Doanh nghiệp

Doanh nhân Lê Chí Hiếu: Tay phải xây nhà, tay trái viết nhạc

03/07/2016, 14:05

Theo TS. Lê Chí Hiếu, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nếu chỉ biết làm và ăn thì cuộc sống không trọn vẹn.

15

TS. Lê Chí Hiếu, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Người tiên phong bán nhà trả góp

Trong giới doanh nhân Sài Gòn, hẳn cái tên Lê Chí Hiếu, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) không hề xa lạ. TS. Lê Chí Hiếu lại càng quen thuộc với báo chí, khi ông thường xuyên xuất hiện trên mặt báo với tư cách là một chuyên gia tài chính, chuyên gia ngành bất động sản và có nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho thị trường này.

Tiếp chúng tôi trong buổi chiều Sài Gòn mưa nặng hạt, ông Hiếu kể về hành trình dài của chàng sinh viên trẻ Trường ĐH Kinh tế TP HCM đến khi trở thành chủ tịch HĐQT một công ty có hàng nghìn nhân viên.

Ông Hiếu nói: “Đó là một cuộc phiêu lưu đầy trắc trở và mình phải sẵn sàng dấn thân. Nhưng nếu chỉ vì một vài khó khăn mà đã vội lùi bước thì cuộc sống quá vô vị…”.

TS. Lê Chí Hiếu là người sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Cỏ hát”, “Nhịp Sài Gòn”, “Tuổi 20”, “Ra khơi”… Ca khúc “Vững bước dưới cờ Đoàn” của ông đã trở thành bài hát truyền thống của ca Đoàn.

Nhiều ca sĩ nổi tiếng đã từng hát nhạc phẩm của ông như: Quang Dũng, Hồ Quỳnh Hương, Hồng Hạnh, Ygaria, Trang Nhung, Nhã Ca,  Maria Đinh…

Ông Hiếu nhớ lại: Thời thập niên 80 thế kỷ trước, sau khi tốt nghiệp đại học, ông về công tác trong Ngân hàng Nhà nước, nơi không ít sinh viên kinh tế khao khát muốn đặt chân vào. Đang yên vị ông lại chuyển về UBND huyện Thủ Đức, làm trưởng các bộ phận kế hoạch, tài chính, thống kê kiêm trưởng ban quản lý công trình cho huyện.

Đến năm 1994, ông Hiếu được điều về làm Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển nhà huyện Thủ Đức. Năm 1997, công ty chính thức chuyển sang kinh doanh theo cơ chế thị trường với nhiều dự án khu đô thị, chung cư tại 3 quận: 2, 9, Thủ Đức (tách ra từ huyện Thủ Đức cũ).

Ba năm sau, UBND TP.HCM có quyết định chuyển đổi từ DN Nhà nước thành Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức như hiện nay. Năm 2006, công ty này đã chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Từ một DN có vốn chỉ vài trăm triệu đồng, đến nay Thuduc House có tổng tài sản hơn 2.000 tỷ đồng và hiện có hơn 50 dự án ở khắp các thành phố lớn. Đây là công ty BĐS đầu tên thành lập công ty con tại Mỹ.

Đánh giá về Thuduc House, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho biết, Thuduc House là một trong những DN đầu tiên của thành phố thực hiện cổ phần hóa. Sau đó, rất nhanh chóng công ty đã được niêm yết trên sàn chứng khoán và trở thành công ty đại chúng. Và đây cũng là một trong những công ty đầu tiên hợp tác với Tập đoàn Daewo (Hàn Quốc) từ hơn 10 năm trước. Là chủ tịch hiệp hội cũng là một doanh nhân tôi vẫn nhớ cảm xúc trước sự kiện này. Vì Việt Nam đã có một DN đứng ngang, bình đẳng với DN ngoài.

Với TP.HCM, Thuduc House đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển thị trường địa ốc, đặc biệt là khu vực quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Không chỉ phát triển dự án cao cấp như: Cantavil, Thuduc House còn các dự án phân khúc vừa như: Phước Long TDH Q9, Phước Long Spring town… hay những dự án có giá phù hợp với người thu nhập thấp như: TDH Trường Thọ và TDH Phước Bình.

Thế nhưng không phải chặng đường nào cũng rải toàn hoa hồng. Nhớ lại giai đoạn 2011 - 2014, thị trường BĐS gần như đóng băng, hàng tồn kho chồng chất. Đi đâu cũng thấy dự án ngưng thi công vì thiếu vốn và không bán được. Ông Hiếu có một quyết định được giới kinh doanh BĐS xem là “điên rồ” khi khai trương Sàn giao dịch BĐS nhằm thu hút các công ty khác chung tay đẩy mạnh bán hàng.

Để thu hút người mua nhà, ông Hiếu đã ra một quyết sách đặc biệt là người mua chỉ cần thanh toán 40% sẽ được nhận nhà. Số tiền còn lại có thể thanh toán trong vòng 5 năm với lãi suất 0%. Ông bảo công ty đã giảm lợi nhuận, chấp nhận hòa vốn vì phần lời để bù vào lãi suất cho người mua nhà. Nhờ đó hàng làm ra vẫn bán được cho những người có nhu cầu thực sự. Chính nhờ quyết định trên mà hàng nghìn người có thu nhập thấp được “an cư lạc nghiệp”.

“Song song nhiều giải pháp, chúng tôi thành lập tổ xuất nhập khẩu chuyên các sản phẩm nông sản, đẩy mạnh phát triển chợ đầu mối Thủ Đức. Thắt chặt mối quan hệ từ thương buôn đến nông dân nên nhanh chóng đẩy mạnh xuất nhập khẩu các sản phẩm sang nhiều nước trên thế giới. Nhờ đó, Thuduc House đã vượt qua cơn bão khủng hoảng một cách vững chãi nhất”, ông Hiếu chia sẻ.

Anh Lê Anh Cường, khách hàng mua căn hộ TDH Trường Thọ quận Thủ Đức cho biết đã chọn căn TDH Trường Thọ quận Thủ Đức không chỉ vì giá thấp dưới 1 tỷ đồng mà khi đó chủ đầu tư đã quyết định miễn lãi suất cho khách hàng. Nghĩa là khách hàng vẫn vay ngân hàng nhưng lãi suất 0% trong 5 năm. Như vậy, khách hàng chỉ phải trả gốc chứ không phải trả lãi. Chủ đầu tư Thuduc House đã cắt giảm lợi nhuận để vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn. Cũng nhờ vào sự chia sẻ này hàng trăm, hàng nghìn người như anh Cường đã có nhà.

14

 

Doanh nhân mê nhạc

Nhiều người vẫn tưởng ông Hiếu chỉ là một doanh nhân tài ba, một chuyên gia tài chính sắc sảo nên khá bất ngờ khi biết ông với vai trò là tác giả của nhiều ca khúc được giới trẻ yêu thích. Hơn thế, ngoài đời TS. Hiếu còn là người hát hay, đàn giỏi.

Tính đến nay, ông Hiếu đã sáng tác khoảng 50 ca khúc, trong đó có những ca khúc nổi tiếng như: Tuổi 20 hay Nhịp Sài Gòn… đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng hát. Thậm chí, một ca sĩ Phillippines vì quá thích thú với ca khúc Nhịp Sài Gòn đã đem về nước để hát.

Trong bài hát trên, người nghe cảm thấy như một chàng trai Sài Gòn tuổi 20, có tâm hồn trẻ trung, tràn đầy sức sống: “Buổi sáng nhấm nháp tách cà phê/Nhìn ngắm phố xá như mọi khi/Rộn rã những bước chân vội đi/Chào nhau đôi câu không tính suy/Buổi sáng chếnh choáng giữa dòng xe/Vạt nắng lấp lánh sau hàng me… Sài Gòn thoáng nắng chợt mưa/Sài Gòn mới sớm vội trưa/ Sài Gòn tiếng nói nhẹ thưa/Sài Gòn lễ phép dạ thưa…”.

Với ca sĩ Ygaria (con trai cố nhạc  sĩ Ymoan), Lê Chí Hiếu là một nhạc sĩ thực sự bởi: “Những sáng tác của ông rất “chất” và nhiều cảm xúc. Trong album Thời gian, có một ca khúc cùng tên do Lê Chí Hiếu viết lời và tôi làm phần nhạc. Khi đọc các ca từ ông viết tôi bị mê hoặc, xúc động đặc biệt. Nhiều khi tôi không hình dung được tại sao với một dáng vẻ lịch lãm, điềm đạm của một doanh nhân lại có thể có những ca khúc sôi động, trẻ trung như Tuổi 20. Tôi cũng đã thể hiện nhiều ca khúc khác của ông như Mưa phùn cao nguyên. Dự định sắp tới tôi sẽ dựng lại bản Mưa phùn cao nguyên theo dạng Acoustic rock”.

Chia sẻ về chuyện sáng tác nhạc, ông Hiếu nói: “Âm nhạc cần cho cuộc sống như nhịp đập cần cho trái tim. Âm nhạc giúp con người lấy lại thăng bằng và nhìn cuộc sống với thái độ an nhiên…”.

Chúng tôi thắc mắc, là một doanh nhân thành đạt, lại là một nhạc sĩ, ở hai góc độ không có vẻ ăn nhập gì nhau lại diễn ra ngay trong một con người, ông Hiếu giải thích: “Nghệ thuật là một phần của cuộc sống, chuyện ai đó mê âm nhạc cũng tương tự như người thích đánh golf, người hăng say tennis... Những niềm đam mê ngoài công việc này đôi khi lại trở thành chất xúc tác để con người xích lại gần nhau, thậm chí là khởi đầu cho một mối quan hệ hợp tác lâu dài trong kinh doanh. Và sẽ thế nào nếu con người sống chỉ biết làm và ăn mà như vậy thì sống không trọn vẹn. Hay nói đúng hơn là bạn đã làm nghèo cuộc sống của chính mình, dù có rất nhiều tiền…”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.