Đời sống

Độc đáo men rượu cần của người đồng bào Tây Nguyên đón Tết

24/01/2023, 11:19

Hương rượu cần của người đồng bào M’nông, Mạ được lên men từ lá và vỏ cây rừng thơm ngon khiến thực khách mê mẩn.

Độc đáo men rượu cần làm bằng cây rừng

Mỗi độ Tết đến Xuân về, bon (buôn) Ka La Dơng (xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) lại nhộn nhịp người ra vào để mua rượu cần đón Tết. Đi từ đầu bon đến cuối bon, men rượu cần tỏa nồng nàn cả một vùng. Rượu cần của đồng bào Mạ được ủ theo bí quyết truyền thống với nét văn hóa đặc trưng riêng nên được nhiều người ưa chuộng.

img

Độc đáo men rượu cần của người đồng bào Tây Nguyên. Ảnh: N.H

Có thâm niên gần 40 năm gắn bó với nghề làm rượu cần, bà H’Griêng, người đồng bào Mạ chia sẻ: “Từ nhỏ, bà theo mẹ lên rừng chọn lá cây, học biết được bí quyết lên men rượu và sớm được mẹ truyền nghề để tự tay làm ra một ché rượu cần ngon”.

Theo bà H’Griêng, rượu cần được ủ từ men lá và vỏ, rễ cây rừng. Nhờ cách ủ truyền thống cùng “bí kíp” riêng nên rượu lên men tự nhiên, có hương vị đặc trưng của núi rừng. Hàng năm, cứ trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng, gia đình bà luôn tấp bật, tỉ mỉ chọn lá, vỏ, rễ cây rừng ủ khoảng 300-500 ché rượu phục vụ “thượng đế”.

img

Một loại cây rừng được người đồng bào sử dụng tạo men rượu cần. Ảnh: N.H

Mỗi ché rượu có giá bán khác nhau, đối với ché rượu nhỏ (5 lít), bà H’Griêng bán 250.000 đồng/ché, đối với ché lớn (50 lít) có khi lên đến 2 triệu đồng. Những năm qua, rượu cần được người dân sử dụng nhiều hơn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán nên sản phẩm rượu cần bán rất chạy.

Rượu cần đi khắp nơi đón Tết cổ truyền

Cùng chung niềm vui, nhà chị H’Yon (bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) những ngày cận Tết đều tấp nập người ra vào đặt mua rượu cần. Người ít thì mua một hai ché, người nhiều thì mua cả chục ché làm quà biếu dịp Tết.

img

Mỗi độ Tết đến xuân về, người đồng bào Tây Nguyên đưa ra thị trường hàng trăm ché rượu cần phục vụ đón Tết. Ảnh: N.H

Theo chị H’Yon, bàn đầu, rượu cần chỉ được làm để phục vụ trong các lễ hội của người M’nông. Sau đó, do có nhiều người tìm đến hỏi mua nên gia đình đã làm với số lượng lớn, có năm lên đến vài trăm ché.

Chị H’Yon chia sẻ: “Mỗi tháng gia đình tôi bán ra khoảng 50 ché rượu cần, riêng dịp Tết Nguyên đán số lượng tăng lên hàng trăm ché. Rượu cần được nhiều người đặt mua vì được sản xuất hoàn toàn thủ công, lên men tự nhiên. Mỗi ché rượu có giá dao động từ 400.000 đồng đến một triệu đồng. Những ché rượu cần của người đồng bào Tây Nguyên đã chuyển đi phục vụ Tết ở nhiều tỉnh, thành như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TPHCM, Thanh Hóa, Nghệ An…

img

Nghề làm rượu cần được người đồng bào dân tộc truyền từ đời này sang đời khác. Ảnh: N.H

Theo chia sẻ của người đồng bào bản địa, loại men được sử dụng là men cây rừng lấy từ cây r’môl và vỏ cây doong, một loại cây leo mọc ở rừng già rất khó kiếm. Sau đó, cây rừng được trộn với gạo (ngâm với nước qua đêm), ớt, muối, giã thành bột rồi đem phơi khô. Cơm rượu cần truyền thống được làm từ cơm nếp và cơm tẻ, ủ với men rừng cộng với một ít vỏ trấu, sau gần 2 tháng ủ là có thể dùng được.

Theo quan niệm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, rượu cần là thứ đồ uống quý, thường chỉ dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội và dành tiếp đãi khách gần xa đến với gia đình, buôn làng. Ngày nay, rượu cần vẫn chủ yếu được sản xuất thủ công nên nước rượu vàng và ngọt như mật ong, được người uống ưu chuộng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.