm tra hình ảnh của từng xe. Trên địa bàn cả nước để xử lý hình ảnh này cần số lượng nhân lực rất lớn. Vì vậy, nên lùi lại thời gian để chuẩn bị cả hệ thống hạ tầng công nghệ, nhân lực và hành lang pháp lý, xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn cho thiết bị camera”.

Cũng theo ông Hải, rút kinh nghiệm từ bài học thiết bị giám sát hành trình đã nhiều lần thay đổi tính hợp quy mà chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý việc giám sát bằng hình ảnh, cần xây dựng một nền tảng công nghệ tốt đảm bảo việc sử dụng hình ảnh mang lại hiệu quả quản lý cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, tránh gây lãng phí cho xã hội.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ trực tuyến Skysoft cho rằng, hiện chưa có quy chuẩn cụ thể của camera và cũng chưa biết đơn vị nào quản lý, cấp phép để đưa ra thị trường. Phần lớn camera trên thị trường hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc.

Thẩm quyền quyết định thuộc Chính phủ

Ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, số lượng phương tiện phải lắp camera theo quy định trên địa bàn Hà Nội là khoảng trên 20.000 xe. Hiện mới có một số ít doanh nghiệp lắp, chủ yếu là để giám sát người lái xe, cửa lên xuống và khoang hành khách. Từ đầu năm đến nay, hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn, sản lượng vận tải giảm 30 - 40% so với trước khi có dịch.

Hiện nhiều doanh nghiệp vận tải đang trên bờ vực phá sản. Trong khi đó, chi phí lắp camera khoảng 10 triệu đồng/xe, mỗi doanh nghiệp sẽ phải chi khoảng 1 - 2 tỷ đồng và toàn quốc khoảng 8 - 9 nghìn tỷ đồng là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế thì tới năm 2022 kinh tế mới trở lại bình thường sau dịch bệnh. Để khả thi cần lùi thời hạn thêm 2 năm để doanh nghiệp phục hồi và thực hiện quy định.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN


“Để khai thác hiệu quả hệ thống camera cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật, tránh trường hợp doanh nghiệp đầu tư xong rồi lại không đạt theo quy định. Bên cạnh đó, cần xây dựng ngay phần mềm khai thác hiệu quả những thông tin, dữ liệu từ camera giám sát lắp trên xe”, ông Tuyển đề xuất.

Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, không ban hành quy chuẩn riêng cho camera lắp trên xe kinh doanh vận tải. Tại chương II của Thông tư 12/2020 đã quy định về yêu cầu kỹ thuật camera, các doanh nghiệp căn cứ vào quy định này để thực hiện. Hiện, Tổng cục đang triển khai xây dựng hệ thống trung tâm xử lý dữ liệu tiếp nhận từ camera trình Bộ GTVT phê duyệt.

Về đề xuất lùi thời hạn lắp camera, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, trong quá trình lấy ý kiến soạn thảo Nghị định, Hiệp hội Vận tải ô tô VN cũng đã có văn bản đề nghị phải lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải.

“Đây là quy định mới được quy định trong Nghị định 10 đã ban hành, trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn vướng mắc, Hiệp hội có thể tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trong khi Chính phủ chưa chỉ đạo thì vẫn phải thực hiện đúng quy định”, ông Thủy khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.